Kiên Giang đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 860 triệu USD

Lê Huy Hải/TTXVN 14:30 | 08/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Sở Công Thương Kiên Giang, năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 860 triệu USD, tăng 7,2% so với năm 2022.

Ngoài việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, tỉnh tăng cường thông tin, phổ biến các quy định pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế, những điều kiện xuất nhập khẩu của các nước cho doanh nghiệp để chủ động, kịp thời ứng phó, vượt qua các rào cản kỹ thuật.

Tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm giúp doanh nghiệp khai thác, tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp củng cố lại thị trường truyền thống theo hướng phát triển bền vững và hiệu quả, chú trọng khai thác thị trường mới tiềm năng ở các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới gắn với thực hiện đa phương thức giao dịch, mua bán với đối tác.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Lâm Huỳnh Nhân chia sẻ, năm 2022, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong tỉnh đã chủ động, có những giải pháp kinh doanh phù hợp, củng cố các thị trường truyền thống kết hợp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng cao so với năm 2022, nhất là mặt hàng thủy sản, giày da, góp phần vào tăng trưởng chung về kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vượt kế hoạch năm.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2022 đạt 802 triệu USD, tăng 9,7% so với năm 2021, đạt 102,8% kế hoạch (vượt kế hoạch 22 triệu USD), gồm: Gạo hơn 176 triệu USD; hải sản trên 280 triệu USD; giày da hơn 164 triệu USD và còn lại là các mặt hàng khác. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao so với năm 2021 là tôm đông, cá đông, hải sản đông khác, đồ hộp, giày da…

Trên địa bàn tỉnh hiện có 48 doanh nghiệp tham gia hoạt động ngoại thương, năm 2022, xuất khẩu hàng hóa qua hơn 50 thị trường các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng 7 thị trường so với năm 2021; trong đó, mặt hàng gạo xuất khẩu qua 14 thị trường, thủy sản 37 thị trường, giày da 20 thị trường.

Ngoài xuất khẩu những sản phẩm hàng hóa chủ lực, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

Cùng đó, hiện nay có 187 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh tham gia hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và Cửa khẩu chính Giang Thành, với hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu là thủy sản, nông sản, hàng tạp hóa… Năm 2022, xuất khẩu chính ngạch đạt hơn 110 triệu USD, tăng trên 47% so với năm 2021 và nhập khẩu đạt hơn 63 triệu USD.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh trong năm 2022 có nhiều những khó khăn, vướng mắc, chịu sự ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan tác động, nhất là tình hình bất ổn chính trị trên thế giới và việc duy trì các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại thị trường Trung Quốc đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng hàng hóa, đẩy giá thành một số nguyên vật liệu tăng cao, trong khi giá thành sản phẩm không thay đổi nhiều đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, chi phí logistics tăng cao, chi phí sản xuất tăng và việc thiếu hụt cục bộ nguồn nguyên liệu thủy sản đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng và xuất khẩu hàng hóa. Tiếp đến, tình hình lạm phát tăng cao kỷ lục ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đã tác động lớn đến sức mua của thị trường toàn cầu, ảnh hưởng bất lợi đến xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.

Thị trường xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với các nước trong khu vực. Việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu và một số nước gặp nhiều khó khăn do những rào cản kỹ thuật và việc thực hiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản.