Kinh tế trưởng ADB: Việt Nam chuyển hướng chính sách tiền tệ 'nhanh chóng và phù hợp'
Theo số liệu của hãng tin Reuters, nhóm 10 ngân hàng trung ương quản lý 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới đã tăng lãi suất tổng cộng 27 điểm phần trăm trong 54 lần nâng suốt 1 năm qua.
Tăng lãi suất là biện pháp quan trọng để kiểm soát lạm phát khi làm giảm cung tiền, đồng nghĩa giảm lạm phát, giữ tỷ giá không bị tăng quá mức. Đây là động thái linh hoạt và phù hợp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong điều hành và cũng là xu thế chung của Ngân hàng trung ương (NHTW) các nước trên thế giới.
Ông David Hauner, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tài sản chéo của các thị trường mới nổi EMEA tại Bank of America Global Research chia sẻ trên Reuters hồi cuối năm ngoái: "Khi nhìn vào những đợt thắt chặt chính sách tiền tệ ở Mỹ, có thể thấy đây là chù kỳ tăng lãi suất mạnh nhất trong 40 năm qua. Thông thường, khi điều kiện tài chính thắt chặt mạnh mẽ đến như vậy, hệ quả sẽ nhiều hơn một cuộc suy thoái nhẹ - điều mà dường như đang là sự đồng thuận chung của các nhà dự báo”.
Thực tế, tại cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tháng 3 vừa qua, các nhà hoạch định chính sách vẫn tiếp tục thống nhất quyết định nâng lãi suất chuẩn liên bang thêm 0,25 điểm phần trăm, đồng thời phát tín hiệu sẽ không giảm lãi suất ít nhất là đến năm 2024.
Từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã tăng lãi suất liên tục 9 lần trước những sự kiện tác động mạnh vào hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế chung châu Âu.
Tại sao Việt Nam sớm chuyển hướng sang chính sách tiền tệ nới lỏng?
Về phía Việt Nam, tại buổi họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về Dự báo triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam ngày 4/4, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng quốc gia nhận định, Việt Nam cũng như Mỹ và các nước châu Âu đều đang "đứng giữa ngã 3 đường": An toàn hệ thống hay lạm phát?
Theo ông Cường, có thể thấy sự mâu thuẫn trong hành động của Fed từ đầu năm đến nay. Cụ thể, mộtt mặt Fed tăng lãi suất, nhưng mặt khác lại mở rộng bảng cân đối kế toán (hình thức bơm tiền ra của Fed). Trong khi năm ngoái, Fed đã đồng nhất vừa tăng lãi suất và vừa thu hẹp bảng cân đối. Tuy nhiên sau công bố tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 22/3 vừa qua, Fed đã quay lại nới lỏng định lượng (QE) - 1 trong những phương pháp nới lỏng tiền tệ mà thông qua chính sách này, Chính phủ sẽ kịp thời điều chỉnh và kích cầu cho nền kinh tế.
"Động thái này diễn ra rất mạnh mẽ. Như vậy, Fed không còn nhất quán bám theo mục tiêu kiểm soát lạm phát", chuyên gia ADB đánh giá.
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường chỉ ra rằng năm 2022, cũng như các NHTW khác, ưu tiên của NHNN là kiểm soát lạm phát, đặc biệt kiểm soát sức ép lên lạm phát nhập khẩu, vì nếu đồng USD tăng do sự tăng giá của lãi suất sẽ tác động rất mạnh lên nhập khẩu của các nước có độ mở lớn như Việt Nam,
Tuy nhiên, sang năm nay, trước những áp lực "cơn gió ngược" bao phủ toàn nền kinh tế châu Á từ quý IV/2022 tạo nên sức ép trong và ngoài nước, NHNN Việt Nam cũng như Fed và các NHTW khác nhau đã xuất hiện sự khác biệt trong mục đích.
Khi mục đích có sự khác nhau thì hành động sẽ khác nhau. - Chuyên gia Nguyễn Minh Cường
Về tác động ngoại cảnh, có 2 vấn đề tác động đến các nền kinh tế nói chung và Việt Nam nói riêng, là suy thoái kinh tế thế giới sau khủng hoảng của lĩnh vực ngân hàng, tài chính toàn cầu và mâu thuẫn địa chính trị quốc tế ngày càng sâu sắc. Cụ thể là sự sụp đổ của 2 ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank cùng với tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên trầm trọng trong quý IV/2022 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong năm 2023. Nhu cầu toàn cầu giảm đã khiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2% quý I so với cùng kỳ năm ngoái, vị chuyên gia kinh tế trưởng ADB chỉ ra.
Một chỉ báo khác, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất chế biến chế tạo của Việt Nam đã giảm xuống dưới 50 trong 4 tháng liên tiếp do lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu giảm trong khi lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo hàng tiêu dùng không có khả năng bù đắp cho sự sụt giảm này. Chỉ số này sau đó đã hồi phục từ 46,4 điểm vào tháng 1/2023 lên 51,2 điểm vào tháng 2, nhưng lại tiếp tục đi lùi xuống 47,7 điểm vào tháng 3.
