Kỳ 3: Hết ca sĩ, nghệ sĩ, đến bác sĩ “nổ” về TPCN, TPBVSK, cơ quan quản lý cũng phải... ngại

09:14 | 26/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Luật Quảng cáo và quy định ATTP yêu cầu không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh...để quảng cáo TPBVSK, TPCN.

Lời Tòa soạn

Hiện nay, Việt Nam đã có tương đối đầy đủ các quy định, chế tài quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), thực phẩm chức năng (TPCN).

Tuy nhiên, cũng là thực tế, đã có rất nhiều sản phẩm TPBVSK, TPCN bị cơ quan chức năng xử phạt, thậm chí thu hồi... do các vi phạm quy định về quảng cáo, an toàn thực phẩm, thậm chí là làm hàng giả, hàng nhái.

Dẫu vậy, vấn nạn này vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí là ngày càng lộ liễu, công khai hơn...

Đó chính là mục tiêu của Tạp chí Doanh nhân Việt Nam, khi thực hiện chùm bài viết về các dấu hiệu sai phạm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPBVSK, TPCN.

Chúng tôi mong muốn được bạn đọc hỗ trợ, cung cấp thêm thông tin về các sai phạm, không chuẩn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPBVSK, TPCN – những sản phẩm mà sự có mặt của chúng lẽ ra phải là bảo vệ, nâng cao sức khỏe người sử dụng, chứ không phải đẩy họ tới những rủi ro về sức khỏe, tài chính.

Luật Quảng cáo và các quy định ATTP đã quy định rõ ràng là TPBVSK, TPCN không được sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm.

Tuy nhiên, thực tế các hoạt động quảng cáo kiểu này từ lâu đã trở thành vấn nạn, và vấn nạn này lại diễn ra ngày một nhiều hơn...

Kỳ 3: Hết ca sĩ, nghệ sĩ, đến bác sĩ “nổ” về TPCN, TPBVSK, cơ quan quản lý cũng phải... ngại - ảnh 1

Hết ca sĩ, nghệ sĩ “nổ” TPBVSK lại đến bác sĩ

Nghệ sĩ, bác sĩ quảng cáo là tự nguyện hay vô tình ?

Như loạt bài liên quan tới TPBVSK mà Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam đã đăng tải, có rất nhiều các ca sĩ, nghệ sĩ, bác sĩ xuất hiện trong các video clip quảng cáo cho TPBVSK, TPCN.

Cụ thể như sản phẩm TPBVSK Shami Xoan với hình ảnh của PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Tâm Thuận, PGĐ trung tâm hợp tác Quốc tế Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.

Đáng chú ý, là các “thần y online” cũng liên tục tư vấn rằng sản phẩm này là nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Thị Tâm Thuận. Điều này khiến cho rất nhiều người bệnh sẽ tưởng lầm là thật, rồi bỏ qua việc phải đi tới cơ sở uy tín để được thăm khám trực tiếp và điều trị bệnh theo phác đồ của bác sĩ tại cơ sở. Thay vào đó tin lời các “thần y online” để mua sản phẩm quảng cáo và sử dụng. Qua đó người bệnh đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn về sức khỏe.

 

 

Kỳ 3: Hết ca sĩ, nghệ sĩ, đến bác sĩ “nổ” về TPCN, TPBVSK, cơ quan quản lý cũng phải... ngại - ảnh 2

Hình ảnh được cho là nữ diễn viên T.T trong video clip đang “nổ” uống Shami Xoan hết Xoang sẽ khiến rất nhiều người hiểu lầm sản phẩm này có tác dụng điều trị khỏi...

Để hiểu rõ hơn về sản phẩm này có đúng là công trình nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Thị Tâm Thuận hay không, phóng viên Tạp chí Doanh nhân Việt Nam đã gửi nội dung liên quan tới cơ quan chức năng.

Ngay sau đó có một số điện thoại lạ gọi tới cho phóng viên tự xưng là luật sư T.N.A (Công ty Luật Quốc Minh) được bác sĩ Tâm Thuận ủy quyền trả lời báo chí về nội dung liên quan tới các nội dung trong quảng cáo sản phẩm Shami Xoan.

