Khi cơ sở spa, làm đẹp núp bóng bệnh viện (Bài 1)

06:46 | 12/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thời gian vừa qua, chúng tôi liên tục nhận được thông tin từ độc giả phản ánh tình trạng các sự cố, tai biến y khoa xảy ra tại các thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ tư nhân…

Thực tế cho thấy đa số khách hàng lựa chọn làm đẹp tại các thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ tư nhân nhiều hơn các cơ sở y tế công lập và phần đa khách hàng tin vào lời quảng cáo ‘có cánh’ từ những cơ sở thiếu uy tín.

Với phương châm lên án và bài trừ những cơ sở làm đẹp trá hình, mượn danh thẩm mỹ viện thực hiện ngoài phạm vi những dịch vụ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, ban biên tập Tạp chí Doanh nhân Việt Nam xin gửi tới quý độc giả tuyến bài viết: Biến tướng các sai phạm ở thẩm mỹ viện - Để mọi người hiểu rõ hơn về ngành thẩm mỹ vốn nhiều thị phi, phức tạp và khó quản lý ở nước ta. Qua đó mỗi người sẽ có được sự lựa chọn sáng suốt khi quyết định làm đẹp bản thân!

Xảy ra nhiều tai biến sao viện thẩm mỹ tư vẫn hút khách?

Câu hỏi trên là nghịch lý khó để có lời giải xác đáng. Thực tế cho thấy đa số khách hàng lựa chọn làm đẹp tại các thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ tư nhân nhiều hơn các cơ sở y tế công lập (những đơn vị đủ cơ sở vật chất và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ).

Khi cơ sở spa, làm đẹp  núp bóng bệnh viện (Bài 1) - ảnh 1

Vụ người đàn ông chết do hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn (Yên Hòa - Cầu Giấy) thời gian vừa qua gióng lên hồi chuông về tình trạng bát nháo thẩm mỹ tại Việt Nam. 

PGS.TS.BSCKII Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình – Thẩm mỹ, Phó giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thực nghiệm, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho rằng hiện không có thống kê hay nghiên cứu nào chỉ ra thực trạng chị em “quay lưng” với phẫu thuật thẩm mỹ ở bệnh viện công.

Tuy nhiên, ông thừa nhận các thẩm mỹ viện tư nhân vẫn thu hút được nhiều khách hàng hơn so với bệnh viện công. Đó là do các yếu tố như đảm bảo sự riêng tư, nhanh gọn, tiện lợi, có thể trả giá, cơ sở sạch sẽ, khang trang.

Cùng quan điểm này, bà Vũ Thanh Hải – Phó chủ tịch Liên hiệp Spa –Thẩm mỹ viện Việt Nam cho rằng: “Không một người phụ nữ nào sau khi làm một đại phẫu làm đẹp nào lại muốn ở một bệnh viện quá đông đúc như viện công lập, họ cần nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi và ít người biết”.

Bà Hải cho rằng yếu tố riêng tư có vai trò rất lớn vào quyết định của người sử dụng dịch vụ thẩm mỹ, ở các bệnh viện công rất khó để khách hàng có thể lựa chọn sự riêng tư và nghỉ ngơi một cách tốt nhất vì số lượng bệnh nhân quá lớn, các cơ sở thẩm mỹ tư thì ngược lại họ có thể đảm bảo bí mật tuyệt đối cho khách hàng cũng như cơ sở hạ tầng sẽ khang trang và sạch sẽ hơn.

Vị chuyên gia này lý giải đối tượng của phẫu thuật thẩm mỹ là những người không có bệnh. Do vậy, nhiều người đề xuất gọi đối tượng này là khách hàng, không phải bệnh nhân.

Phẫu thuật thẩm mỹ về cơ bản là một lĩnh vực kinh doanh, dựa trên nền tảng sử dụng nhân sự, kiến thức, dụng cụ, trang thiết bị y tế…Như vậy, có thể gọi đây là kinh doanh dịch vụ y tế. Do đó, khách hàng sẽ toàn quyền chọn lựa địa điểm, bác sĩ, nhân viên y tế mà họ cho là tốt nhất.

Một chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ nhận xét, các cơ sở kinh doanh lĩnh vực làm đẹp, spa, thẩm mỹ viện lại có khả năng “dụ” khách rất tốt.

