Khởi nghiệp qua góc nhìn nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh
Khởi nghiệp trước hết được hiểu là bước ra đời tự lập. Ngoại trừ con em các gia đình có điều kiện, tôi nghĩ phần đông chúng ta đều hiểu như vậy: Kiếm việc làm để tự lập và trưởng thành. Tất nhiên, công việc đó không chỉ để nuôi sống bản thân lúc hiện tại mà phải thành con đường sự nghiệp. Có thể thẳng tắp hoặc quanh co mà xây đắp thành đích đến bền vững.
Nghiệm lại những gì đã trải qua, tôi hình dung ra hai con đường sự nghiệp: Một là con đường Clinton. Cả Bill và Hilary quen nhau lúc còn là sinh viên, sự kết hợp của họ chỉ có một mục tiêu là đưa Bill trở thành Tổng thống. Đơn giản không theo nghĩa dễ dàng mà là có một mục đích ngay từ đầu để theo đuổi đến cùng. Duy nhất và kiên định.
Con đường thứ hai là tự khám phá. Mình không biết phải làm gì, rồi phát hiện ra có thể làm cái này cái kia, tất cả nối lại với nhau thành một chuỗi. Trong sự đa dạng của thay đổi đó có một logic nội tại chứ không phải nhảy cóc. Cũng không phải ngồi một chỗ để chờ mà phải tìm để đón cơ hội bằng độ nhạy bén, phát hiện ra nó.
Khởi nghiệp và thành công. Để đánh giá thành công của sự nghiệp cần chiều dài thời gian, cũng không phải thành công liên tiếp, phải nếm mùi thất bại và lòng tự trọng. Tự trọng ở đây là phải biết nói không. Có lần có 2 doanh nhân trẻ gặp tôi. Hai bạn than rằng cũng muốn “sạch sẽ” lắm nhưng khó quá. 100% không phong bì là điều không thực tế.
Nhưng nếu dễ dãi, chưa đến mức cần thiết, chưa thử làm một cách chính trực và ngay thẳng đã vội vàng “bôi trơn” để công việc thuận lợi là đáng trách. Nếu chọn “bôi trơn” như là cách thức đầu tiên để giải quyết công việc làm ăn tức là mất quyền than thở trong xã hội. Tôi nghĩ cần sự dũng cảm trước hết, chứ không phải hở ra là phong bì.
Nhiều bạn trẻ sẽ ngạc nhiên khởi nghiệp cũng cần dung hòa. Không phải là thỏa hiệp theo nghĩa tiêu cực. Dung hòa ở đây là biết mình, biết người. Khách hàng và đối tác cũng có quyền lợi và lý lẽ như mình, phải nghĩ nhu cầu của họ như mình cũng có. Trong nghề ngoại giao, khi ra đàm phán thường sẽ xác định mẫu số chung lúc gặp nhau. Hai vòng tròn gặp nhau thì vùng giao nhau là lợi ích chung của hai phía, dù ít hay nhiều, rộng hay hẹp. Ngay cả người mình ghét nhất cũng có ít nhiều phần chung với mình. Đó là sự dung hòa giữa hai phía.
Nhà khởi nghiệp phải học và học mãi, không chỉ ở sách, trường lớp mà học từ chính cuộc sống và công việc của mình. Khi bộ não hết nhu cầu tò mò hiểu biết, đó là dấu hiệu của sự đi xuống không thể chống đỡ. Thỉnh thoảng, một nhà khởi nghiệp tự hỏi bản thân mình còn tò mò, ham muốn hiểu biết gì đó không? Tò mò sẽ hướng dẫn đến điều tốt đẹp, vươn tới cái mới và xa hơn, cần khám phá. Trong các loại lười, lười học là nguy hiểm nhất.
Sinh viên nên tập trung vào việc học hay mạnh dạn khởi nghiệp? Thật khó để đưa ra quyết định chọn bên nào. Câu hỏi đặt ra ở đây là chỉ làm cho vui hay là bước thứ nhất nghiêm túc và quyết tâm của một sự nghiệp tương lai? Khởi nghiệp trong giai đoạn này không
phải là vấn đề quá nghiêm trọng, chỉ cần đừng ảo tưởng.
Các nhà khởi nghiệp khi nói đến khởi nghiệp không thể không nhắc đến tài chính. Tiền là phương tiện, nhưng ai làm chủ: ta hay tiền? Nhiều nhà khởi nghiệp Việt Nam hiện nay lấy tiền là chuẩn của sự thành công. Đó là một dấu hiệu song chưa đủ. Người ta không biết lương của GS Ngô Bảo Châu là bao nhiêu nhưng biết rõ ông là một nhà toán học tài năng.
Trên thế giới đã có phong trào đòi thay GDP bằng GNH (Gross National Happiness - Tổng hạnh phúc quốc gia) trong tiêu chí đánh giá nền kinh tế. Suy cho cùng, đích đến và tìm kiếm của khởi nghiệp chính là hạnh phúc. Một xã hội mà con người hạnh phúc, chắc chắn sẽ là xã hội phát triển.