Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV: Kiểm soát mặt hàng có tỷ trọng lớn trong rổ CPI
Trước rủi ro nợ xấu và áp lực lạm phát trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, cần kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá trong kiềm chế lạm phát, đặc biệt là các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn "rổ" hàng hóa để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Thống kê 5 tháng qua, lạm phát trong nước tăng 2,25% chủ yếu là do tác động của yếu tố giá mà chưa tính đến những tác động của các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, các gói tín dụng.
Lạm phát là vấn đề toàn cầu, nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất lớn, sản xuất trong nước thì phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu từ nước ngoài, nên cũng chịu áp lực của lạm phát.
Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này, trong những tháng đầu năm, lạm phát của nước ta vẫn đang ở mức kiểm soát được, mức tăng giá liên quan đến giá hàng hóa thế giới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, bên cạnh phối hợp giữa các chính sách vĩ mô thì việc kiểm soát giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục… là rất quan trọng.
Về việc kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hiệu quả và theo dõi sát những diễn biến kinh tế vĩ mô, diễn biến của các gói hỗ trợ để đưa ra những giải pháp điều hành phù hợp.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, thông qua Ban chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành phân tích sát diễn biến, nguyên nhân của lạm phát để đưa ra những kết hợp chính sách phù hợp.
Tới đây, chính sách tiền tệ cũng sẽ phải theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cũng như tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế để đưa ra những biện pháp điều hành phù hợp với thực tiễn, đặc biệt cần kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá.