Kinh doanh đa cấp thế giới và biến tướng huy động vốn đa cấp tại Việt Nam

20:42 | 18/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kinh doanh đa cấp là một loại hình làm giàu hợp pháp, phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, loại hình kinh doanh này biến tướng đa dạng khôn lường.

Mô hình quản lý kinh doanh đa cấp trên thế giới

Kinh doanh đa cấp vốn là một loại hình kinh doanh hợp pháp, phổ biến ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Ở phần lớn các quốc gia trên, hầu hết đều có các cơ chế quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh này.
 
Ở Mỹ (cái nôi của kinh doanh đa cấp) và Trung Quốc (quốc gia có nền bán hàng đa cấp số 2 thế giới), chính quyền sở tại lập ra hẳn các quy định pháp luật riêng để quản lý bán hàng đa cấp. Các công ty nếu vi phạm pháp luật sẽ ngay lập tức bị trừng phạt. Theo Báo cáo giám định “Hoạt Động Bán Hàng Đa cấp trên địa bàn TP HCM: Thực trạng và giải pháp” của TS. Phạm Thị Bích Hoa, các mức phạt ở các quốc gia trên đều rất cụ thể, có sức răn đe lớn tới các công ty, nhà phân phối.
 
ban hang da cap
Tỷ lệ thị phần của ngành kinh doanh đa cấp trên thế giới trong năm 2016. Ảnh: WFDSA
 
Ở Hàn Quốc, chính quyền sở tại lại rất tích cực kiểm soát sự minh bạch của các công ty kinh doanh đa cấp. Hàng quý, các cơ quan này đều phải gửi báo cáo hoạt động kinh doanh của mình cho chính quyền. Sau đó, các cơ quan quản lý sẽ thông báo các thông tin này tới cộng đồng để người dân có cái nhìn đúng nhất về thị trường.
 
Báo cáo của TS. Hoa cũng chi ra một thực tế, quốc gia nào có cơ chế kiểm soát tốt thì sẽ có nền kinh doanh đa cấp phát triển. Ví dụ, nhờ sự kiểm soát chặt chẽ, liên tục đã giúp nền kinh doanh đa cấp tại Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức ngày càng phát triển. Trong khi đó, sự giảm sút trong quản lý, kinh doanh không trung thực, gây mất lòng tin đã khiến hoạt động kinh doanh đa cấp ở Nhật Bản ngày càng xuống dốc.
 
Để có thể kiểm soát tốt kinh doanh đa cấp hiệu quả, biện pháp không thể thiếu là xây dựng nền tảng pháp lý. Các thị trường bán hàng đa cấp lớn mạnh nhất thế giới hiện nay như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản,…đều xây dựng văn bản mang tính pháp lý để điều chỉnh riêng loại hình bán hàng đa cấp (ngoài Luật thương mại). Các văn bản thường xuyên được hoàn thiện để phục vụ cho công tác quản lý, giúp các công ty hoạt động tuân thủ pháp luật, và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
 

Biến tướng muôn hình tại Việt Nam

 
Tại Việt Nam, việc xây dựng luật liên quan tới kinh doanh đa cấp đã được thực hiện từ lâu. Nghị định 40/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp đã đưa ra những quy định cụ thể, đầy đủ, thậm chí ngặt nghèo mà chỉ những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bài bản mới được phép tiếp tục hoạt động đúng “đường ray” pháp luật.
 
Theo một đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp tại Việt Nam – VCCI) được Nhân Dân đăng lại cho biết, việc quản lý đúng đắn của Bộ Công thương cũng như việc ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ giúp mang lại những thay đổi mang tính đột phá với nhiều điều kiện và tiêu chí cụ thể rất nghiêm ngặt. Chỉ có những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chuyên nghiệp, bài bản, có năng lực, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mới có thể được cấp giấy phép và tiếp tục tham gia hoạt động. 
 
Tuy nhiên, dường như như vậy vẫn chưa đủ để lấp đầy những lỗ hổng để các công ty đa cấp bất chính khai thác. Theo chia sẻ của đại diện các cơ quan ban ngành như công an, quản lý thị trường, Thanh tra Sở Công thương với Tạp chí Tài chính, Nghị định trên vẫn cần bổ sung, làm rõ nhiều vấn đề để đẩy mạnh việc giám sát hiệu quả hoạt động kinh doanh đa cấp.
 
