Kinh tế Việt Nam trước nCoV: Thách thức và thích ứng
Sản xuất mất đầu ra, thiếu đầu vào vì dịch
Dịch bệnh do virus nCoV gây ra đã khiến một loạt các công ty, kể cả các “ông lớn” FDI như LG, Samsung, Formosa tại Việt Nam đứng trước nguy cơ sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất - kinh doanh. Hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu đang bị ách tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn, nếu không được thông quan thuận lợi, có thể làm giảm tới 50% doanh số của họ trong năm 2020.
Apple dự kiến tăng xuất khẩu ở Việt Nam 30% trong năm 2020, nhưng sản lượng của Apple lại phụ thuộc vào các công ty gia công (OEM) như Samsung, Foxconn, LG… Và do đó, sản lượng của các công ty này giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của Apple tại Việt Nam.
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những ngành sản phẩm chịu nhiều thiệt hại nhất là dệt may, da giày, điện tử, máy tính và sản phẩm quang học, sản xuất xe có động cơ, sản xuất kim loại…, do phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc, cũng như do “lệnh” hạn chế bay, chưa cho phép nhập cảnh đối với người Trung Quốc vào Việt Nam.
Đặc biệt, đối với mặt hàng nông sản Việt, hàng nghìn tấn thanh long, dưa hấu không thể xuất khẩu và bị tắc ở biên giới cho thấy dịch cúm viêm phổi đã ngay lập tức tác động đến một trong những mặt hàng xuất khẩu rất quan trọng của Việt Nam. Hiện có tới 70% kim ngạch nông sản thô xuất khẩu của Việt Nam là thị trường Trung Quốc. Do đó, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do thiếu đầu ra.
Không chỉ có ngành nông nghiệp mà một loạt ngành khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Với kim ngạch xuất khẩu khoảng 42 tỷ USD (2019) vào Trung Quốc, nhiều mặt hàng như điện thoại, thiết bị điện, điện tử, cao su, may mặc… cũng sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu rất nhiều mặt hàng máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu cho công nghiệp như may mặc, hóa chất, cao su, nhựa… từ Trung Quốc.
Dịch nCoV sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đối với nhiều ngành quan trọng của Việt Nam. Hàng hóa sẽ trở nên khan hiếm hơn, giá cả sẽ bị đẩy lên cao. Những ngành bị ảnh hưởng lớn gồm điện tử, may mặc, dày da, nhựa… Bên cạnh đó nhiều công trình, nhà máy nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi tiến độ thi công có thể chậm lại trong thời gian tới.
Nguy cơ khủng hoảng và lao dốc
Các chuyên gia đánh giá: Du lịch, hàng không, xuất nhập khẩu sẽ là những lĩnh vực chính chịu thiệt hại nặng nề nhất trong "cơn bão" virus nCoV đang bùng phát khắp toàn cầu.
Tại Việt Nam, không chỉ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nếu dịch Corora kéo dài, thì thu hút đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, hiện một số hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, hay các hoạt động xúc tiến đầu tư đang bị ảnh hưởng. Hãng HP dự kiến trung tuần tháng 2 sẽ tới Việt Nam để tìm kiếm và thảo luận về các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, nhưng kế hoạch này đã bị đẩy lùi. Citi Group đã lên kế hoạch tổ chức một diễn đàn đầu tư tại Singapore, song đang phải trì hoãn.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh do virus nCoV, các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng của Trung Quốc nói riêng và các nước khác có nhiều khả năng bị trì hoãn, bao gồm các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư.
Không chỉ mất một lượng rất lớn khách du lịch đến từ Trung Quốc mà ngày cả khách du lịch trong nước và các quốc gia khác chắc chắn cũng sẽ hạn chế đi du lịch. Thông tin trên mạng cho thấy có rất nhiều khách du lịch đã hủy đi du lịch do lo ngại bệnh cúm này. Nhiều khách quốc tế đến Việt Nam cũng đã gấp rút về nước trước lịch trình.
Các chủ khách sạn ở địa phương du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết và Quảng Ninh… đều cho biết công suất phòng hiện tại đã giảm hơn 50% so với trước khi tình trạng đại dịch được công bố.
Những con số trên cho thấy một khi ngành du lịch lao dốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Cụ thể nếu lượng khách du lịch giảm 50%, thì có thể tác động tớ 3-4% GDP cả nước.
TTCK cũng là lĩnh vực bị tác động trực tiếp từ dịch bệnh do virus nCoV gây ra. TTCK đã liên tiếp giảm điểm trong những phiên giao dịch gần đây, trong đà giảm chung của TTCK trên toàn cầu.
