Khi châu Âu tìm cách 'cai' khí đốt Nga, đặt cược vào Qatar là chưa đủ (Bài 2)
Qatar không phải “vị cứu tinh” của châu Âu ngay lúc này
Khí đốt của Qatar đang được châu Âu “săn đón”. Giữa tháng 3, ít ngày sau khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã đích thân sang thăm Doha và diện kiến Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani để thảo luận về các cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu LNG từ đất nước Trung Đông này. Nhiều quốc gia như Estonia cũng đang xem xét thúc đẩy các cơ sở hạ tầng tương tự.
Tại Diễn đàn Doha tổ chức vào tháng 3 qua với sự tham gia của gần 4.000 người, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell cũng xuất hiện còn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bất ngờ góp mặt với một bài phát biểu qua kênh trực tuyến, cũng đề cập đến vấn đề năng lượng.
Chuyên gia kinh tế Elan Habib, Giám đốc nghiên cứu khu vực Trung Đông tại công ty phân tích hàng hóa ICIS nhận định: “Xung đột Nga - Ukraine và sự không chắc chắn về nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu đã giúp Qatar thay đổi vị thế trong cuộc chơi”.
Trong một sớm một chiều, Qatar không thể sản xuất đủ khí hóa lỏng (LNG) để đáp ứng nhu cầu của toàn châu Âu. Công ty sản xuất năng lượng quốc gia Qatar Energy đang hoạt động hết công suất, nhưng hơn 80% dòng chảy LNG sẽ được cung cấp sang châu Á. Hầu hết trong số đó được bán theo các hợp đồng dài hạn mà Doha sẽ không hủy bỏ chỉ để chuyển nguồn cung sang châu Âu.
Ngay cả trong trường hợp Qatar bằng một cách nào đó đồng ý chuyển nguồn cung này sang châu Âu, quốc gia này cũng khó có thể đóng vai trò quyết định để đảm bảo an ninh năng lượng cho EU. Một tính toán của giới chuyên gia cho thấy đến thời điểm hiện tại, Qatar đã xuất khẩu khoảng 106 bcm LNG mỗi năm, thấp hơn nhiều tổng nhu cầu LNG của châu Âu là hơn 326 bcm.
Nhưng trong trung và dài hạn, tình huống 5 năm tới có thể thay đổi. Nguồn cung của Qatar dự kiến tăng lên đáng kể nhờ sự gia tăng sản lượng từ mức 106 bcm/năm hiện tại lên 175 bcm/ năm vào năm 2027 cũng như việc một số hợp đồng cung cấp dài hạn hiện nay sắp hết hạn. Trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và linh hoạt trong chính sách giá cả của Doha, Brussels có thể sẽ có được các hợp đồng nhập khẩu LNG với những điều khoản có lợi cho cả đôi bên.
Ông Nikolay Kozhanov, Phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Vùng Vịnh của Đại học Qatar nhận định bất kỳ nỗ lực nào của Qatar nhằm giúp châu Âu đa dạng hóa các nguồn cung cấp khí đốt hoặc lấp chỗ trống khi EU “quay lưng” với năng lượng của Nga chắc chắn sẽ đem lại những lợi ích kinh tế nhất định cho Doha.
Một mặt, Qatar sẽ thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khí đốt châu Âu khi tìm cách loại Nga khỏi thị trường cung ứng khí đốt Đông và Nam Âu, mặt khác tăng cường sự hiện diện và tầm ảnh hưởng với thị trường Tây Âu.
Mặt khác, việc Qatar sẵn sàng đáp lời kêu gọi của Mỹ và EU trong nỗ lực dàn xếp tình huống khó xử hiện tại của nhiều quốc gia châu Âu do phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt từ Nga cũng cho thấy một cơ hội khác để Doha củng cố quan hệ với Washington và Brussels.
Những lựa chọn khó khăn
Cũng theo ông Nikolay Kozhanov, Qatar sẽ phải đối mặt với những lựa chọn lớn trong vấn đề nguồn cung năng lượng cho châu Âu.
