Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trước tác động của dịch COVID-19?

17:58 | 03/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước tác động của dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV vừa đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và dự báo tình hình, kịch bản điều hành 6 tháng 2021.
 
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và dự báo tình hình, kịch bản điều hành 6 tháng 2021 tại phiên họp Chính phủ ngày 2/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, nhiều dấu hiệu khởi sắc với nhiều điểm sáng: sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, hoạt động thương mại, tiêu dùng được thúc đẩy, tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực, tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD...
 
Đáng chú ý, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt được kết quả nổi bật và ấn tượng, cho thấy sự đúng đắn, hiệu quả của những giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua.
 
Tính đến hết tháng 1/2021, ước giải ngân năm 2020 đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (năm 2019 đạt 76,75%). Ước giải ngân tháng 1/2021 đạt 15 nghìn tỷ đồng, bằng 3,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 0,95%).
 
Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được thúc đẩy mạnh mẽ; nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa quan trọng đã được triển khai.
 
Hoạt động tổ chức, chăm lo, ổn định đời sống cho người dân đón Tết được chú trọng.
 
Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm cần lưu ý khi tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI suy giảm và khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi chậm.
 
"Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Rủi ro còn đến từ biến động chính trị, căng thẳng thương mại và tình hình nợ công trên thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
 

Tiêu dùng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính

 

Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, trong kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,5-7% với các động lực chính đến từ ngành nông-lâm-thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; và một số lĩnh vực dịch vụ.
 
Báo cáo cho biết, trong năm 2021, kinh tế thế giới dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn với 3 lý do chính: (i) tình hình dịch Covid-19 dự báo được kiểm soát tốt hơn cùng với việc phát triển và phân phối vaccine khả quan, (ii) các nước vẫn tiếp tục các chính sách, gói hỗ trợ, (iii) đà phục hồi mạnh hơn sau thời gian dài đương đầu dịch bệnh. Theo đó, mức độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu và trong nước. Do đó, Chính phủ Việt Nam đã xác định tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các chuyên gia của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 cả về phía tổng cung và tổng cầu theo 3 kịch bản như sau. 
 
Về phía tổng cung, với kịch bản cơ sở: các nước trên thế giới cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong nửa đầu năm 2021, vắc xin được đưa vào tiêm chủng như kế hoạch giúp giảm dần tình trạng lây nhiễm, khôi phục phần nào hoạt động kinh tế - xã hội tại các nước; căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị lắng dịu hơn tạo tiền đề khôi phục thương mại và đầu tư toàn cầu. Còn tại Việt Nam, dịch bệnh tiếp tục được khống chế, môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, nền kinh tế tăng trưởng theo xu hướng xanh, bền vững hơn trên nền tảng đổi mới sáng tạo, quá trình cơ cấu lại được thúc đẩy triển khai, thu hút vốn đầu tư (cả trong và ngoài nước) hồi phục tạo cơ sở để nền kinh tế tăng trưởng tích cực.
 
Theo kịch cơ sở này, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,5-7% với động lực chính là: (i) ngành nông-lâm-thủy sản tăng trưởng khoảng 3-3,5%, đóng góp khoảng 1,03 điểm % trong mức tăng trưởng chung; (ii) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8-8,5% (đóng góp 1,43 điểm % trong mức tăng trưởng chung) và xây dựng tăng 8,5-9% (đóng góp mức 0,48 điểm %); (iii) lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phục hồi, tăng trưởng từ 8-8,4% (đóng góp khoảng 2,7 điểm %) nhờ: (a) việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng môi trường vĩ mô được duy trì ổn định sẽ là yếu tố đảm bảo cho hoạt động thương mại và dịch vụ (trong nước) tiếp tục tăng tốt; (b) xu hướng chuyển đổi số cùng chính sách thúc đẩy mô hình kinh tế mới (kinh tế ban đêm, vui chơi có thưởng gắn với du lịch…) tạo điều kiện thúc đẩy các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại điện tử…; (c) quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ thúc đẩy dịch vụ phát triển, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội.
 
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục được chú trọng phát triển, do: (i) định hướng phát triển công nghiệp của Đảng và Nhà nước, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; (ii) đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đối với hoạt động xuất khẩu ngày càng tăng (tỉ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020); (iii) năng suất lao động tăng nhờ được tăng cường đổi mới công nghệ, lao động được đào tạo, quá trình chuyển đổi số, tự động hóa ngày càng được áp dụng rộng rãi hơn; (iv) xu hướng tăng trưởng xanh, trong đó hướng tới sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng và nguồn tài nguyên thiên nhiên tạo động lực cho các ngành công nghiệp mở rộng đầu tư, áp dụng công nghệ mới nâng cao năng suất lao động và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường; (v) nguồn vốn FDI đối với lĩnh vực chế biến, chế tạo vẫn tăng trong mấy năm qua, cũng là tiền đề cho đà tăng trưởng ít nhất là đến 2025.
 
Ngành xây dựng dự kiến tăng trưởng tích cực nhờ: (i) định hướng tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ; (ii) thị trường bất động sản hồi phục nhờ lãi suất duy trì ở mức thấp kích thích nhu cầu mua nhà ở của người dân; (iii) quá trình dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục tìm đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, làm gia tăng nhu cầu xây dựng nhà xưởng, khu công nghiệp.
 
Với kịch bản tích cực, các nước trên thế giới cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong quý 1/2021, vắc xin được nhanh chóng đưa vào tiêm chủng giúp giảm tình trạng lây nhiễm, tạo điều kiện sớm khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội tại các nước, hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu phục hồi tích cực. Tại Việt Nam, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được nhanh chóng ban hành và triển khai; quá trình cơ cấu lại, chuyển đổi số được thúc đẩy; thu hút đầu tư trong và ngoài nước hồi phục...v.v. Khi đó, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 7,5-8%.
 
Với kịch bản tiêu cực, tới cuối năm 2021 dịch bệnh mới cơ bản được kiểm soát một phần, vắc xin chậm đưa vào tiêm chủng, quá trình phục hồi tại các nước khó khăn, hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu chỉ phục hồi nhẹ. Tại Việt Nam, dịch bệnh mặc dù được khống chế, các chính sách sách hỗ trợ DN, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng 4-4,5%.
 
Theo hướng tổng cầu, theo Nhóm tác giả, xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong năm 2021. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng cơ bản sẽ được kiểm soát tốt hơn và với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 được dự báo theo 3 kịch bản sau.
 
- Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt 6,5-7% với động lực từ cả xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Theo đó, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng nhờ: (i) quá trình hội nhập quốc tế tiếp tục được thúc đẩy với việc triển khai các FTA đã ký kết và có hiệu lực (nhất là CPTPP, EVFTA, UKVFTA và chuẩn bị hiệu lực của RCEP). Các lĩnh vực xuất khẩu vốn là thế mạnh của Việt Nam như sản phẩm điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, nông sản… sẽ tiếp tục tăng khá với hàm lượng giá trị tăng cùng với sự phục hồi mạnh hơn của khu vực kinh tế tư nhân; (ii) hoạt động đầu tư và thương mại toàn cầu hồi phục tốt hơn sau dịch bệnh và chính sách thương mại hợp lý hơn được Tổng thống Biden của Mỹ; (iii) xu hướng phát triển xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm của các DN giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới. Trong năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam ước tăng 6-8% so với năm 2020, cán cân thương mại thặng dư từ 15-17 tỷ USD. Xuất khẩu dự kiến đóng góp 0,39 điểm % trong mức tăng trưởng chung của Việt Nam.
 
Đối với hoạt động đầu tư, trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng ở mức "vừa phải’’ (khoảng từ 5-10%) năm 2021, thu hút FDI của Việt Nam vẫn có một số lợi thế: (i) các FTA có hiệu lực, tiếp tục xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng; (ii) chính trị, môi trường vĩ mô ổn định, an toàn y tế; (iii) thể chế, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện trong bối cảnh thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút FDI. Dự báo vốn FDI thực hiện đạt 21-23 tỷ USD, tăng 5-7% so với năm trước và tương đương năm 2019 (6,7%). Ở trong nước, vốn đầu tư tư nhân sẽ phục hồi tích cực hơn nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực và mặt bằng lãi suất ở mức thấp thúc đẩy DN đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; (iv) cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN tiếp tục được thực hiện giúp khu vực tư nhân tiếp cận, đầu tư và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của nền kinh tế; (v) đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh (theo tính toán của TCTK, khi giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% sẽ giúp GDP tăng trưởng thêm 0,06 điểm %). Năm 2021, dự kiến đầu tư sẽ đóng góp 2,41 điểm % trong mức tăng trưởng chung.
 
Tiêu dùng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nhờ: (i) hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục dẫn tới việc làm và thu nhập của người dân được cải thiện, có tiền chi tiêu nhiều hơn; (ii) sự nổi lên của tầng lớp trung lưu khiến nhu cầu hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao tăng lên; (iii) các chính sách thuế, phí, khuyến mại tiêu dùng trong nước tiếp tục được Chính phủ, DN triển khai nhằm kích cầu, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước; (iv) lãi suất duy trì ở mức thấp kích thích người dân sử dụng tín dụng tiêu dùng để mua sắm hàng hóa, dịch vụ; (v) định hướng triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch nội địa của Chính phủ (Nghị quyết 01/NQ-CP); (vi) quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số thúc đẩy thương mại điện tử, tiêu dùng số…v.v. Quy mô tiêu dùng cá nhân (bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng) của Việt Nam năm 2021 ước đạt 234 tỷ USD (tăng 7% so với năm 2020), tương đương 81% GDP. Năm 2021, tiêu dùng dự kiến đóng góp 0,53 điểm % trong mức tăng trưởng chung.
 
- Trong điều kiện kịch bản tích cực như nêu trên, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 7,5-8% với các động lực chính là xuất khẩu (tăng 10-12%), vốn đầu tư (tăng 5-6%), tiêu dùng (tăng 10-11%) và chi tiêu của chính phủ (tăng 2-2,5%).
 
- Trong điều kiện kịch bản tiêu cực, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 4-4,5% với xuất khẩu chỉ tăng 4-5%, vốn đầu tư tăng 4,5-5% và tiêu dùng tăng 2-3% và chi tiêu của Chính phủ chỉ tăng 1-2%.
 
Như vậy, trong năm 2021, động lực tăng trưởng chính đến từ cả ba khu vực (nông-lâm-thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo và một số lĩnh vực dịch vụ) cũng như đến từ cỗ xe tam mã (xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng). Trong trung và dài hạn, các động lực tăng trưởng chính sẽ ngày càng được củng cố nhờ quá trình chuyển đổi số, đầu tư phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của nền kinh tế.

 

Dự báo áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong cả ngắn và dài hạn

 

Báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và dự báo tình hình, kịch bản điều hành 6 tháng 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra dự báo áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong cả ngắn và dài hạn.
 
Theo đó, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng đối với từng quý và từng ngành. Nay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trường hợp dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.
 
Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%).
 
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% thì quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP. Theo đó, quý III tăng 6,73% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,37 điểm phần trăm).
 
Về một số nhiệm vụ giải pháp 6 tháng đầu năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện ngay Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và 5 năm 2021-2025.
 
Trong 6 tháng đầu năm, cùng với phòng, chống, kiểm soát đại dịch Covid-19, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP, đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
 
Cụ thể, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế.
 
Minh Hoa