Kinh tế 2024 - Dự báo 2025: Thị trường tiền tệ - 'màn độc tấu' của đồng bạc xanh

Khánh Ly/TTXVN (Tổng hợp) 14:46 | 20/12/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2024 chứng kiến sự phân hóa khá rõ trong rổ các đồng tiền chủ chốt.

Trong khi đồng USD vươn lên mạnh mẽ, đạt mức tăng ấn tượng nhất trong gần một thập kỷ, các đồng tiền chủ chốt khác như yen, euro và NDT lại trải qua một năm đầy biến động và suy giảm. Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, biến động kinh tế - chính trị và sự xoay chiều chính sách tiền tệ đã tạo nên bức tranh tương phản này. 

Đồng đô la Mỹ (phải) và đồng euro (trái). Ảnh: THX/TTXVN

Đồng USD: Một năm khởi sắc mạnh mẽ

Đồng USD đã tăng mạnh trong năm nay và đang hướng tới đợt tăng mạnh nhất kể từ năm 2015 sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ đã thúc đẩy các nhà giao dịch giảm dự báo về số lần Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào năm tới. Ông Kit Juckes, người đứng đầu về chiến lược tiền tệ tại Societe Generale, cho rằng sức mạnh của đồng bạc xanh đang ở mức “không bền vững trong dài hạn".

Trong diễn biến mới nhất, vào phiên 18/12, chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác, đã có thời điểm tăng lên 108,260, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022, sau cuộc họp chính sách mới nhất của Fed. Kết thúc cuộc họp hai ngày hôm 18/12, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp kể từ tháng 9/2024, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm xuống phạm vi 4,25-4,50%.

Trong tuyên bố chính sách sau cuộc họp, Fed đánh giá hoạt động kinh tế của Mỹ tiếp tục mở rộng với tốc độ vững chắc, khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp và lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%. Đồng thời, Fed phát đi tín hiệu về khả năng tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ chậm lại trong năm 2025.

Dù thị trường không băn khoăn quá nhiều về quyết định này của Fed, song câu hỏi chính được đặt ra là Fed sẽ phát tín hiệu như thế nào về ý định trong tương lai, khi lạm phát vẫn  ở mức cao hơn mục tiêu và đà tăng trưởng kinh tế vững chắc. Đây là những điều kiện thường không phù hợp để nới lỏng chính sách.

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng 6,63% tính đến ngày 19/12, trong đó một phần lớn mức tăng đó đến từ giai đoạn trước và sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11. Chỉ số đồng USD đã tăng khoảng 3% kể từ ngày bầu cử. Đây là một biến động lớn đối với thị trường tiền tệ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Đà tăng này đánh dấu sự đảo chiều mạnh mẽ so với ba tháng suy yếu liên tục trước đó, khi đồng USD có thời điểm chạm “đáy” vào cuối tháng Chín.

Đà tăng mạnh của đồng USD sau cuộc bầu cử được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng các chính sách thuế quan và cắt giảm thuế của ông Trump sẽ thúc đẩy lạm phát và làm phức tạp nhiệm vụ hạ lãi suất của Fed trong những tháng tới. Điều đó đã tạo động lực cho các nhà đầu tư toàn cầu chuyển tiền sang Mỹ. Hiện tại, ông Trump đang gia tăng những tuyên bố cứng rắn về thương mại. Gần đây nhất, đồng peso của Mexico và CAD của Canada đã giảm giá sau khi ông tuyên bố áp thuế 25% đối với hàng hóa của hai nước này. Đầu tháng này, ông Trump đã chỉ trích nhóm các nền kinh tế mới nổi vì đã thách thức vị thế đồng tiền hàng đầu thế giới của đồng USD.

Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng yen: Một năm đầy thăng trầm

Sự tăng giá gần đây của đồng bạc xanh đã khiến các đồng tiền khác suy yếu trên diện rộng. Trong đó, đồng yen của Nhật Bản nằm trong số các đồng tiền chứng kiến đà giảm mạnh nhất so với đồng USD. Trong phần lớn thời gian của năm 2024, đồng yen đã trải qua sự biến động mạnh, khi có thời điểm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986, buộc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) phải can thiệp vào tháng Bảy. Trước đó, BoJ cũng đã can thiệp vào tháng Năm khi đồng yen mất giá xuống mức 160 yen/USD. Theo Bloomberg, tính đến ngày 19/12, đồng yen đã giảm 10,06% so với đồng USD.

Sau quyết định tăng lãi suất của BoJ vào tháng Bảy, cả đồng yen và thị trường chứng khoán Nhật Bản đều biến động mạnh. Chỉ số Nikkei 225 ghi nhận mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ năm 1987 trong phiên 2/8 khi đồng yen đảo chiều tăng giá mạnh.

Ông Hugh Chung, Giám đốc tư vấn đầu tư tại nền tảng quản lý tài sản Endowus, cho rằng sự biến động mạnh của đồng yen trong năm nay là do chênh lệch lớn giữa lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ và Nhật Bản. Vào tháng Tám, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm chỉ ở mức hơn 1%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ gần 4%. Ngay trước khi BoJ bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất vào ngày 18/3, mức chênh lệch này còn lớn hơn, với lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 0,796% và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 4,304% vào ngày 16/3, ngày giao dịch cuối cùng trước khi BoJ công bố quyết định nói trên. Sự chênh lệch lãi suất này đã dẫn đến giao dịch "carry trade" (giao dịch chênh lệch lãi suất), trong đó các nhà đầu tư vay yen với lãi suất thấp để đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn.

Khi BoJ tăng lãi suất, đồng yen đã tăng giá hơn 12% so với USD trong khoảng ba tuần, từ mức 161,99 yen/USD vào ngày 3/7 lên 141,66 yen/USD vào ngày 5/8, khi các nhà đầu tư ồ ạt rút khỏi giao dịch "carry trade".

Tuy nhiên, ông Ryota Abe, chuyên gia kinh tế của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), cho rằng biến động mạnh của đồng yen là do những thay đổi trong điều kiện thị trường ở bên ngoài chứ không phải do các yếu tố nội tại của Nhật Bản. Theo ông, “yếu tố đóng góp mạnh mẽ nhất" cho sự biến động mạnh của đồng yen trong tháng Tám là "nỗi lo quá mức" về khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ, sau khi có số liệu cho thấy thất nghiệp của nước này cao hơn dự báo và tăng trưởng việc làm thấp hơn dự kiến.

Ông Abe nói thêm rằng mặc dù không hoàn toàn loại trừ tác động của việc BoJ bất ngờ tăng lãi suất vào tháng Bảy, nhưng mức tăng chỉ là 0,15 điểm phần trăm, và phản ứng ban đầu của thị trường đối với quyết định của BoJ khá trái chiều. Theo ông, nếu quyết định của BoJ là nguyên nhân gây ra biến động, phản ứng của thị trường sẽ mạnh mẽ hơn nhiều. Đồng yen đáng lẽ phải được mua vào ngay sau quyết định của BoJ, nhưng điều đó đã không xảy ra. Quyết định của BoJ được công bố trong phiên 31/7, nhưng phải đến phiên 2/5 và 5/8 đồng yen mới có những biến động đáng kể.

Đồng tiền giấy mệnh giá 10 euro tại một ngân hàng ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đồng euro: Nguy cơ ngang giá với đồng USD trở lại

Trong khi đồng yen đã giảm hơn 10% so với đồng USD trong năm nay, đồng euro cũng cùng xu hướng, dù với mức giảm thấp hơn nhiều. Đồng tiền chung của 20 quốc gia ở châu Âu mở đầu năm nay ở mức 1,1045 USD/euro, nhưng đã có thời điểm trượt xuống 1,0335 USD/euro vào ngày 22/11, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022, sau số liệu cho thấy hoạt động kinh doanh ở hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức và Pháp sụt mạnh hơn dự đoán. Theo Bloomberg, tính đến ngày 19/12, đồng euro đã giảm 5,99% so với đồng USD.

