Không lo thiếu nguồn cung thực phẩm tại Hà Nội
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.Hà Nội, ngày 2/8/2021, Bộ Công Thương đã có Công văn số 4648/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương Hà Nội về việc bảo đảm an toàn dịch bệnh, duy trì nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho Thủ đô kể cả những hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách hay sinh viên bị kẹt lại do dịch bệnh.
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo các cơ sở kinh doanh hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Công Thương. Triển khai các biện pháp phun khử khuẩn, các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 để sớm mở cửa trở lại các chợ đầu mối, các cơ sở bán lẻ đã bị đóng cửa do có ca nhiễm bệnh. Có phương án bố trí các điểm bán hàng, các phương thức bán hàng bổ sung, đồng thời kết hợp với các nhà hảo tâm, đội ngũ thiện nguyện mở các chuỗi siêu thị 0 đồng nhằm hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do dịch bệnh COVID-19. Rà soát kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu để điều chỉnh, bổ sung phương án (nếu cần thiết) nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống.
Bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại Hà Nội
Để bảo đảm an toàn dịch bệnh và duy trì hoạt động tại các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương TP.Hà Nội, yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở có ca lây nhiễm COVID-19 để xử lý ngay các biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Công Thương đã trao đổi và yêu cầu các doanh nghiệp phân phối (như BRG, Aeon, BigC, MM Mega Market…), các chợ cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện nghiêm theo hướng dẫn số 5858/BYT-MT hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ mà Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế triển khai đến các địa phương cuối tháng 7 vừa qua.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp có phương án tăng lượng hàng dự trữ để bảo đảm đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn.
Các loại ra củ được bày bán tại các chuỗi siêu thị tại Hà Nội
Để hỗ trợ các hệ thống bán lẻ duy trì hoạt động cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã có báo cáo đề xuất với Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 về việc đưa người lao động tại hệ thống bán lẻ hàng hóa vào đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin. Đồng thời, Bộ cũng đã có Công văn số 4212/BCT-TTTN ngày 16/7/2021 gửi UBND các tỉnh, trong đó có Hà Nội, đề nghị chỉ đạo ngành y tế của địa phương ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động tại các doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu theo danh sách cụ thể Bộ Công Thương cung cấp.
Với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương, việc chủ động có các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu của TP Hà Nội và các doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn, nguồn cung, dự trữ hàng hóa thiết yếu hiện nay cũng như trong các tình huống diễn biến của dịch bệnh theo kịch bản đã được chuẩn bị tốt, người dân hoàn toàn có thể yên tâm mua sắm trong cao điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.
Đẩy mạnh bán hàng online để người dân yên tâm giãn cách
Tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP, nguồn cung hàng hóa thực phẩm vẫn ổn định, giá hàng hóa không có biến động bất thường (một số loại thực phẩm tươi sống giá có tăng nhẹ trong vài ngày vừa qua do chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu tăng do người dân chỉ được đi chợ 2-3 lần/tuần theo phiếu đi chợ đã được phát nên mỗi người thường mua số lượng thức ăn nhiều cho vài ngày). Nhìn chung, năng lực cung ứng hàng hóa tại các chợ vẫn được duy trì tốt, người dân vẫn dễ dàng tiếp cận với nguồn hàng.
Nhiều siêu thị đẩy mạnh bán hàng online nên lượng khách mua hàng trực tiếp rất ít
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, các siêu thị cũng đẩy mạnh bán hàng online. Trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, các siêu thị đã cung ứng cho các đơn mua hàng online của người dân tăng gấp từ 2-5 lần so với những ngày trước đó.
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội đã công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn TP. Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống đặt tại các quận huyện của TP, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô trong thời gian TP áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND. Thời gian hoạt động các điểm cung ứng này chủ yếu từ 6h00 - 22h00 hàng ngày. Trong số các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu còn các bưu cục, chuyển phát nhanh nhằm vụ vận tải, cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân qua phương thức mua hàng online.
Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định
Theo ghi nhận của Phóng viên và người dân ở nhiều khu vực trên địa bàn TP.Hà Nội, mặc dù nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống bị phong tỏa tạm thời nhưng nguồn cung thực phẩm tại các chợ trên địa bàn thành phố ổn định. Tại một số chợ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, giá thịt lợn phổ biến ở mức 120.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại; giá thịt gà ta (nguyên lông) 120.000 đồng/kg; giá lạc 80.000 – 120.000 đồng/kg tùy loại (có tăng so với trước đó), rau muống 7.000 đồng/mớ, cà chua 15.000 đồng/kg, mướp 15.000/1kg… nhìn chung các mặt hàng có tăng nhẹ nhưng không đáng kể.