“Họ được lòng khách hàng ở chỗ tiện lợi, dễ tư vấn. Ví dụ một người đến spa làm tóc, chăm sóc da, chủ tiệm khi đó bắt đầu giới thiệu thêm các dịch vụ không được cấp phép khác như tiêm filler, phun xăm thẩm mỹ, nâng mũi,…với giá rất rẻ. Ngoài ra, nhiều người cũng nghe lời giới thiệu từ người từng làm rồi mà không chịu tìm hiểu trước. Trong khi đó, ở các bệnh viện lớn, họ thường phải chờ đợi lâu hơn”, Vị chuyên gia này nói.

Quảng cáo mình là nhất!

Tình trạng các thẩm mỹ viện tư nổ quá lố về bản thân cũng không hiếm nhận ra. Người trước khẳng định mình nhất Việt Nam thì người sau nhận giỏi nhất khu vực, đó là bức tranh quảng cáo trong ngành thẩm mỹ tại Việt Nam.

Một chuyên gia trong ngành thẩm mỹ cho hay: “Có những kỹ thuật rất cũ nhưng bác sĩ đẩy lên thành thời thượng, tạo thành một làn sóng trong khi người dân thì không nắm rõ nên cứ tin. Hà Nội hiện chỉ có vài chục phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ nhưng có đến hàng ngàn cơ sở spa, thẩm mỹ viện… quảng cáo loạn xạ. Các cơ sở này dùng những thuật ngữ để lách luật, đánh lừa khách hàng.”

Khi cơ sở spa, làm đẹp  núp bóng bệnh viện (Bài 1) - ảnh 2

Thẩm mỹ viện Hàn Quốc bị xử phạt 77 triệu đồng vì quảng cáo và thực hiện dịch vụ vượt quá thẩm quyền.

Mới đây nhất, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội - ông Nguyễn Dương Trung cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận Cầu Giấy đã tiến hành kiểm tra cơ sở Thẩm mỹ viện Hàn Quốc có địa chỉ tại 35A Nguyễn Văn Huyên. Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở Thẩm mỹ này hoạt động vượt quá phạm vi và quảng cáo sai quy định.

Sau đó, UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định xử phạt thẩm mỹ viện Hàn Quốc tổng số tiền 77 triệu 500 nghìn đồng về 2 hành vi: cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động và quảng cáo dịch vụ đặc biệt không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Mới đây, Thanh tra Bộ Y tế đã kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn Hà Nội.  Hàng loạt các bệnh viên tư nhân đều tồn đọng những vướng mắc, vi phạm về chuyên môn cần khắc phục ngay lập tức. 
 
Đơn cử như tại Phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Cở sở này  đã vi phạm một loạt các nội dung như: Hồ sơ pháp lý; Hồ sơ quản lý nhân lực; Hồ sơ môi trường...
 
Ngoài ra, cơ sở này chưa thực hiện việc lập danh sách người đăng lý hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP. Phòng khám có 8 nhân viên, 2 người làm công tác chuyên môn (1 bác sỹ, 1 điều dưỡng) có chứng chỉ hành nghề; 6 người không làm công tác chuyên môn; không có giấy khám sức khỏe.
 
Theo kết luận thanh tra, vào thời điểm kiểm tra phạm vi hoạt động chuyên môn, chưa xuất trình phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám theo GPHĐ năm 2013, mà chỉ xuất trình giấy phép do Sở Y tế Hà Nội cấp phép năm 2016. Trong đó phạm vi chuyên môn cấp phép chỉ được hoạt động 1 bác sỹ và một điều dưỡng.
 
Về Hồ sơ môi trường, phòng khám cũng chưa xuất trình biên bản thẩm định công trình; biên bản nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng đối với hợp đồng dịch vụ thiết kế thi công hệ thống xử lý nước thải y tế.
 
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Y tế còn nêu ra những tồn trong việc thực hiện quy chế chuyên môn tạị đây như,  bệnh án chưa thực hiện theo mẫu bệnh án của Bộ Y tế ban hành, ghi chép còn sơ sài, chưa đầy đủ các mục, một số bệnh án chưa có chữ ký của bác sĩ điều trị, chưa lưu kết quả cận lâm sàng đối với người bệnh có tiến hành thủ thuật.
 
Do đó, Thanh tra Bộ Y tế đã yêu cầu, phải nghiêm túc khắc phục ngay những tồn tại mà Đoàn thanh tra nêu ra trong biên bản thanh tra tại cơ sở, thực hiện đúng quy định về điều kiện hành nghề y tư nhân, tuân thủ các quy định về quy chế chuyên môn, làm hồ sơ bệnh án…Đồng thời, phải báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện các kiến nghị được nêu trong kết luận thanh tra trong vòng 30 ngày.
 
Xuân Tùng

ĐỌC NHIỀU