Đà suy yếu của đồng euro đã một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về khả năng đồng tiền này sẽ giảm về mức ngang giá với đồng USD. Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã khiến “bóng ma” thuế quan hiển hiện rõ ràng hơn cả đối với châu Âu. Đây sẽ là một đòn giáng mạnh đối với nền kinh tế của Khu vực đồng euro, vốn đã đang chịu áp lực từ tình hình bất ổn chính trị gia tăng trong khối, đặc biệt là ở Đức và Pháp. Đức đang đối mặt với một bối cảnh chính trị phức tạp, trong khi Pháp đang chứng kiến các cuộc đình công và bất ổn xã hội.

 Đồng NDT tại một ngân hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng NDT: Áp lực từ nền kinh tế

Đồng NDT của Trung Quốc cũng suy yếu so với đồng USD trong năm nay, với mức giảm 2,79% tính đến ngày 19/12, theo Bloomberg. Những ngày cuối năm 2024, đồng tiền này vẫn đang dao động quanh mức thấp nhất trong 13 tháng qua so với đồng USD, khoảng 7,3 NDT/USD. Trước đó, loạt biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc hồi tháng Chín đã giúp nâng đỡ đồng NDT. Phiên 25/9 đồng NDT giao dịch ở mức  6,9946 NDT/USD, mức mạnh nhất kể từ tháng 5/2023, nhưng sau đó đồng tiền này nhanh chóng mất đà.

Sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc là yếu tố chính đè nặng lên đồng NDT trong năm nay. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang đối mặt với một loạt các vấn đề nghiêm trọng, trong đó cuộc khủng hoảng bất động sản đến kéo dài đã ba năm. Mặc dù có sự hỗ trợ từ chính phủ thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng và đầu tư, nhưng tỷ lệ tiêu dùng và đầu tư trong nước vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, tình trạng giảm phát vẫn đang “bủa vây” nền kinh tế, khiến sức mua của người dân bị suy giảm.

Sức ép với đồng NDT còn gia tăng mạnh mẽ kể từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, khiến đồng tiền này trở thành đồng tiền giảm mạnh nhất tại châu Á kể từ đầu tháng 11. Trong chiến dịch tranh cử ông Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế đến 60% đối với hàng hóa của Trung Quốc. Hãng Reuters gần đây đưa tin Trung Quốc đang cân nhắc cho phép đồng NDT giảm giá trong năm 2025 để chuẩn bị cho kịch bản các mức thuế quan cao hơn trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.

Ngoài ra, đồng NDT còn chịu áp lực từ chênh lệch trong lợi suất trái phiếu chính phủ của Trung Quốc và Mỹ. Tuần trước, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới sau tín hiệu từ chính phủ về khả năng hạ lãi suất. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ lại tăng lên. Điều này đã đẩy chênh lệch lợi suất giữa hai nước lên hơn 2,5 điểm phần trăm - mức lớn nhất kể từ năm 2011, theo dữ liệu của LSEG.

Năm 2024 sắp khép lại với những biến động đáng kể trên thị trường tiền tệ. Sự tăng giá mạnh mẽ của đồng USD, cùng với sự suy yếu của đồng yen, euro và NDT, cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Những yếu tố địa chính trị, chính sách tiền tệ và triển vọng kinh tế của các quốc gia sẽ tiếp tục định hình diễn biến của thị trường tiền tệ trong thời gian tới. Sự biến động này đặt ra những thách thức và cơ hội cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, đòi hỏi sự theo dõi sát sao và phân tích kỹ lưỡng để đưa ra quyết định phù hợp.