Khơi thông dòng chảy kinh tế tư nhân

08:22 | 18/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam và một số doanh nhân tiêu biểu, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tư nhân có khát vọng làm giàu chính đáng, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm của mình và tham gia chống tham nhũng, tiêu cực…

Báo cáo Thủ tướng về tình hình hoạt động của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam trong thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết, kinh tế tư nhân chẳng những là động lực quan trọng của nền kinh tế mà kinh tế tư nhân còn là nòng cốt phát triển kinh tế đất nước. Thời nào, quốc gia nào cũng vậy, khi đặt kinh tế tư nhân đúng vị trí, phát huy hết được nguồn nội lực của nó, đất nước sẽ có cơ hội phát triển và giàu có.

Do đó, Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam qua hơn 5 năm hoạt động đang phát huy vai trò là ngôi nhà chung của đội ngũ doanh nhân tư nhân cùng chung tay nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nhân tư nhân, góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử: Kinh tế tư nhân là động lực và nòng cốt xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tự cường của đất nước.

Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, ông Nguyễn Trung Chính (Chủ tịch HĐQT/TGĐ Tập đoàn Công nghệ CMC) nhìn nhận, một đất nước muốn hùng cường thì kinh tế phải mạnh, để làm được việc đó phải có các doanh nhân tài giỏi. “Hiện nay, kinh tế tư nhân đóng góp đến 40% GDP đất nước, cũng như tạo việc làm cho 80% người lao động (theo số liệu của UNDP)", ông Chính cho biết.