“Trường hợp hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo tới Sở Công thương tỉnh, thành phố…” là chưa chặt chẽ, các doanh nghiệp rất dễ lách luật hoặc biến tướng theo một hình thức, theo tên gọi khác… Ví dụ, doanh nghiệp có thể đưa 9 người dự hội thảo, thay vì đưa 10 người - Và thực tế hiện nay, có tới 99% các cuộc hội thảo, hội nghị làm sai so với quy định - đại diện Thanh tra Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh với Tạp chí Tài chính.
 
Nếu không có bổ sung và làm rõ, chắc chắn các công ty, doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ lách luật và biến tướng các hoạt động, mà các ngành chức năng có muốn vào thanh kiểm tra cũng rất khó có thể bắt lỗi. Việc số lượng công ty biến tướng bị phát hiện thời gian gần đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho quan điểm này.
 
Một chuyên viên Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Hà Nội cũng từng phát biểu: Phương thức kinh doanh bán hàng đa cấp hiện nay chủ yếu hoạt động qua việc tổ chức hội thảo, hội nghị, mà thường tổ chức cả ngày, trong khi lực lượng chức năng mỏng, không thể theo sát toàn bộ cuộc hội thảo để giám sát.
 
Vì vậy, nếu không có công cụ hỗ trợ như camera giám sát quá trình hội nghị, hội thảo, và quy định việc lập biên bản vi phạm sau đó (nếu phát hiện sai phạm qua ghi âm, ghi hình và camera giám sát) thì rất khó phát hiện và xử lý biến tướng do hoạt động hội nghị, hội thảo của các công ty kinh doanh bán hàng đa cấp.
 

 Nhận thức chưa đủ về kinh doanh đa cấp?

 
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện trạng các công ty kinh doanh đa cấp biến tướng vẫn “sống khỏe” là bởi sự thiếu hiểu biết cũng như lòng tham, sự hám lợi dễ dàng của người dân. Bên cạnh đó, bản thân các hoạt động kinh doanh biến tướng cũng ngày càng tinh vi, rất khó để phát hiện.
 
Vậy nên, để có thể nhận biết doanh nghiệp đa cấp biến tướng, ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết:
 
“Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có giấy chứng nhận của Bộ Công Thương và phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên. Chúng tôi công khai danh sách 22 doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính nên nếu muốn kiểm tra doanh nghiệp bán hàng đa cấp có phải là doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính hay không thì mọi người hoàn toàn có thể kiểm tra”.
 
kinh doanh da cap ban hang da cap
Phần lớn người dân còn chưa đủ hiểu biết khi tham gia kinh doanh đa cấp. Ảnh: Vietnamnet
 
Có ý kiến lại cho rằng, nếu thấy sự tăng trưởng đáng ngờ của doanh nghiệp, những lời mời chào huy động vốn, hoa hồng cao bất thường không tương xứng với tiềm năng và tầm vóc của doanh nghiệp, nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng, vì đây là các dấu hiệu quen thuộc của lừa đảo đa cấp theo cái bẫy Ponzi (đặt theo tên của C. Ponzi - ông trùm lừa đảo tín dụng đa cấp). Bởi, không có hoạt động làm giàu nào lại dễ dàng, tốn ít công sức, ngoại trừ các thủ đoạn lừa đảo chiếm dụng tài sản người khác.
 
Các chuyên gia kinh tế lâu nay vẫn khuyên người dân không nên vội vàng chạy theo các lợi ích mơ hồ, phù phiếm để rồi bị những kẻ "kinh doanh lòng tham" lợi dụng, nẫng tay trên khối tài sản mà bản thân phải vất vả làm lụng, chắt bóp trong một thời gian dài mới có được. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tuyệt đối không được đầu tư vào lĩnh vực, mặt hàng không được pháp luật Việt Nam công nhận hay lĩnh vực doanh nghiệp chưa đăng ký kinh doanh.
 
Anh Quân
 

ĐỌC NHIỀU