Không đứng tên sổ đỏ nhưng có chi tiền mua nhà, làm sao để được chia phần khi ly hôn?

10:01 | 03/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều vợ chồng khi kết hôn thường cùng nhau chi tiền mua nhà, thế nhưng không phải ai cũng có ý định đứng tên sổ đỏ khi đó. Bởi vậy, khi tình cảm vợ chồng trục trặc, muốn chia phần khi ly hôn hay xảy ra kiện tụng.
Chị Như cho hay, trước đó, hai vợ chồng chị cùng đứng tên vay ngân hàng 2 tỷ đồng để mua nhà. Do thiếu tiền, mẹ chồng chị đã cho thêm 1 tỷ để vợ chồng mua, sau đó cả gia đình quyết định để mẹ chồng đứng tên sổ đỏ căn hộ vì quan niệm ai hợp tuổi mua vào năm đó thì đứng tên. Thế nhưng, hiện tại hôn nhân vợ chồng chị đang trục trặc trong tình cảm, thường xảy ra mâu thuẫn. Lo sợ ly hôn, chị Như muốn biết liệu chị có được chia phần ngôi nhà trên không trong trường hợp xảy ra tranh chấp hậu ly hôn và chị không phải là người đứng tên trên sổ đỏ?
 
Không đứng tên sổ đỏ có được chia phần khi ly hôn
 
Luật sư Quách Thành Lực (đoàn Luật sư Hà Nội) tư vấn, theo Luật Đất đai 2013, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ, sổ hồng) là chứng thư pháp lý được sử dụng để xác xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, các tài sản khác gắn liền với đất. Có thể hiểu ngắn gọn rằng sổ đỏ, sổ hồng đứng tên ai thì người đó có quyền sở hữu đất.
 
Tuy nhiên trong trường hợp của chị Như, mẹ chồng chị chỉ đứng hộ tên sổ đỏ cho hai vợ chồng do quan niệm tín ngưỡng, do đó chị vẫn có cơ hội được chia tiền nhà. Trong trường hợp khởi kiện tranh chấp tài sản tại tòa án nơi có bất động sản, chị Như cần thu thập, chuẩn bị các tài liệu chứng cứ như sau:
 
Không đứng tên sổ đỏ có được chia phần khi ly hôn
 
Chứng cứ cho thấy chị và chồng đã vay tiền ngân hàng để mua căn hộ này, trong hồ sơ vay vốn tại ngân hàng sẽ ghi nhận mục đích này. Chị Như có thể tới ngân hàng và đề nghị cung cấp để chứng minh.
 
Bên cạnh đó, khi đi mua nhà, trong trường hợp vợ chồng chị Như tự đi tìm kiếm nhà đất, có liên hệ với người bán, có đặt cọc và thanh toán tiền thì cần liên hệ lại với người này để có văn bản xác nhận sự việc mua bán.
 
Ngoài ra, chị cần có thêm văn bản xác nhận từ UBND cấp xã rằng vợ chồng chị có cư trú tại ngôi nhà này chứ không phải là mẹ chồng. Chị Như cũng cần chuẩn bị các chứng cứ khác như tin nhắn, ghi âm, văn bản ghi nhận ý chí của mẹ chồng và những người liên quan, thể hiện việc cho tiền con mua nhà ở và mẹ chồng chỉ đứng tên.
 
Khi cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ như trên, cùng với hoạt động thu thập chứng cứ trong tố tụng, chị Như có cơ hội khẳng định mẹ chồng chỉ đứng tên hộ và tài sản trên thuộc về hai vợ chồng. Trong trường hợp này, chị có thể được chia một nửa giá trị căn nhà bằng hiện vật hoặc bằng tiền mặt.
 
Không đứng tên sổ đỏ có được chia phần khi ly hôn
 
Còn trong trường hợp vợ chồng chị Như sống chung với gia đình, theo điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình, khi ly hôn nếu có tài sản chung không xác định được trong tài sản gia đình thì vợ hoặc chồng vẫn được quyền nhận một phần tài sản trong đó, căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi người. Do đó, nếu các chứng cứ trên không đủ để chứng minh ngôi nhà là tài sản chung của vợ chồng thì chị Như vẫn có thể đề nghị tòa án phân chia một phần khối tài sản chung.
 
 
 
Linh Chi (t/h)