Khối ngoại mua ròng gần 760 tỷ đồng tuần VN-Index biến động mạnh, BSR hút tiền với giá trị đột biến
So về mức giá đóng cửa trong tuần, VN-Index chỉ ghi nhận mức biến động nhẹ khi giảm 3,9 điểm tương ứng với 0,3%. Tuy nhiên biến động của chỉ số trong tuần là tương đối lớn khi chạm mức thấp nhất và cao nhất lần lượt là 1.260 và 1.316.
Sau khi vượt mốc 1.300, áp lực chốt lãi đã xuất hiện kéo chỉ số giảm gần 24 điểm trong phiên cuối tuần để chốt tuần tại 1.284,08 điểm.
Trong tuần nhóm cổ phiếu điện và khu công nghiệp có diễn biến tích cực, 4 cổ phiếu thuộc các ngành này là GVR (+4,4%), POW (+11,1%), VGC (+13,5%) và GEX (+8,6%) đã lọt vào nhóm 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index. Dẫn đầu các cổ phiếu ảnh hưởng lớn đến chỉ số là MSN và TCB với mức đóng góp lần lượt là 1,5 điểm và 1,3 điểm.
GAS từ vị trí cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index tuần trước đã trở thành cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tuần này với mức ảnh hưởng giảm 2,7 điểm đến chỉ số.
Liên quan đến giao dịch của NĐT nước ngoài, khối này có tuần giao dịch tích cực khi mua ròng trong cả 5 phiên với tổng giá trị mua ròng đạt 758 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh họ mua ròng 600 tỷ đồng.
Theo thống kê của FiinTrade, dòng tiền ngoại chủ yếu tìm đến hóa chất (503 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (266 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (159 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (144 tỷ đồng),... trong khi tập trung rút khỏi nhóm tài nguyên cơ bẩn (271 tỷ đồng), bất động sản (192 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (131 tỷ đồng),...
Xét giao dịch theo từng mã, tâm điểm rót vốn thuộc về chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị 478 tỷ đồng. Ngay tuần trước đó, chứng chỉ quỹ này cũng được NĐT nước ngoài gom ròng đột biến với giá trị lên tới 1.359 tỷ đồng.
Theo sau, dòng tiền ngoại rót ròng 372,4 tỷ đồng vào cổ phiếu DPM. Sau giai đoạn tâng tích cực, cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí chịu áp lực điều chỉnh trong tuần qua, trong đó mã này giảm kịch sàn phiên cuối tuần. Tính chung cả tuần, DPM mất 2,5% thị giá, tạm dừng chân ở mốc 62.300 đồng/cp.
Tương tự, một đại diện khác của nhóm hóa chất nằm trong Top10 rót vốn là DCM với giá trị vào ròng là 132,6 tỷ đồng.
Tuần qua, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan gom ròng với giá trị 244,5 tỷ đồng. Đây cũng là mã ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index với nhịp tăng 3,7%. PNJ cũng là cổ phiếu bán lẻ được khối ngoại mua ròng 167,5 tỷ đồng.
Danh mục gom ròng dưới trăm tỷ đồng của khối ngoại lần lượt có sự góp mặt của VND (90,4 tỷ đồng), HDB (63,9 tỷ đồng), CTG (60,9 tỷ đồng) và VRE (59,6 tỷ đồng).
Dẫn đầu chiều bán ròng của khối ngoại là cổ phiếu HPG của ông lớn Hòa Phát. Với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm nhẹ, mã này gần như đi ngang trong tuần vừa qua.
Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa cho biết lượng thép thô sản xuất trong tháng 5 đạt 780.000 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 3,6 triệu tấn thép thô, tăng 10% so với cùng kỳ.
Ngày 20/6 tới đây, Hòa Phát sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%. Tiền mặt sẽ được chi trả vào ngày 6/7, cổ phiếu sẽ được phát hành trong tháng 6 - 8, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp nhuận.
Nổi bật tại chiều bán là động thái bán ròng VNM (114,5 tỷ đồng), NVL (111,3 tỷ đồng) và chứng chỉ quỹ E1VFVN30 (101,8 tỷ đồng). Trái ngược với cổ phiếu cùng họ là VRE, VHM và VIC tiếp tục có mặt trong danh sách mã chịu áp lực xả của khối ngoại với quy mô 114,5 tỷ và 98,6 tỷ đồng.
Hoạt động thoái vốn của NĐT nước ngoài còn được chứng kiến ở GMD (75,6 tỷ đồng), TPB (63,6 tỷ đồng), REE (39,7 tỷ đồng), CII (37,6 tỷ đồng).
Tuần qua, giao dịch của khối ngoại trên sàn HNX nghiêng nhẹ bên mua với quy mô rót ròng gần 20 tỷ đồng. Trong đó, khối này đẩy mạnh mua ròng 43,2 tỷ đồng mã SHS của Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội.
Kế đến, NĐT ngoại gom ròng 39,5 tỷ đồng cổ phiếu TNG của Đầu tư và Thương mại TNG. Trước khi chịu áp lực chốt lời phiên cuối tuàn, mã này trải qua 4 phiên tăng, trong đó có 1 phiên tăng trần. Kết phiên thứ Sáu, thị giá TNG dừng tại 30.600 đồng/cp, tương ứng tăng 5,5% so với tuần trước đó.
Hoạt động giải ngân còn được chứng kiến ở IDC (27,7 tỷ đồng), PVI (17,9 tỷ đồng) và INN (3,2 tỷ đồng).
Giao dịch bán ròng tập trung tại hai cổ phiếu là PVS và THD với giá trị lần lượt là 11,8 tỷ và 10,2 tỷ đồng. Theo sau, khối ngoại bán ròng nhẹ hơn các mã BVS (5,6 tỷ đồng), PLC (2,2 tỷ đồng) và BVS (5,6 tỷ đồng).
Tuần qua, hoạt động rót vốn trên thị trường UPCoM áp đảo với giá trị vào ròng lên tới hơn 374 tỷ đồng. Cụ thể, khối này mua vào 593 tỷ trong khi bán ra 219 tỷ đồng.
Tâm điểm mua ròng là mã BSR của CTCP Lọc Hoá dầu Bình Sơn trong suốt tuần giao dịch với quy mô đột biến 430,8 tỷ đồng, tương đương hơn 13,8 triệu đơn vị. Giá dầu sắp lập đỉnh mới và lực cầu mạnh mẽ từ khối ngoại là động lực lớn cho đà bứt tốc của BSR. Tuần qua BSR đã vượt đỉnh lịch sử, đóng cửa phiên thứ Sáu dừng tại 30.300 đồng/cp.
Bên cạnh đó, dòng tiền ngoại cũng tìm đến nhiều mã quen thuộc như VEA, FOC, CLX và ACG với giá trị dưới 10 tỷ đồng.
Ngược lại, NĐT nước ngoài lần lượt rút vốn khỏi ACV (35,1 tỷ đồng), OIL (20,3 tỷ đồng), QNS (14,9 tỷ đồng), trước khi bán ròng nhẹ hơn các mã GHC (7,6 tỷ đồng), QTP (6,7 tỷ đồng).