Khơi thông dòng chảy kinh tế tư nhân - ảnh 1
 Ông Nguyễn Trung Chính đại diện Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam trình bày ý kiến trước Thủ tướng.
Từ đó, ông Chính cũng đưa ra một số kế sách để phát triển đội ngũ doanh nhân tư nhân như: Chính phủ tiếp tục xây dựng chính phủ kiến tạo bằng cách đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, giảm bớt các thủ tục; Mở cửa hơn nữa, xây dựng các tiêu chuẩn cạnh tranh để Việt Nam trong Top 4 ASEAN và các quốc gia hàng đầu thế giới; Đổi mới sáng tạo và công nghiệp là then chốt trong nền kinh tế, nên khuyến khích hơn nữa để chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, công dân số, thúc đẩy nguồn nhân lực 4.0, các môn khoa học tự nhiên như Toán, tiếng Anh…; Chính phủ nên tin vào khối tư nhân và giao nhiều việc hơn nữa cho tư nhân như xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, bến cảng, thu hút nguồn vốn thông qua phát hành trái phiếu dự án…; Việt Nam có cơ hội để trở thành điểm kết nối và lưu trữ dữ liệu của khu vực ASEAN cũng như châu Á-Thái Bình Dương (APAC), hay còn goi là “Digital Hub”. Điều này phù hợp với xu hướng toàn cầu cũng như vị trí địa lý của Việt Nam, là trung tâm kết nối khu vực tiểu vùng sông Mekong hoặc cả vùng châu Á-Thái Bình Dương.
Đồng thời, ông Nguyễn Trung Chính cũng khẳng định cam kết doanh nhân tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng, thậm chí quan trọng nhất trong hành trình hướng đến mục tiêu năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập đầu người đạt 35.000-45.000 USD.
Còn theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), sự quan tâm của Thủ tướng đối với doanh nghiệp tư nhân xuất phát từ thực tế trong một thời gian dài, các doanh nghiệp tư nhân giữ vị trí, vai trò quan trọng của nền kinh tế. Cùng với khát vọng của tình yêu nước, tinh thần doanh nhân tư nhân muốn đóng góp xây dựng đất nước hùng cường sẽ tiếp tục được khơi dậy.
Là một ngân hàng trẻ nhất của hệ thống ngân hàng, TPBank đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tái cơ cấu. TPBank đã chọn con đường đi lên đầy khát vọng với công nghệ hiện đại, đó chính là ngân hàng số. Hiện ngân hàng có những ứng dụng để đảm bảo rằng người dân có thể giao dịch 24/7 thông qua hệ thống phòng giao dịch tự động. Nhờ có khát vọng mà TPBank đã vươn lên đạt được những thành công như ngày hôm nay. Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, khát vọng vươn  lên của các doanh nghiệp cần được bảo vệ, tránh tình trạng nhìn nhận vấn đề không đúng, có chính sách có thể làm thui chột mong muốn cống hiến đóng góp, khát vọng vươn lên của doanh nhân tư nhân.
Do đó, vị đại diện ngân hàng TPBank mong muốn Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có những cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân và tin  tưởng rằng người đứng đầu Chính phủ như vậy sẽ biến khát vọng của doanh nghiệp tư nhân mãi bùng cháy đưa đất nước của trở nên hùng cường và vững mạnh.
Khơi thông dòng chảy kinh tế tư nhân - ảnh 2
 Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.
Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng cho rằng, đây là một kênh thông tin quan trọng để “Chính phủ có chính sách tốt, sát cuộc sống, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất”.
Thủ tướng cũng kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nói chung và Hội Doanh nhân tư nhân nói riêng “có khát vọng làm giàu chính đáng, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm của mình, đồng thời trong quá trình ấy, có chiến lược, chiến thuật hợp lý, kiểm soát tốt rủi ro kinh doanh, làm sao đóng góp nhiều hơn cho chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, kể cả giải quyết việc làm, thu ngân sách, đổi mới sáng tạo”.
Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh liêm chính, quan tâm tới trách nhiệm xã hội, phát triển xanh, bền vững, có ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, cam kết quốc tế. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tham gia chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh, “nói không với tham nhũng, tiêu cực”. Đồng thời, doanh nghiệp tư nhân cần chú trọng hơn nữa phát triển nội lực, năng lực cạnh tranh, trong đó có con người và công nghệ, kể cả việc xây dựng thương hiệu. Phối hợp trong ngành hàng của mình, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt tham gia một số chương trình, dự án sản phẩm của Nhà nước, FDI…
Thủ tướng cũng mong muốn Hội Doanh nhân tư nhân hoạt động thiết thực, năng động hơn, luôn mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, tránh việc chỉ đơn thuần là thu hội phí với các hoạt động nghèo nàn, mang tính phong trào, bộ máy hành chính xơ cứng. Hội hoạt động công khai, minh bạch, thu hút nhiều nhà khoa học, nhà quản lý để có chương trình công tác thiết thực, đề xuất những chính sách, nguyện vọng của kinh tế tư nhân Việt Nam lên Chính phủ, các cấp chính quyền.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều khẳng định: Trong thời gian tới, Hội và đội ngũ doanh nhân tư nhân sẽ nỗ lực thực thi hiệu quả hơn nữa vai trò của mình trong việc đóng góp tham mưu với Đảng, Chính phủ về xây dựng chính sách; truyền tải và lan tỏa hiệu quả nhất các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với các chương trình truyền thông và hoạt động cụ thể, động viên, khích lệ doanh nhân tư nhân sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển nhanh, mạnh hơn nữa, quyết liệt đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ lớn, dám nuôi dưỡng ước mơ lớn, khát vọng lớn.
Điều đó nhằm góp phần đáp ứng sự tin cậy, quan tâm, kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành về phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng được các doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ vươn ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam, đúng như lời của Thủ tướng ‘’Một giấc mơ vĩ đại làm nên các doanh nghiệp vĩ đại, những con người vĩ đại’’ qua đó góp phần cùng cả nước phấn đấu thực hiện bằng được ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XII của Đảng vừa qua: “Chúng ta cần phát triển tối đa kinh tế tư nhân vì đây chính là con em, bạn bè của chúng ta, là gia đình của chúng ta, của xã hội chúng ta chứ còn ai khác mà lấn cấn, do dự”.