Không thể tận diệt virus, châu Âu chấp nhận chung sống với COVID-19

20:14 | 01/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau gần 2 năm chống chọi COVID-19, các nước châu Âu đã chấp nhận cách tiếp cận mới, đó là chung sống với dịch bệnh.

Cuộc chiến với COVID-19 ở châu Âu đã thay đổi. Từ Anh, Pháp, Đức cho đến Italy, các nhà lãnh đạo dường như đã từ bỏ mục tiêu tận diệt virus. Thay vào đó, họ đang chuẩn bị để chung sống cùng dịch bệnh.

Các chiến thuật chính của những nước này gồm tiêm mũi vaccine nhắc lại, đeo khẩu trang, xét nghiệm thường xuyên, và tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội để dịch bệnh không vượt ngoài tầm kiểm soát khi mùa đông đến, theo Wall Street Journal.

Tăng cường tiêm chủng và hộ chiếu vaccine 

Không giống như tại Mỹ, nơi nhiều người dân lạc quan rằng virus đang trên đà biến mất, đa phần người dân châu Âu hiểu rằng đại dịch sẽ không sớm qua đi. Vì thế, người dân châu Âu nhìn chung thông cảm hơn với các biện pháp hạn chế mạnh tay của chính phủ, dù rằng sự chống đối đôi lúc vẫn xuất hiện.

Đức là quốc gia chưa từng dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế phòng dịch. Nhưng lúc này, Berlin cũng có kế hoạch trở lại cuộc sống bình thường, bất kể số ca mắc COVID-19 mỗi ngày vẫn ở mức hàng nghìn.

Tuần qua, chính phủ Đức thông báo sẽ chỉ cho phép những người đã tiêm vaccine, người hồi phục sau khi nhiễm virus, và người có kết quả xét nghiệm âm tính sử dụng các dịch vụ trong nhà như nhà hàng, rạp phim, hòa nhạc.

Biện pháp này sẽ được duy trì cho tới khi số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày giảm xuống một mức đủ thấp, đại diện chính phủ Đức cho biết.

chung song voi dich benh anh 2

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ở Berlin. Ảnh: Zuma Press.

Bên cạnh đó, đeo khẩu trang là quy định bắt buộc tại các không gian kín và trên phương tiện giao thông công cộng, ngay cả với người đã tiêm chủng.

Tại Berlin, nơi năm học bắt đầu từ tháng 8, trẻ em phải đeo khẩu trang ở mọi nơi trong khuôn viên trường học. Các em phải xét nghiệm COVID-19 vài lần mỗi tuần.

Tuần qua, chính phủ Đức gửi thư tới từng gia đình, hối thúc họ cho con em đi tiêm chủng nếu đủ điều kiện.

Tiêm chủng đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia châu Âu nuôi tham vọng chung sống với đại dịch.

Từ giữa tháng 7, chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron cho biết Pháp quyết đạt mục tiêu tiêm chủng toàn bộ 100% dân số, theo AFP.

Tiêm chủng sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc với tất cả nhân viên y tế tại Pháp. Thời hạn để đối tượng này hoàn thành tiêm chủng là 15/9.

Sau cột mốc này, nhân viên y tế chưa tiêm chủng có thể bị xử phạt. Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cảnh báo nhân viên y tế từ chối tiêm chủng sẽ không được trả lương, không được làm việc.

"Tiêm chủng là quyết định của cá nhân, nhưng nó cũng là vấn đề ảnh hưởng tới tự do của tất cả chúng ta", Tổng thống Macron nói.

Pháp cũng sẽ chấm dứt hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 bằng công nghệ PCR miễn phí, trừ khi có chỉ định của bác sĩ hoặc cơ quan y tế. Tổng thống Emmanuel Macron cho biết biện pháp này nhằm khuyến khích người dân đi tiêm vaccine, thay vì xét nghiệm liên tục hàng tuần.

Bên cạnh đó, Pháp cũng đưa vào triển khai "giấy thông hành y tế", một loại chứng nhận bằng giấy hoặc mã QR cho thấy người sở hữu đã tiêm đủ mũi vaccine, hoặc mới hồi phục sau khi mắc COVID-19, hoặc có xét nghiệm âm tính.

Giấy thông hành y tế này sẽ là yêu cầu bắt buộc nếu người dân muốn vào các địa điểm công cộng trong nhà như quán bar, nhà hàng, quán cà phê, trung tâm thương mại.

Ngay sau khi các biện pháp này được ban bố, cổng thông tin y tế trực tuyến của chính phủ Pháp đã nghẽn mạng, bởi quá nhiều người tìm cách đặt lịch tiêm chủng.

