Không chỉ ‘2 nhãn mác’, một số sản phẩm Khaisilk thậm chí không có chất lụa
Theo đó, điểm đáng chú ý nhất trong kết luận kiểm tra là một số mẫu sản phẩm của công ty KHÔNG có thành phần silk (lụa), khác so với thông tin công bố trên nhãn hàng hóa, là "100% silk".
Điều này trái ngược hoàn toàn so với những gì mà doanh nhân Hoàng Khải trả lời trên báo chí. Cụ thể, hồi cuối tháng 10, sau khi sự việc khăn lụa Khaisilk gắn cả 2 mác "made in China" và "made in Vietnam" xảy ra, doanh nhân Hoàng Khải đã thú nhận rằng, công ty của ông nhập lụa từ Trung Quốc về bán lẫn với lụa Việt Nam từ giữa những năm 1990 đến nay. Tuy nhiên, ông Khải lại nhấn mạnh rằng: "Dù là hàng nhập từ Trung Quốc, lụa bán tại cửa hàng không phải là sản phẩm kém chất lượng, bởi tất cả hàng bán ở Khaisilk phải duyệt kỹ mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập".
Cũng theo kết luận của Bộ Công Thương, suốt từ năm 2009 đến giữa tháng 10/2017, công ty Khải Đức không hề nhập khẩu các mặt hàng thời trang.
Từ năm 2012 đến nay, Công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước.
Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa "Khaisilk®", "Khaisilk cách điệu" và "Khaisilk Made in Vietnam" để kinh doanh trên thị trường.
Như vậy, những kết luận của Bộ Công Thương cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác về hoạt động kinh doanh của công ty Khải Đức, so với những gì mà doanh nhân Hoàng Khải chia sẻ.
Căn cứ trên kết luận kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Vụ việc tại Khaisilk bắt nguồn từ giữa tháng 10/2017, khi Công ty V. là một khách hàng quen thuộc của sản phẩm khăn lụa tơ tằm thương hiệu Khaisilk, đã đặt mua 60 chiếc khăn tay lụa tơ tằm của Khaisilk, kích thước 50cm x 50cm với giá 644.000 đồng/chiếc tại Khaisilk 113 Hàng Gai.
Chiều 17/10, nhân viên của Khaisilk giao lô hàng 60 chiếc khăn cho Công ty V. Khi kiểm tra lô hàng này ngay tại công ty, phía Công ty V phát hiện 1 chiếc khăn vẫn còn nguyên 2 chiếc mác, một là "Made in China" và một là "Khaisilk Made in Vietnam".
59 chiếc còn lại chỉ có mác Khaisilk Made in Vietnam, nhưng trên viền khăn lại có một miếng nhỏ màu trắng, nhìn giống như đã bị cắt mác từ trước.
Ngay lập tức, Công ty V đã lập biên bản và gửi phản hồi tới lãnh đạo của hệ thống Khaisilk nhằm đặt vấn đề làm rõ nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng 60 chiếc khăn lần này, chất liệu thực sự là gì, và các lô hàng khăn trước đó chất lượng thế nào.
Đến ngày 19/10, Khaisilk đã có văn bản trả lời Công ty V. Theo văn bản này, phía Khaisilk khẳng định, các mẫu khăn lụa đều thuộc thương hiệu Khaisilk và được làm từ 100% lụa tơ tằm. Riêng chiếc khăn có 2 nhãn mác là do "nhân viên bộ phận kho khi soạn lô hàng, do thiếu 1 chiếc đã lấy ngay trên máy may hiện đang sản xuất cho một khách hàng khác mà không kiểm tra kỹ. Chiếc khăn này nằm trong đơn hàng 350 chiếc do Khaisilk sản xuất cho khách hàng Design GO tại Hong Kong, may riêng nhãn mác "Made in China" theo yêu cầu của khách vì lý do thủ tục nhập khẩu riêng của khách".
Tuy nhiên, câu trả lời này của Khaisilk không làm phía Công ty V hài lòng, nhiều người dùng mạng xã hội cũng tỏ ra hoài nghi về chất lượng khăn cao cấp của Khaisilk.
Những ngày sau đó, thêm nhiều người dùng Facebook đăng tải hình ảnh chiếc khăn có mác Made in Vietnam của thương hiệu Khaisilk, nhưng cũng có một vết cắt mác nhỏ màu trắng còn sót lại trên viền khăn.
Đến ngày 25/10, doanh nhân Hoàng Khải chính thức lên tiếng thừa nhận bán khăn "Made in China" từ những năm 1990, cúi đầu xin lỗi khách hàng.
Ngay sau khi có thông tin, các cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ các hành vi sai phạm của Tập đoàn Khaisilk.
Theo Hà My (Trí thức trẻ)