Các bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, biệt thự ven biển chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi khách du lịch giảm sút. Theo báo cáo của CRBE và Son Kim Land thì trong năm vừa qua, có đến hơn 70% khách hàng của họ đến từ Trung Quốc. Dòng vốn đầu tư đến từ nước này đã kích thích thị trường bất động sản nhiều nơi bùng phát mạnh trong thời gian qua. Do đó, khi kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng thì dòng tiền đầu tư bất động sản của quốc gia này vào Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Chuyển đổi phương thức để thích ứng
Tại Hội nghị về thúc đẩy thương mại và phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh Corona do Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức, các đại biểu tham dự đã nhấn mạnh: Nhiều ngành hàng đã có sự chuẩn bị để thích ứng với biến động mạnh này từ thị trường xuất khẩu truyền thống. Đây là thời điểm để các ngành hàng chuyển đổi phương thức sản xuất và kinh doanh.
Theo đó, trái với dự đoán bi quan về việc nông sản Việt đang bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường lớn của Trung Quốc, đại diện các hiệp hội đều đã nêu cao tinh thần chủ động ứng phó với biến động lớn này.
Đối với ngành lâm sản, ông Nguyễn Tôn Quyền, Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch cúm do virus corona, những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc ngay lập tức giảm mạnh, nhưng tôi cho rằng, đây là cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ bởi xuất khẩu dăm gỗ mang lại giá trị không cao, không phát triển bền vững vốn rừng”.
Ông Quyền phân tích: “Tới đây, khi xuất khẩu dăm gỗ giảm sẽ bổ sung nguồn nguyên liệu gỗ trong nước để sản xuất ván nhân tạo, MDF, tạo ra giá trị gia tăng cao. Trong 2 tuần qua, nhiều doanh nghiệp của ngành gỗ đã chuyển hướng, đã có 3 - 4 doanh nghiệp chuyên làm dăm xuất khẩu mua thiết bị sản xuất gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu”.
Ông Quyền cũng nêu kiến nghị nhà nước xem xét tạo điều kiện về lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng mua thiết bị để sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm dăm, viên nén… này để doanh nghiệp sớm hoàn thiện dây truyền sản xuất, bắp kịp cơ hội này.
Những doanh nghiệp có xuất sang Trung Quốc sản lượng lớn, hiện đang tồn kho, chi phí tồn kho lớn. Tại Trung Quốc, nhiều khách hàng bán trực tiếp các nhà hàng, khi các hệ thống nhà hàng ngừng hoặc giảm thì các cửa hàng thực phẩm lớn giảm hoặc ngưng vì không muốn mất chi phí lưu hàng hóa.
“Rủi ro có, nhưng cũng có một số cơ hội. Chúng tôi thấy có 2 cơ hội thúc đẩy tranh thủ sản xuất không tác động nhiều. Trước hết là chuẩn bị hàng đồ hộp, đông lạnh. Những sự kiện như thế này sau 3-5 tháng, sự điều chỉnh văn hóa tiêu dùng rõ rệt, không ăn sống nhiều, hàng tươi sẽ ít đi, nhưng hàng đồ hộp, đông lạnh sẽ có nhu cầu lớn. Cơ hội thứ hai, một số ngành Trung Quốc đang cạnh tranh với chúng ta như cá ngừ, Trung Quốc là 1 trong 5 nước bán cá ngừ lớn, hiện nay các nước không mua cá ngừ Trung Quốc nên giá giảm sâu. Các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang coi đây là cơ hội đối với các nguồn tiêu thụ khác, gia tăng thị phần, giá cả”, ông Nam nói.
Đối với ngành hàng gạo, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc cho biết: “Trước đây 5, 6 năm thì thị trường Trung Quốc là thị trường rất lớn của chúng ta nhưng hiện nay ta đã mở rộng ra nhiều thị trường khác nhau nên giá trị nhập khẩu của thị trường này cũng không còn quá chi phối ngành hàng gạo nữa”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ có nhiều khó khăn tới do các đoàn đàm phán hai bên sẽ khó tiếp tục lịch trình để mở cửa chính thức cho nhiều loại nông sản.
Đối với trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Hiện nay “gót chân Asin” của xuất khẩu nông sản chính là rau quả, lõi là thanh long, có thế tới đây là dưa hấu. Để ứng phó được cần sự đồng hành, quyết tâm của khu vực nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Các tỉnh, hiệp hội rà soát các ngành hàng. Như ở Long An, nông dân không kích thích ra hoa trái vụ thanh long. Với 150 cơ sở trên địa bàn với hơn 100 cơ sở có kho đông lạnh phải cân đối, tập trung dự trữ trong các kho lạnh, tăng chế biến và đưa ra các giải pháp để tiêu thụ ổn định chừng 30.000 tấn/tháng”.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, Big C… cần vào cuộc tích cực, khi mặt hàng thanh long dễ tổn thương, chưa đi qua biên giới được thì hết sức chú ý thị trường trong nước. Riêng nhóm dưa hấu, Bộ trưởng chỉ đạo bà con nông dân và các địa phương hạn chế xuống giống, chuyển qua các cây trồng khác như: đậu tương, ngô, rau…
Có thể khẳng định sự chuyển đổi phương thức trên chính là những thích ứng cần thiết góp phần giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh do virus nCoV gây ra.