Ý thức thay đổi cách hành xử

Nhà chức trách Anh đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế phòng dịch. Thay vào đó, chính phủ Anh đặt niềm tin vào hiệu quả của vaccine, cũng như hành vi của cộng đồng để giúp đất nước vượt qua dịch bệnh.

Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi nước Anh học cách chung sống với virus, như cách người dân xứ sở sương mù chung sống với các căn bệnh đường hô hấp khác.

Dữ liệu thu được cho thấy công chúng Anh vẫn tiếp tục cảnh giác, dù các biện pháp hạn chế đã nới lỏng hơn rất nhiều. Điều này cho thấy người Anh ý thức được hành vi của họ đóng vai trò quan trọng trong đà lây lan của virus.

Theo khảo sát của YouGov, 70% người Anh tiếp tục đeo khẩu trang ở các địa điểm công cộng, ngay cả sau khi không còn quy định bắt buộc. Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp giao thông vận tải vẫn yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang khi sử dụng dịch vụ.

Trong khi đó, dữ liệu của Alphabet cho thấy số người sử dụng giao thông cộng cộng chỉ bằng 70% so với trước đại dịch. Số người đến làm việc tại các công sở chỉ bằng 58%.

chung song voi dich benh anh 3

Người dân tại một quán cà phê ngoài trời ở Rome. Ảnh: AFP.

Tại Italy, nơi từng là tâm dịch của châu Âu, cuộc sống gần như đã trở lại bình thường. Mùa hè này, các bãi biển ở Italy một lần nữa chật kín du khách. Các quán bar, nhà hàng cũng đông đúc đến mức không còn có thể tuân thủ giãn cách xã hội, theo Channel News Asia.

Nhưng khi đi trên đường, hay trong các bảo tàng, người dân vẫn tiếp tục đeo khẩu trang, dù đây không còn là quy định bắt buộc. Tại nhiều nhà hàng, thực khách lựa chọn dùng bữa ở ngoài trời thay vì trong nhà.

"Mọi người ở đây đều hiểu cuộc chiến chống COVID-19 sẽ tiếp tục và còn kéo dài", Claudio Cancelli, thị trưởng thị trấn Nembro, vùng Lombardia của Italy, nói.

Ông Cancelli cho biết người dân ở Nembro vẫn thường đeo khẩu trang khi ra ngoài, dù đây không còn là quy định bắt buộc, và họ đều sẵn sàng tiêm mũi vaccine nhắc lại nếu nhà chức trách phát đi khuyến nghị.

"Mọi người không hạ thấp tinh thần cảnh giác bởi chúng tôi biết dịch bệnh chưa qua", ông Cancelli nói.

Kịch bản tương lai

Châu Âu là khu vực địa lý tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới. 53% người dân các nước EU được tiêm đủ mũi vaccine COVID-19. Nhưng những tuần qua, tốc độ tiêm chủng chậm lại đáng kể.

Các nhà khoa học cho rằng miễn dịch cộng đồng, bất kể thông qua tiêm chủng hay do mắc bệnh tự nhiên, là mục đích còn xa mới có thể đạt đến. Và nếu các biến chủng mới xuất hiện, mục tiêu ấy thậm chí còn xa vời hơn.

Theo ông Paul Hunter, giáo sư y dược tại Đại học East Anglia, COVID-19 sẽ không còn là nhức nhối lớn nhất của nhân loại nhờ các loại vaccine. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục khiến nhiều người mắc bệnh, thậm chí tử vong.

Qua thời gian, giới chức các nước hy vọng nền kinh tế có thể mở cửa, các doanh nghiệp sẽ dần thích ứng với thực tế mới là họ phải chung sống với dịch bệnh.

chung song voi dich benh anh 4

Nhân viên nhà hàng kiểm tra giấy thông hành y tế bằng mã QR ở Pháp. Ảnh: AFP.

Hạn chế di chuyển và cách ly người mắc COVID-19 vẫn đang phổ biến ở châu Âu, các biện pháp này sẽ còn tiếp tục trong một thời gian sắp tới. Các quốc gia đã cải thiện năng lực giám sát để truy vết biến chủng Delta hiệu quả hơn.

Mũi vaccine bổ sung sẽ sớm được tiêm cho người già và nhóm dễ bị tổn thương, bất chấp WHO đề nghị chưa vội làm việc này để ưu tiên vaccine cho các nước nghèo.

Nhiều quốc gia tăng cường xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm thường xuyên để phát hiện ca bệnh, thay vì sử dụng hệ thống truy vết ca bệnh đã không còn phát huy tác dụng khi số ca mắc Covid-19 quá lớn.

Theo Tri thức trực tuyến 

Xem thêm: Nghệ An: Doanh nghiệp vận tải `sống chung` với dịch COVID-19