Kỳ lạ loài cây tiến hóa thành 'vô hình' để trốn tránh con người

16:14 | 28/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với cách tiến hóa vô cùng hay ho, loài cây nhỏ bé này có thể đổi màu thành vô hình, không phải để tránh các loại động vật ăn cỏ mà nhằm trốn tránh con người.
Loài hoa Fritillaria delavayi nhỏ bé, xinh đẹp đã tồn tại ở các sườn đá của dãy núi Hengduan (Trung Quốc) hàng nghìn năm qua. Phải đến 5 năm, loài cây này mới có thể ra hoa một lần duy nhất vào tháng 6.
 
Cây Fritillaria là một nguyên liệu chủ chốt trong bài thuốc truyền thống ở Trung Quốc. Hơn 2000 năm qua, con người nơi đây đã nghiền củ cây thành loại bột trị ho phổ biến. Thông thường, phải cần tới khoảng 3.500 củ để sản xuất chỉ một kg bột trị ho với mức giá 480 USD nên nhu cầu về củ cây Fritillaria là rất lớn.
 
Kỳ lạ loài cây tiến hóa để trốn tránh con người
 
Chính vì nguyên nhân này, con người bỗng dưng trở thành... kẻ thù của loài cây Fritillaria. Do đó, loài cây này đã tiến hóa để tránh khỏi việc bị con người hái về làm thuốc. Đây chính là kết quả nghiên cứu được công bố ngày 20/11 trên tờ Current Biology. 
 
Cụ thể, cây Fritillaria đã ngụy trang lá, hoa và thân thành màu của nền đá, khiến chúng trở nên rất khó tìm. Cây thường có màu xám hoặc nâu, biến mất giữa khung cảnh xung quanh, nhiều khi con người có nhìn đi nhìn lại cũng không thể phát hiện được.
 
Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Yang Niu, thuộc Viện Thực vật học Côn Minh (Trung Quốc) cho biết: "Giống như những loại thực vật ngụy trang khác từng được nghiên cứu, chúng tôi cho rằng sự tiến hóa ngụy trang của Fritillaria do tác động từ động vật ăn cỏ. Thế nhưng, chúng tôi không tìm thấy loại động vật nào ăn cây này nên cho rằng, rất có thể con người mới là lý do". 
 
Kỳ lạ loài cây tiến hóa để trốn tránh con người
 
Trong một thí nghiệm trên máy tính, các nhà nghiên cứu phát hiện, con người mất nhiều thời gian, công sức hơn để tìm được những loại thực vật được ngụy trang nhiều hơn. Điều này chứng tỏ, con người đang thúc đẩy sự tiến hóa của loài này thành các dạng màu sắc mới để có nguy cơ sống sót cao hơn. 

Giáo sư Martin Stevens - Trung tâm Sinh thái và Bảo tồn tại Đại học Exeter cũng cho rằng: “Thật đáng chú ý khi biết được con người có thể có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến màu sắc của các sinh vật hoang dã, không chỉ đến sự tồn tại mà còn cả sự tiến hóa của chúng”.

Tiểu Long