"Kỳ lân gãy sừng" khiến Jack Ma bị đàn em "vượt mặt" giành ngôi giàu thứ hai Trung Quốc
Colin Huang - người sáng lập Pinduoduo - vượt qua Jack Ma để giành ngôi người giàu thứ hai Trung Quốc với khối tài sản 63,1 tỷ USD.
Theo South China Morning Post vượt mặt 2 tỷ phú Jack Ma và Mã Hóa Đằng, ông Colin Huang trở thành người giàu thứ hai Trung Quốc nhờ giá trị cổ phiếu Pinduoduo tăng vọt. Trong khi đó trong 2 tháng nay Jack Ma đã mất 11 tỷ USD thì đến nay, vị tỷ phú mới nổi nắm giữ giá trị tài sản ròng 63,1 tỷ USD, theo số liệu từ Bloomberg Billionaires Index.
Hưởng lợi nhờ "đối thủ" gãy cánh
Cổ phiếu của Pinduoduo niêm yết trên sàn Nasdaq (New York) tăng 7,77%, nâng giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn lên gần 220 tỷ USD. Đà tăng cũng đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp công ty khởi nghiệp 5 năm tuổi này vượt qua mức định giá 200 tỷ USD.
Như vậy, hiện tại tài sản của ông Huang đang xếp thứ hai tại Trung Quốc, chỉ sau ông Zhong Shanshan, tỷ phú được ví von là "Sói cô độc", Chủ tịch tập đoàn nước đóng chai Nongfu Spring. Cả hai ghi nhận khối tài sản tăng đáng kể sau khi công ty có màn IPO thành công rực rỡ. Nongfu Spring vừa hoàn thành đợt IPO kỷ lục 677 tỷ USD (87 tỷ USD) hồi tháng 9/2020. Hiện, Zhong Shanshan cũng là người giàu nhất châu Á, vượt qua tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani.
Được thành lập vào năm 2015, Pinduoduo là nền tảng thương mại điện tử tập trung nhiều vào các thành phố nhỏ và vùng hẻo lánh. Đầu năm nay, Pinduoduo công bố kế hoạch đầu tư ít nhất 50 tỷ nhân dân tệ (7,1 tỷ USD) trong 5 năm tới để bắt đầu các chương trình bán lẻ trực tuyến ở vùng nông thôn Trung Quốc nhằm tạo ra cơ sở hạ tầng mới để thúc đẩy nhu cầu nông sản trên toàn quốc.
Kể từ khi chính quyền Bắc Kinh ban hành các động thái nhằm trấn áp tình trạng độc quyền trong nền kinh tế Internet hồi đầu tháng 11, số phận của các công ty điều hành các nền tảng thương mại điện tử, giao hàng và mạng xã hội lớn nhất nước này là Alibaba và Tencent rơi vào tình trạng lấp lửng.
Hai công ty độc quyền lớn nhất Trung Quốc đã bị chính quyền để mắt từ lâu. Chỉ trong tháng này, cơ quan quản lý đã xử phạt Alibaba và công ty China Literature do Tencent hậu thuẫn về các hoạt động mua lại không được báo cáo, đồng thời bắt đầu điều tra các hoạt động kinh doanh độc quyền.
Kể từ khi căng thẳng nhen nhóm hồi đầu tháng 11, cổ phiếu của Alibaba niêm yết tại New York đã giảm hơn 23%, trong khi cổ phiếu của Tencent tại Hong Kong giảm 6,2%. Cổ phiếu của gã khổng lồ Meituan cũng lao dốc vào đầu tháng trước sau khi dự thảo hướng dẫn chống độc quyền của Bắc Kinh được công bố.
Cựu nhân viên Google quyết tâm khởi nghiệp trên chính quê hương
Collin Huang, 41 tuổi, sinh ra tại Hàng Châu, Trung Quốc trong gia đình có cha mẹ làm công nhân nhà máy và họ chưa từng học hết cấp 2. Từ nhỏ đã tỏ ra là một đứa trẻ thông minh, năm 12 tuổi, Huang được nhận vào Trường Ngoại ngữ Hàng Châu danh tiếng – nơi con cái nhà giàu địa phương theo học. Những năm tháng học ở đây đã thay đổi cuộc đời Huang.
Sau đó, Huang theo học Đại học Chiết Giang rồi lấy bằng thạc sĩ ngành khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin. Huang bắt đầu sự nghiệp tại Thung lũng Silicon với nhiều công việc, từng là kỹ sư của Google - làm về các thuật toán tìm kiếm thương mại điện tử.
Sau đó, Huang trở về Trung Quốc để lập nghiệp, Pinduoduo là startup thứ 4 và cũng là startup tham vọng nhất của doanh nhân này. Với Pinduoduo, Huang muốn mang lại cho mọi người trải nghiệm khác biệt so với các trang thương mại điện tử như Amazon.com hay Alibaba – nơi họ thường gõ từ khóa vào thanh tìm kiếm, rồi chọn lấy một món sau khi phân loại vài lựa chọn.
Thay vào đó, ứng dụng của Pinduoduo mang lại cho người dùng trải nghiệm giống như dành cả ngày đi mua sắm với bạn bè, cho phép họ chia sẻ ý kiến và nhận phản hồi từ những người mình tin tưởng. Nếu một người có thể rủ được bạn bè cùng mua hàng, cả nhóm sẽ được giảm giá. Ngoài ra, nhờ việc tích hợp trên WeChat, các sản phẩm trên Pinduoduo thường xuất hiện trên mục Khoảnh khắc của ứng dụng tin nhắn này – tương tự như News Feed của Facebook.
Đầu năm nay, Pinduoduo công bố kế hoạch đầu tư ít nhất 50 tỷ Nhân dân tệ (7,1 tỷ USD) để triển khai các chương trình bán lẻ trực tuyến tại các khu vực nông thôn của Trung Quốc và giúp tạo ra "cơ sở hạ tầng mới" để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nông sản trên toàn quốc trong vòng 5 năm tới.
Nguyễn Dung