Ông Nikolay Kozhanov chỉ ra rằng từ góc độ kinh tế, lâu nay Qatar chỉ coị trường châu Âu là thứ yếu, tiêu thụ chưa đầy 1/3 lượng LNG xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu LNG từ Qatar sang châu Âu chỉ tăng vọt trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn mùa đông vừa rồi khi giá khí đốt ở EU tăng kỷ lục. Còn trong dài hạn, Doha đã xác định thị trường châu Á mới là ưu tiên, bởi sự phụ thuộc vào khí đốt của nước châu Á sẽ tiếp tục tăng lên trong những thập kỷ tới. Điều này khác hẳn với tình huống ở châu Âu, nơi các quốc gia đang thúc đẩy những cam kết sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Mặt khác, Qatar cũng phải dồn sức giữ thị phần tại châu Á khi cuộc cạnh tranh với các nhà sản xuất LNG chủ chốt khác của thế giới, bao gồm Australia và Mỹ ở khu vực này ngày càng trở nên gay gắt. Năm 2021, Mỹ đã vượt Qatar vươn lên vị trí thứ hai trong danh sách các nhà cung cấp LNG cho Trung Quốc. Trong hoàn cảnh đó, việc “phân tâm” sang thị trường châu Âu có vẻ là điều xa xỉ với Qatar.
Ông Nikolay Kozhanov nhận định rằng lời đề nghị Qatar giúp đỡ EU của Mỹ thậm chí còn mang dáng dấp của “một con ngựa thành Troy”. Một khi Qatar phân tán sự hiện diện sang thị trường châu Âu, Mỹ có thể nhanh chóng lấp chỗ trống mà Qatar để lại ở châu Á.
Còn từ góc độ địa chính tri, ít nhất từ năm 2014 đến nay, Qatar đã cố gắng định vị lập trường của họ như một quốc gia không tìm cách sử dụng tài nguyên khí đốt của mình để thúc đẩy lợi ích chính trị của chính mình hoặc của các đối tác chống lại bên thứ ba. Bằng chứng là ngay cả trong giai đoạn 2014-2019, khi quan hệ giữa Qatar với Ai Cập và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) trở nên căng thẳng, Doha vẫn nỗ lực đảm bảo nghĩa vụ hợp đồng cung cấp năng lượng cho các nước này.
Hay ngay chính tại châu Âu, kể từ năm 2016, Qatar dù đã liên tục tăng cường sự hiện diện ở thị trường năng lượng 3 quốc gia Ba Lan, Ý và Pháp; nhưng nước này luôn cố gắng lý giải những động thái đó phản ánh thúc đẩy của nhu cầu thị trường hơn là động cơ chính trị nào. Riêng tại các nước châu Âu như Áo và Đức, những thị trường mà Nga thống lĩnh lâu nay, Qatar không tìm mọi cách thâm nhập sâu.
Do đó, ở thời điểm hiện tại, bất kỳ sự gia tăng nguồn cung khí đốt nào của Qatar cho châu Âu đều sẽ bị Nga coi là một động thái không thân thiện và có động cơ chính trị, điều này đi ngược lại với lập trường mà Doha theo đuổi lâu nay.
Tất cả những điều này đặt Qatar vào một sự lựa chọn, theo ông Nikolay Kozhanov. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Qatar sẽ không cung cấp LNG cho châu Âu. Nó chỉ hàm ý Qatar không muốn và cũng khó có thể đóng vai một “đội cứu hỏa”, được gọi đến trong một thời gian ngắn để giải quyết tình huống khẩn cấp với châu Âu. Nhìn xa hơn, Qatar đang nhìn xa hơn tới những mục tiêu dài hạn, có thể là một vai trò lớn hơn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu trong tương lai.
Khi châu Âu tìm cách 'cai' khí đốt Nga, một quốc gia Trung Đông giàu lên trông thấy (Bài 1)