Ngày 14/5 tại buổi làm việc với vị luật sư ủy quyền của bác sĩ Nguyễn Thị Tâm Thuận, vị này cho biết “Bác sĩ Thuận có hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Griffin Việt Nam. Nhưng không hề biết giám đốc là ai, chưa bao giờ đến công ty mà chỉ thông qua một người bạn. Tuy nhiên nội dung quảng cáo được đăng tải đã bị cắt ghép chỉnh sửa. Ngay khi phát hiện bác sĩ Thuận đã lập tức liên hệ với người giới thiệu để hỏi về việc cắt ghép lời nói của bác sĩ và sử dụng danh tiếng nhưng bị vị này đe dọa ngược lại. Hiện Công an cũng đang vào cuộc xác minh làm rõ...” - luật sư T.N.A cho biết.

Kỳ 3: Hết ca sĩ, nghệ sĩ, đến bác sĩ “nổ” về TPCN, TPBVSK, cơ quan quản lý cũng phải... ngại - ảnh 3

Những quảng cáo TPBVSK Shami Xoan như này có đúng với những gì được cấp phép?

Khi PV hỏi về hợp đồng ký kết giữa bác sĩ Thuận với phía Công ty Griffin, luật sư này nói sẽ hỏi ý kiến và cung cấp sau.

Nói như quan điểm của luật sư diễn giải, bác sĩ Thuận ký kết hợp đồng với Công ty Griffin mà không biết giám đốc là ai. bác sĩ Thuận cũng chưa bao giờ đến công ty (tức không biết gì về công ty, sản phẩm mình quảng cáo).

 

Kỳ 3: Hết ca sĩ, nghệ sĩ, đến bác sĩ “nổ” về TPCN, TPBVSK, cơ quan quản lý cũng phải... ngại - ảnh 4

Chấn chỉnh: Chỉ cần nghiêm là đủ

Tương tự như Shami Xoan, các TPBVSK như Yakumi, Gen X, Gmdiet, Zawa, Đào Thi, Satuchin,... cũng sử dụng hàng loạt hình ảnh các diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, bác sĩ để quảng cáo các loại sản phẩm này có tác dụng như thuốc chữa bệnh, khiến cho không ít người tiêu dùng tin tưởng, hiểu lầm công dụng thực tế.

Liên quan tới vấn nạn này, ngày 20/5, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM đã nêu vấn đề một số nghệ sĩ ở TP.HCM giới thiệu, quảng cáo trái luật một số mặt hàng tiêu dùng, TPCN, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm,...có thể gây ảnh hưởng sức khỏe và tài sản người tiêu dùng.

Để chấn chỉnh, Ban tuyên giáo Thành ủy TP. HCM đã đề nghị các Hội văn học nghệ thuật quản lý tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, vi phạm pháp luật. Đồng thời yêu cầu Hội đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật, nhắc nhở hội viên nâng cao tinh thần trách nhiệm khi tham gia hoạt động quảng cáo...

Kỳ 3: Hết ca sĩ, nghệ sĩ, đến bác sĩ “nổ” về TPCN, TPBVSK, cơ quan quản lý cũng phải... ngại - ảnh 5

Tại Hà Nội, ngày 21/5 Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục Trưởng Cục Văn hóa cơ sở cũng đã ký công văn số 338/VHCS- QCTT gửi tới Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các sở liên quan.... yêu cầu kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

"Đề nghị các cơ quan, đơn vị kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo Thực phẩm chức năng, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm tương tự trên các phương tiện, đảm bảo nội dung phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo”, lãnh đạo Cục nêu. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các tổ chức, cá nhân có liên quan về quy định đối với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo (Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16 Luật Quảng cáo).

Cục Văn hóa cơ sở cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xác định hành vi vi phạm của chủ sở hữu sản phẩm quảng cáo, chủ phương tiện quảng cáo, chủ doanh nghiệp quảng cáo để phối hợp với cơ quan thanh tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực có liên quan xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.

Vấn đề các y bác sỹ quảng cáo TPCN, TPBVSK không đúng quy định, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương chấn chỉnh...

Thanh Vân

Xem thêm: TPBVSK Satuchin “nổ” như “thần dược” điều trị bệnh ?