Kinh tế Trung Quốc khó bứt phá dù chính phủ sắp phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu
Không quá lớn
Hôm 24/10, các nhà chức trách Trung Quốc đã tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách cho năm 2023, đồng thời công bố kế hoạch phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 137 tỷ USD) trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo khoản tiền 1.000 tỷ nhân dân tệ này sẽ được dùng để ngăn ngừa thiên tai và xây dựng lại những khu vực bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ.
Ông Larry Hu, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng Macquarie, nhận xét: “1.000 tỷ nhân dân tệ không phải số tiền quá lớn và chắc chắn không phải là yếu tố có thể thay đổi cuộc chơi”.
Nhà kinh tế Ting Lu của ngân hàng Nomura cũng có ý kiến tương tự. Ông viết trong lưu ý: “Theo Nomura, chúng ta không nên đánh giá quá cao tác động kinh tế mà 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ sắp được phát hành tạo ra, đặc biệt là trong tương lai gần”.
Ông Lu dự đoán phần lớn số tiền sẽ được sử dụng từ năm sau, hoặc thậm chí là hai hoặc ba năm nữa. Hầu hết các thiên tai trong năm nay đều tấn công khu vực phía bắc Trung Quốc và chủ yếu diễn ra vào mùa hè, trong khi giờ đã sắp đến mùa đông.
Truyền thông cho biết 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu mà chính phủ Trung Quốc sắp phát hành sẽ được chuyển cho các chính quyền địa phương theo hai đợt, một nửa cho năm nay và nửa còn lại cho năm tới.
Ông Rain Yin, Giám đốc tại S&P Global Ratings, cho biết: “Nhìn chung, quy mô của gói kích thích mới không quá lớn khi so với nguồn ngân sách chính của các chính quyền địa phương”.
Ông nói rõ hơn: “1.000 tỷ nhân dân tệ tương đương khoảng 2% tổng doanh thu của các chính quyền địa phương. Tuy nhiên, số tiền này có thể có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp đỡ một số tỉnh cụ thể, đặc biệt là những khu vực chịu nhiều thiên tai và cần phải vay thêm tiền để giúp nền kinh tế địa phương phục hồi”.
Theo CNBC, nền kinh tế Trung Quốc có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn những dự báo lạc quan hồi đầu năm 2023. Trong tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2024 xuống còn 4,2%.
Trong báo cáo phát hành vào ngày 23/10, S&P Global Ratings cho biết nếu doanh số bất động sản của Trung Quốc giảm mạnh trong năm tới, tăng trưởng GDP thực cả năm có thể sẽ giảm xuống còn 2,9%.
Hiện tại, S&P dự đoán doanh số bán bất động sản của Trung Quốc sẽ giảm 10 - 15% trong năm nay và tiếp tục đi xuống 5% vào năm 2024.
“Ý định rõ ràng”
Sự suy sụp của thị trường bất động sản có mối liên hệ chặt chẽ với vấn đề tài chính của các chính quyền địa phương Trung Quốc.
Nhà kinh tế Lu của Nomura cho biết: “Dựa theo dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), chúng tôi ước tính nợ chính thức và nợ ẩn của các chính quyền địa phương đã đạt 87.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 11.919 tỷ USD)”. Để so sánh, GDP Trung Quốc năm 2022 vào khoảng 17.900 tỷ USD, theo số liệu của Statista.
Ông nói tiếp: “Thị trường bất động sản sụp đổ và doanh thu bán đất sụt giảm liên tục đã khuếch đại áp lực nợ nần của các chính quyền địa phương”.
Cũng trong ngày 24/10, chính phủ Trung Quốc thông báo họ đã khởi động quy trình cho phép chính quyền các địa phương vay vốn cho năm 2024, bắt đầu từ quý IV năm nay.
Nhà kinh tế Hu của ngân hàng Macquarie bình luận: “Các địa phương đã sử dụng hết hạn ngạch trái phiếu đặc biệt được cấp cho năm 2023. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần phải bổ sung hạn ngạch vay nợ cho các chính quyền địa phương để tránh gây ra khó khăn tài khóa”.
“Tôi nghĩ rằng kể từ tháng 8, chính sách tài khóa nhìn chung đã mang tính hỗ trợ kinh tế nhiều hơn. Đây là sự thay đổi lớn so với lập trường tài khóa thận trong hồi đầu năm nay”, ông nhấn mạnh.
Ông Xiangrong Yu, nhà kinh tế cấp cao của tập đoàn tài chính Citi, chỉ ra rằng những thiên tai xảy ra ở Trung Quốc trong năm nay không nghiêm trọng bằng đại dịch COVID-19 hay trận động đất Tứ Xuyên năm 2008.
Do đó, quyết định phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ nợ của Bắc Kinh “thể hiện rõ ràng ý định thúc đẩy niềm tin và tăng trưởng kinh tế [của chính phủ”.