Không có kỹ năng tốt sẽ khó có việc làm
Cần thận trọng khi thúc đẩy khởi nghiệp trong các trường THPT
Qua 25 năm làm đào tạo phát triển nhân sự, Ths. Vũ Tuấn Anh nhận ra rằng, kỹ năng làm việc của các bạn trẻ rất thiếu và yếu. Nhiều người nói, nguyên nhân là do bằng cấp. Tuy nhiên, sau nhiều năm tìm hiểu, ông thấy nguyên nhân chính là do họ không được định hướng nghề nghiệp đúng đắn. Nhiều bạn học ngân hàng ra làm việc ngành ngân hàng nhưng không hiểu vì sao lại học ngành ngân hàng và cũng không biết mình có thích hợp hay không, chỉ đơn giản là phụ huynh chọn. Vì vậy, ông thấy cần có một cuốn sách về hướng nghiệp cơ bản để mọi người thấy được rằng, bố mẹ và con cái phải cùng hướng nghiệp, chọn ngành học phù hợp.
“Trong khi thế giới đang thay đổi nhanh chóng, có một lĩnh vực dường như đang ở trong những năm tháng của thế kỉ trước là hướng nghiệp cho các bạn học sinh, sinh viên. Thách thức lớn nhất là tính hiệu quả trong công tác hướng nghiệp tại mọi cấp độ vẫn chậm và chưa đủ rộng… Nếu như sinh viên năm thứ nhất được định hướng một cách chính xác và khoa học, được trang bị những kỹ năng cần thiết ngay từ khi mới nhập trường thì chắc chắn tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường phải làm trái nghề hoặc chưa tìm được việc làm sẽ được giảm thiểu”, Ths. Vũ Tuấn Anh khẳng định.
Thời gian gần đây, các hoạt động khởi nghiệp được thúc đẩy trong các trường trung học phổ thông (THPT). Theo các tác giả Hướng nghiệp 4.0 thì việc thúc đẩy khởi nghiệp trong trường THPT cần thực hiện rất thận trọng và nhìn thẳng vào sự thật rằng tỉ lệ thất bại trong doanh nghiệp khởi nghiệp rất nhiều. Vì vậy, tại cấp THPT, chỉ nên đưa các khái niệm về tinh thần khởi nghiệp tại vị trí làm việc, kiến thức đổi mới sáng tạo cùng các tư duy phương pháp khởi nghiệp nhằm giúp các em làm tốt và sáng tạo công việc sau khi tốt nghiệp đại học. Khởi nghiệp thật sự - kiến tạo doanh nghiệp nên chăng chỉ áp dụng cho các bạn tân cử nhân hoặc đã đi làm từ 1-3 năm. Thúc đẩy khởi nghiệp quá sớm sẽ dẫn tới việc các bạn học sinh chỉ có một con đường duy nhất là mở doanh nghiệp. Trong khi đó, khi tốt nghiệp đại học với kết quả tốt, các bạn trẻ luôn có hai sự lựa chọn khởi nghiệp và đi làm. Các bạn trẻ nên quan tâm, trả lời các vấn đề cốt lõi như: Mình tạo ra giá trị gì cho khách hàng? Mình thực hiện ở đâu? Mình thực hiện với ai? Mình mong mỏi giá trị đó tại cấp độ nào?. Từ đó, bạn quyết định khởi nghiệp hay đi làm cho phù hợp.
“Muốn thúc đẩy khởi nghiệp trong trường THPT hiệu quả, chúng ta cần hiểu rõ quan hệ giữa khởi nghiệp và nghề nghiệp đối với các bạn trẻ. Khởi nghiệp và hướng nghiệp là hai mặt của một vấn đề. Quan điểm tách rời khởi nghiệp và hướng nghiệp là sai về bản chất… Các bạn sáng lập khởi nghiệp cần phải là những nhân viên làm việc hiệu quả để hướng dẫn nhân viên trong doanh nghiệp khởi nghiệp của mình. Họ cần có những kỹ năng, thái độ, kiến thức tốt và cần phải hiểu một doanh nghiệp tổ chức vận hành như thế nào để kiến tạo doanh nghiệp của mình hiệu quả”, Ths. Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tự nhận thức, tự đào tạo, tự phát triển
Theo quan điểm hai tác giả, nghề nghiệp 4.0 sẽ bao gồm những nền tảng như kỹ năng làm việc số, các công cụ của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Quan trọng là cách tiếp cận đa ngành, đa chức năng và đa góc nhìn trong mọi sự kiện vấn đề.
Những năm trước đây khi tìm hiểu nghề nghiệp, các bạn trẻ sẽ tìm hiểu từ những người đi trước và nhờ họ dạy. Tuy nhiên, khi cuộc sống ngày càng hiện đại với tốc độ phát triển nhanh chóng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì có lẽ chính “những người già” trong nghề cũng chưa bắt kịp được với xu thế. Công nghệ phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi người lao động phải thay đổi kỹ năng làm việc số để làm việc được với hệ thống tự động.
Ths. Vũ Tuấn Anh cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, con người sẽ phải làm việc chung với máy móc tự động. Họ cần có kỹ năng sáng tạo, làm việc nhóm, truyền thông để có thể phối hợp với nhau. Máy móc có thể làm thay nhiều việc cho con người nhưng chưa đến độ máy móc làm việc với nhau. Để chế ngự được máy móc, con người phải chú trọng làm việc chung với nhau.
Mỗi cá nhân cần nhận thức nghề nghiệp của chúng ta sẽ đối chọi bất định, bất ổn và bất minh. Chúng ta phải xây dựng năng lực tự nhận thức, tự đào tạo, tự phát triển nhằm thích nghi với các thay đổi đó. Chúng ta phải tự hoàn thiện thông qua vòng tròn thử - sai – lặp lại và hoàn thiện. Đổi mới sáng tạo chắc chắn sẽ có những thất bại. Cần học cách thất bại để thành công. Các bạn trẻ sẽ phải tự mình vượt qua các thách thức thông qua các tài liệu, tri thức và gợi mở của những người đi trước.
Sinh viên phải tự hiểu được chính mình, biết đâu là thế mạnh, sở trường, đam mê của mình để đi sâu khai thác. Các bạn cũng cần có thái độ chăm chỉ, nghiêm túc, biết phối hợp trong công việc... nếu muốn phát triển trong xã hội thị trường.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ cần thay đổi cách tương tác trong xã hội việc làm như các khái niệm nền tảng, chia sẻ. Các kỹ năng căn bản như giải quyết vấn đề, tư duy quy trình và hệ thống, tư duy chính yếu vẫn rất quan trọng trong nghề nghiệp 4.0.
“Các cá nhân nên áp dụng phương pháp Learn Startup – Khởi nghiệp tinh gọn trong phát triển nghề nghiệp thông qua vòng tròn học – trải nghiệm – làm thử. Các bạn phải luôn tự hỏi, khách hàng của mình là ai, họ cần những giá trị gì, chúng ta sẽ đổi mới sáng tạo để tạo dựng giá trị hay làm tốt hơn giá trị cho khách hàng. Từ gốc rễ kiến tạo giá trị cho khách hàng sẽ định hướng việc học tập và phát triển bản thân”, Ths. Vũ Tuấn Anh nói.