Còn tại khu vực Hà Đông, thịt lợn giao động từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg, thịt bò từ 220.000 đến 320.000/1kg giá vẫn giữ nguyên so với trước dịch rau muống 6.000 đồng/mớ; khoai tây 15.000 đồng/kg, rau ngót 6.000 đồng/mớ, mùng tơi 5.000 đồng/mớ, chanh 13.000 – 15.000 đồng/kg …
Theo ghi nhận của Phóng viên tại chợ Bông Đỏ thuộc khu vực Hà Đông 10h trưa lượng thị thà rau củ tương đối dồi dào, tiểu thương có màng chắn bảo vệ khi bán hàng
Tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Đáng chú ý, dù các chợ truyền thống tăng giá nhẹ, nhưng các siêu thị vẫn giữ nguyên giá bán mặt hàng rau, củ quả. Tại siêu thị Big C, Vinmart, Hapro,… giá rau củ vẫn giữ ổn định, như bí xanh 14.300 đồng/kg, cải thảo 14.000 đồng/kg, bắp cải 15.000 đồng/kg; đậu đũa 25.900 đồng/kg… và bán với số lượng không giới hạn. Bên cạnh đó, các siêu thị cũng đẩy mạnh bán hàng online. Trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội đơn mua hàng online của người dân đã tăng gấp 2-5 lần so với những ngày trước đó.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu đặt tại các quận huyện của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.
Lối ra vào chợ được phân luồng rõ ràng người đi chợ phải có phiếu " nếu đi chợ không có phiếu không đảm bảo đúng yêu cầu của chỉ thị 17 CP thì mẹ tôi tôi cũng không cho vào chợ chứ đừng nói đến hàng xóm" bảo vệ chợ Bông Đỏ cho biết
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng công bố danh sách 455 chợ cung cấp hàng hóa thiết yếu để đảm bảo người dân Hà Nội yên tâm chống dịch, nhằm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của UBND thành phố về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn và phòng, chống dịch Covid-19.
Thời gian hoạt động các điểm cung ứng này chủ yếu từ 6h00 - 22h00 hàng ngày. Trong số các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu còn các bưu cục, chuyển phát nhanh nhằm phục vụ vận tải, cung ứng hàng hóa.
Siêu thị mini 0 đồng đầu tiên tại Thủ đô
Chia sẻ với người dân đang gặp khó khăn trong những ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 17 “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng”. Theo đó, siêu thị sẽ phục vụ nhu cầu mua sắm thiết yếu của người lao động bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm do dịch bệnh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mắc kẹt tại các khu ký túc xá, người khuyết tật, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và các nhóm đối tượng khó khăn, yếu thế khác.
“Siêu thị mini 0 đồng” tại Hà Nội là hoạt động nằm trong chiến dịch Hà Nội Trái tim hồng do ba đơn vị đồng phối hợp tổ chức là Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam TP.Hà Nội, Câu lạc bộ Doanh nhân Sao đỏ và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), phối hợp với Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội và Hiệp Hội Nữ doanh nhân Hà Nội. Chương trình được bảo trợ bởi Sở Công Thương Thành phố Hà Nội.
Mỗi siêu thị có hơn 60 mặt hàng được sắp xếp khoa học, ngay ngắn trên kệ từ thực phẩm khô, đến các thực phẩm tươi, gia vị, rau củ quả… trong đó có nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Hà Nội.
Bằng cách thông qua chính quyền địa phương, mỗi hộ gia đình đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được nhận một “Phiếu quà tặng” trị giá 400.000 đồng, đại diện từng hộ sẽ đến siêu thị vào những khung giờ được quy định khác nhau để đảm bảo thực hiện nghiêm quy định phòng dịch.
Tất cả các sản phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cung ứng từ những đơn vị lớn có uy tín tại địa phương, phân theo từng khu vực lương thực, phẩm khô, thực phẩm tươi, gia vị… để người dân dễ dàng lựa chọn.
Với mong muốn lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, “Siêu thị mini 0 đồng” rất cần sự chung sức, đồng lòng của mọi tổ chức, cá nhân trong tuần tới, ban tổ chức dự kiến sẽ thí điểm thêm 03 điểm siêu thị, sau đó nhân rộng mô hình, hướng tới triển khai hơn 20 điểm trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội với hàng chục nghìn “Phiếu quà tặng” phát ra.
Vào thời điểm nhiều người lao động và sinh viên không thể đi làm, mất đi thu nhập như hiện nay thì mô hình này là một giải pháp thiết thực để giúp đỡ họ giảm đi những lo toan trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì điều đó, siêu thị đặt mục tiêu thông qua nhiều hình thức để linh động hỗ trợ nhiều đối tượng khác nhau.
Đại diện ban tổ chức cho biết, bên cạnh “Siêu thị mini 0 đồng” dành cho các đối tượng lao động khó khăn ngay tại địa bàn sinh sống, ban tổ chức còn triển khai thêm mô hình “Siêu thị mini 0 đồng’’ online (đặt hàng tại website - nhận hàng tận nơi) thuận tiện hơn cho các cho các bạn sinh viên đang gặp khó khăn. Đối với người dân đang thực hiện cách ly y tế tại các khu cách ly, phong toả không thể ra ngoài, những “chuyến xe yêu thương” của ban tổ chức sẽ mang hàng hóa nhu yếu phẩm đến tận nơi với tiêu chí “không ai bị bỏ lại phía sau, đồng lòng cùng nhau vượt qua đại dịch”.
Na Dương