Khi châu Âu tìm cách 'cai' khí đốt Nga, một quốc gia Trung Đông giàu lên trông thấy (Bài 1)
Ngay khi máy bay bắt đầu hạ cánh xuống thủ đô Doha của Qatar, du khách sẽ thấy hai quang cảnh ấn tượng: sân vận động 80.000 chỗ ngồi giữa lòng sa mạc, nơi sẽ tổ chức trận chung kết World Cup 2022 diễn ra vào tháng 12 năm nay và những hàng dài tàu xếp dọc vịnh Ba Tư để vận chuyển dầu và khí đốt đi khắp nơi.
Bóng đá và năng lượng dường như không có nhiều điểm chung, nhưng đó là hai thứ mang lại cho Qatar tầm ảnh hưởng trên toàn cầu. Trong khi việc đăng cai World Cup giúp Qatar củng cố uy tín quốc tế, đất nước bé nhỏ này còn được biết đến với tư cách nhà cung cấp khí đốt quan trọng hàng đầu thế giới.
Khi chiến sự ở Ukraine đẩy giá năng lượng lên cao và châu Âu tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga, tờ Bloomberg nhận định Qatar là một trong những quốc gia “chiến thắng” do nguồn thu từ dầu mỏ và đặc biệt là khí đốt tăng lên cùng với vị thế địa chính trị.
3 thập kỷ để trở thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu thế giới
Sự quan trọng của Qatar trong chuỗi cung ứng khí đốt của thế giới là một câu chuyện dài. Trữ lượng khí đốt của nước này chủ yếu nằm tại North Field, một mỏ khai thác khổng lồ ngoài khơi mà diện tích của nó mở rộng đến tận vùng biển Iran. Mỏ này được Shell Plc phát hiện vào năm 1971 nhưng không được Shell đánh giá cao giá trị vào thời điểm đó, một phần vì vị trí quá xa để đến được các thị trường tiêu thụ khí đốt lớn.
Nhưng vào năm 1990, khi tình hình tài chính Qatar rơi vào tình trạng căng thẳng do sản lượng và giá dầu trong nước giảm, Bộ trưởng năng lượng Qatar thời điểm đó là ông Abdullah Bin Hamad Al Attiyah đã nhận định rằng khí đốt là tương lai của nền kinh tế.
Đến năm 2012, Qatar trở thành nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới nhờ cung cấp cho các thị trường Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, khí đốt từ Qatar gặp khó trong thâm nhập thị trường châu Âu do sự cạnh tranh của khí đốt từ Nga.
Năm 1997-1998, ông Abdullah Bin Hamad Al Attiyah từng gặp gỡ các quan chức Đức để thảo luận xem liệu Qatar có thể trở thành nhà cung cấp khí đốt cho Đức hay không, nhưng bị từ chối nhanh chóng. “Họ nói rằng không cần khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar, bởi nguồn cung từ Nga rẻ hơn và được vận chuyển thuận tiện hơn qua các đường ống sẵn có”, ông Al Attiyah nói.
Để thuyết phục các quan chức Đức, phía Qatar lập luận rằng châu Âu cuối cùng sẽ cần đa dạng nguồn cung khí đốt để tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Điều này đã được chứng minh là đúng đắn khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ gần đây.
EU đã áp đặt các hình phạt thương mại và kinh doanh mạnh mẽ nhằm vào Nga, nhưng gần như loại trừ các mặt hàng dầu mỏ và khí đốt. Đổi lại, Nga cũng tung ra các đòn trả đũa, gần đây nhất là tuyên bố cắt nguồn cung khí đốt với Ba Lan và Bulgaria. Tình thế buộc EU tìm kiếm các giải pháp thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga - vốn cung cấp tới gần một nửa nhu cầu năng lượng của khối. Và Qatar là một lựa chọn trong tầm ngắm.
Nguồn thu từ năng lượng thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế
Vị thế ngày một lớn trên thị trường năng lượng toàn cầu là một bước ngoặt đối với Qatar, quốc gia có dân số chưa đến 3 triệu người.
Trước đó, Saudi Arabia và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã dành hơn 3 năm để “o ép” nền kinh tế Qatar vì mối quan hệ của Doha với các nhóm hồi giáo trong khu vực và Tehran. Đến 2 năm gần đây, đại dịch COVID-19 đã đẩy giá khí đốt xuống mức thấp kỷ lục, khiến nguồn thu từ khí đốt của Qatar giảm mạnh. Đáng lo hơn, nhiều nhận định cho rằng giá khí đốt giảm là xu hướng tất yếu khi người tiêu dùng chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo sạch hơn.
Nhưng hiện tại, tình cảnh bị “o ép” đã kết thúc và giá khí đốt trên thế giới, đặc biệt là các thị trường như châu Âu đang tiến gần đỉnh thời đại với mức tăng 3 chữ số trong năm qua. Nhu cầu khí đốt tăng vọt sau đại dịch trong khi nguồn cung chịu sức ép bởi xung đột Nga - Ukraine là nguyên nhân chính.
Tại cuộc gặp gỡ giữa Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhà Trắng hồi tháng 1/2022, vài tuần trước khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ, ông Biden đã khẳng định Qatar là "một đồng minh lớn không thuộc NATO", đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết “đảm bảo sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu”, trong đó Qatar đóng vai trò quan trọng.
Một số quan chức cấp cao nhất của Liên minh châu Âu cũng bay đến Doha trong những tuần gần đây, mang theo một thông điệp rõ ràng về nhu cầu với khí đốt của Qatar. Chẳng hạn, chính phủ Đức đã yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu bắt đầu đàm phán hợp đồng cung ứng với các đối tác Qatar, nhất là sau khi Nga tuyên bố cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.
Nhu cầu tăng thêm đồng nghĩa có thể xuất hiện sự cạnh tranh của những người mua để có được hợp đồng cung cấp dài hạn với Qatar. Điều này có thể mang lại các điều khoản hợp đồng tốt hơn cho quốc gia Trung Đông này.
Bà Karen Young , thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông ở Washington nhận định: “Đây là một cơ hội bất ngờ. Qatar sẽ là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt quan trọng nhất, một trong những thị trường mạnh mẽ nhất trong những năm tới”.
Theo tính toán của Bloomberg dựa trên số liệu thương mại quý I, xuất khẩu năng lượng đã sẵn sàng đưa kim ngạch xuất khẩu quốc gia của Qatar vượt mốc 100 tỷ USD trong năm nay, cao nhất kể từ năm 2014.
Thực tế, khí đốt đang đưa Qatar thành một trong những quốc gia giàu có bậc nhất thế giới, nhất là trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Theo Citigroup, nền kinh tế 200 tỷ USD sẽ đạt tăng trưởng GDP 4,4% trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người của Qatar theo đó sẽ tăng lên gần 80.000 USD.
Ông Ziad Daoud, chuyên gia kinh tế về các thị trường mới nổi tại Bloomberg Economics nhận định khí đốt có thể là động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế Qatar tăng hết tốc lực trong bối cảnh động lực tăng trưởng từ những gói đầu tư để xây dựng các công trình phục vụ World Cup sắp kết thúc.
(Còn tiếp)
Khi châu Âu tìm cách 'cai' khí đốt Nga, đặt cược vào Qatar là chưa đủ (Bài 2)