Khánh Hòa “thúc” Sở Công Thương tham mưu điều chỉnh quy hoạch cụm thủy điện Sông Giang

11:05 | 17/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có yêu cầu Sở Công Thương khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu để tham mưu điều chỉnh 2 công trình thủy điện Sông Giang 1 và 2.

Điều chỉnh quy hoạch 2 công trình thủy điện

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản số 7599/UBND-KT ngày 9/8 yêu cầu Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa khẩn trương, tổng hợp, nghiên cứu các văn bản của UBND huyện Khánh Vĩnh; Sở NTPTNT và để tham mưu văn bản báo cáo Bộ Công Thương về điều chỉnh quy hoạch 2 công trình thủy điện của Công ty CP Khai thác thủy điện Sông Giang (ESG).

Nội dung văn bản nhấn mạnh, UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo Sở Công Thương thực hiện tham mưu theo yêu cầu, tuy nhiên còn một số nội dung cần xác minh nên đến nay, Sở Công Thương chưa thực hiện đúng theo chỉ đạo. Do đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở này khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu các văn bản của UBND huyện Khánh Vĩnh; Sở NNPTNT và ESG để tham mưu tỉnh Khánh Hòa về văn bản gửi Bộ Công Thương, thời gian thực hiện trước ngày 15/8.

Khánh Hòa “thúc” Sở Công Thương tham mưu điều chỉnh quy hoạch cụm thủy điện Sông Giang - ảnh 1

Dự án thủy điện Sông Giang 1.

Trước đó, chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2 là Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương xin điều chỉnh quy hoạch. Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa rà soát lại hai dự án này để làm căn cứ cho việc có chấp thuận cho chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch hay không.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT đôn đốc các DN liên quan gồm ESG; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh về xử lý vụ gây thiệt hại về rừng bắt nguồn từ hoạt động của các công trình thủy điện Sông Giang 1 và 2. UBND huyện Khánh Vĩnh có trách nhiệm báo cáo rõ nội dung phản ánh việc dự án thủy điện Sông Giang 2 sử dụng 32 ha đất mà chưa đủ điều kiện.

Được biết, hai dự án này có công suất khoảng 49 MW nằm trên gần 300 ha đất rừng, trong đó có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Trước đó, báo chí phản ánh tình trạng cây chết, trụi lá, bong tróc xảy ra ở khá nhiều địa điểm ở lòng sông Giang, ông Lê Văn Trung, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương nói rằng, việc lòng hồ thủy điện Sông Giang 2 khi tích nước khiến hơn 12 ha đất rừng của công ty bị ngập nước đã được báo cáo tới các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Khánh Hòa.

Về việc này, UBND tỉnh đã chỉ đạo công ty Trầm Hương làm việc với Sở Tài nguyên Môi trường để làm thủ tục để thu hồi đất để Chủ đầu tư thủy điện sông Giang  thuê lại diện tích bị phá hoại.

Liên quan đến vấn đề này, ESG cho biết, hiện đơn vị đang tiến hành các thủ tục cần thiết với các cơ quan chức năng để xin bổ sung theo trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ông chủ của cụm thủy điện Sông Giang là ai?

Theo tìm hiểu, cụm thủy điện Sông Giang 1 và 2 thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang có tổng công suất 49MW.

Theo thiết kế, dự án thủy điện Sông Giang dự kiến sẽ tạo ra sản lượng điện đáp ứng nhu cầu điện năng của khoảng 74.000 hộ gia đình tại Việt Nam và hàng năm sẽ góp phần thay thế khoảng 110.000 tấn khí thải carbon gây hiệu ứng khí nhà kính.

Khánh Hòa “thúc” Sở Công Thương tham mưu điều chỉnh quy hoạch cụm thủy điện Sông Giang - ảnh 2

Dự án thủy điện Sông Giang 2. Ảnh Báo Công Thương.

Vào năm 2019, Nexif Energy đã thu mua 94% vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang. Nexif Energy do ông Surender Singh là nhà sáng lập kiêm đồng Tổng giám đốc điều hành

Nexif Energy được thành lập vào tháng 8 năm 2015 bởi Nexif - một công ty quản lý năng lượng độc lập có trụ sở tại Singapore và Denham Capital - một công ty vốn tư nhân hàng đầu thế giới chuyên đầu tư vào lĩnh vực năng lượng với hơn 9 tỉ USD vốn đầu tư và vốn cam kết tại 8 quỹ đầu tư.

Được biết, thuộc cụm thủy điện Sông Giang, dự án Sông Giang 2 sau 6 lần thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư và chậm trễ tiến độ mới có thể đưa vào hòa mạng lưới điện, diện tích đất sử dụng là 240 ha. Trong khi đó, bản thân đơn vị Chủ đầu tư là Công ty CP Khai thác thủy điện Sông Giang cũng có nhiều vấn đề. Theo đó, từ khi thành lập hồi năm 2005, tính đến ngày 1/12/2020, DN này có tới 16 lần thay đổi đăng ký. Theo thông tin mà PV thu thập được, người đại diện pháp luật của công ty là ông Arvind Sinh Negi, quốc tịch Ấn Độ.

Nói riêng về dự án Sông Giang 1 đến nay vẫn chậm trễ và liên tục phải gia hạn điều chỉnh tiến độ. Báo cáo vào tháng 6/2021 của ESG cho rằng dự án có thể kéo dài lên đến 24 tháng. Sở dĩ có con số này là do Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản phê duyệt cho dự án Sông Giang 1 được giãn tiến độ đến cuối năm 2022.

Dự án Sông Giang 1 có GCNĐT do UBND tỉnh Khánh Hòa cấp lần đầu ngày 19/5/2011, tiến độ thực hiện đến năm 2013. Tuy nhiên, dự án này nhiều lần thay đổi tiến độ vào các năm 2015; 2017; 2019 và mới đây nhất là tháng 7/2021.

Ngoài ra, trong văn bản số 257 của Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa ngày 1/3/2021 gửi UBND tỉnh Khánh Hòa có phần báo có công trình thủy điện Sông Giang 1 còn có 130 ha nằm trong quy hoạch bố trí quốc phòng theo Quyết định 2412/QĐ-TTg, do đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh kiến nghị UBND tỉnh phải có văn bản xin ý kiến Bộ tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Quốc phòng.

 Minh Phương

ĐỌC NHIỀU