ADB dự báo ngành công nghiệp Việt Nam sẽ tăng chậm, ở mức 7,5% vào năm 2023, đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng có thể tăng tốt nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được thực hiện vào năm 2023 theo kế hoạch.
Về tác động trong nước, Việt Nam phải đối mặt với những vấn đề mang tính cơ cấu đã bộc lộ trong giai đoạn đại dịch như thị trường vốn và thị trường lao động.
Cụ thể, theo các chuyên gia, an toàn hệ thống đang bị đe dọa bởi nguy cơ không kiểm soát được thị trường vốn nội địa. Bên cạnh đó, số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động đều tăng, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng.
Trong bối cảnh tắc nghẽn dòng vốn hiện nay do vấn đề giải ngân, lĩnh vực bất động sản và xây dựng được nhận định là những lĩnh vực chịu tác động rất mạnh, có nguy cơ kéo theo sự sụt giảm lớn về nguồn lao động.
Ngoài ra, theo ADB, nền kinh tế trong nước còn chịu sức ép từ vấn đề về biến đổi khí hậu, hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân và cải cách thể chế. Nhằm tiến tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2023 - 2030, cần có những biện pháp hiệu quả, kịp thời để ngăn chặn những tác động của biến đổi khí hậu và phát triển khu vực kinh tế tư nhân cùng việc cải cách thể chế hỗ trợ khu vực này.
Với tất cả những tác động trên, các chuyên gia ADB cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng toàn nền kinh tế, việc NHNN đưa ra các chính sách chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng song song với kiểm soát lạm phát là một trong những nhiệm vụ chủ chốt hiện nay.
Tóm lại, chuyên gia kinh tế trưởng Nguyễn Minh Cường nhận định các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN trong giai đoạn vừa qua là hợp lý, kịp thời. Việt Nam đã chuyển hướng nhanh chóng và phù hợp, góp phần hỗ trợ tốt tăng trưởng trong bối cảnh sức ép như hiện nay.
Trong một báo cáo mới đây, Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và các Thị trường Toàn cầu của Ngân hàng UOB cũng đánh giá động thái cắt giảm lãi suất điều hành mới đây của NHNN là điều không gây bất ngờ do một số nguyên nhân sau.
Thứ nhất, NHNN đã công bố giảm các loại lãi suất liên quan khác từ ngày 16/3. Một động lực khác cho NHNN cắt giảm lãi suất là do tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2023 của Việt Nam bất ngờ giảm xuống mức 3,32% so với cùng kỳ năm trước từ 5,92% trong quý IV/2022, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê. Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy sự ổn định quay lại thị trường sau các rối loạn gần đây trong hệ thống ngân hàng của Mỹ và Châu Âu (sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và việc UBS mua lại Credit Suisse) đã giảm bớt và Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Dự báo cho giai đoạn tới, UOB nhận định: "Chúng tôi tiếp tục cho rằng NHNN có thể giảm tổng cộng 1 điểm % trong quý II/2023. Điều này có nghĩa là lãi suất tái cấp vốn rất có thể sẽ giảm thêm 50 điểm nữa trước thời điểm cuối quý II". Ngoài ra, theo các chuyên gia UOB, NHNN có thể sẽ tiến hành thêm những đợt cắt giảm lãi suất khác một cách thận trọng và cân nhắc đến chỉ số giá cả trong nước và diễn biến tăng trưởng trên toàn cầu.
"Nhiều khả năng NHNN sẽ thiên về chính sách nới lỏng hơn trong giai đoạn sắp tới", với việc cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 100 điểm cơ bản trong quý II/2023, UOB dự báo. Các chuyên gia đồng thời nhấn mạnh, mặc dù NHNN thiên về chính sách nới lỏng hơn, nhưng điều này không có nghĩa là sự bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, ít nhất là tính đến thời điểm này. NHNN có khả năng sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo một cách thận trọng và cân nhắc. Hướng tập trung của NHNN rõ ràng sẽ là xu hướng tập trung quản lý lạm phát trong nước.
Ngày 31/3 vừa qua, NHNN ban hành một loạt quyết định giảm đồng loạt lãi suất điều hành, có hiệu lực ngay từ 3/4 tới đây.
Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm trong khi lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm. Hàng loạt lãi suất, bao gồm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND cũng được giảm với mức giảm 0,5%.
Đây là lần thứ hai NHNN giảm lãi suất điều hành trong năm nay. Trước đó vào ngày 15/3 cơ quan điều hành tiền tệ cũng thông báo giảm 1%/năm các loại lãi suất điều hành, nhưng không bao gồm trần lãi suất huy động và lãi suất tái cấp vốn.