Kỹ sư CNTT về quê trồng gạo hữu cơ bãi rươi

09:21 | 09/07/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong bối cảnh vấn đề an toàn thực phẩm đang ngày càng trở nên nhức nhối, nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ đã ra đời. Bên cạnh rau hữu cơ, thịt hữu cơ thì mô hình sản xuất lúa hữu cơ đang được đặc biệt quan tâm. Tại vùng đất Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương), mô hình gạo hữu cơ bãi rươi của anh Nguyễn Văn Tuân đang thu được những thành công ngoài mong đợi.

Bỏ phố về làm ruộng

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Tứ Kỳ, anh Nguyễn Văn Tuân theo học Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Công nghệ thông tin. Sau 14 năm gắn bó với nghề, sở hữu một công ty công nghệ thông tin nhưng anh quyết định khởi nghiệp lại một lần nữa với cây lúa tại chính vùng quê nơi mình sinh ra.

Kỹ sư CNTT về quê trồng gạo hữu cơ bãi rươi - ảnh 1
Anh Nguyễn Văn Tuân trên cánh đồng lúa quê hương

Anh cho biết: “Ý tưởng trồng lúa trên vùng đất nuôi rươi là do những người nông dân Tứ Kỳ tư vấn cho tôi trong những ngày tôi rong ruổi về quê tìm kiếm một mô hình nông nghiệp phù hợp. Họ đã làm cầu nối giúp tôi tìm được địa điểm và hiện thực hóa ý tưởng trồng lúa trên bãi rươi nhanh hơn dự kiến, chỉ với 500 ngày từ khi bắt đầu có ý tưởng, gạo rươi đã có mặt trên thị trường”.

Mô hình sản xuất gạo hữu cơ trên vùng canh tác rươi của anh Nguyễn Văn Tuân được thực hiện tại vùng bãi ven sông Thái Bình thuộc huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Đây là khu vực cách cửa biển, nước có độ mặn phù hợp để con rươi phát triển và lúa sinh trưởng tốt. Mô hình của anh Tuân hoạt động theo hình thức liên kết hợp tác xã, mô hình sẽ cấp phát giống, hỗ trợ nông dân trong quá trình chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.

Kỹ sư CNTT về quê trồng gạo hữu cơ bãi rươi - ảnh 2
Nhiều bạn bè trong và ngoài nước đã đến thăm và trải nghiệm tại cánh đồng lúa của anh Tuân

Trước đây, ở những vùng nuôi rươi, cây lúa được trồng chủ yếu để che mát cho ruộng rươi nên chỉ là sản phẩm thứ yếu và không đem lại thu nhập cho người nông dân.

Nếu trước đây, người nông dân chỉ canh tác giống lúa bản địa, vốn đã thoái hóa, năng suất thấp cho mục đích duy nhất là giữ mát cho con rươi thì bằng việc áp dụng giống lúa mới vào canh tác, bà con không chỉ duy trì tốt sự phát triển của con rươi mà còn có thêm nguồn thu nhập từ cây lúa.

Điểm khác biệt quan trọng của mô hình liên kết sản xuất gạo hữu cơ trên bãi rươi là thay vì phía doanh nghiệp phải tìm các biện pháp để giám sát nông dân, đề phòng việc họ rắc, phun trộm hóa chất (phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật) xuống ruộng lúa; thì người nông dân lại giám sát lại phía doanh nghiệp. Họ không cho phép sử dụng bất kỳ loại chế phẩm nào, ngay cả chế phẩm sinh học. Mục đích canh tác quan trọng nhất của các thửa ruộng vẫn là tạo môi trường sạch, tự nhiên, 100% không hóa chất để khai thác loại đặc sản vô cùng có giá trị là con rươi.

Kỹ sư CNTT về quê trồng gạo hữu cơ bãi rươi - ảnh 3

Hiện tại, các sản phẩm lúa hữu cơ đất rươi đang được phân phối tại các siêu thị, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội cũng như các kênh bán hàng trực tuyến.

Khát khao mang gạo rươi vươn ra thế giới

Vào năm 2016, những ngày đầu về quê mày mò với cây lúa, anh Tuân đã cùng với các giáo sư tại Viện Di truyền nông nghiệp tìm ra một giống lúa có tên Japonica J02, một giống lúa xuất xứ từ Nhật Bản giàu chất dinh dưỡng, gạo dẻo thơm và có sức chịu đựng thời tiết, sâu bệnh rất tốt, thích hợp với vùng nước mặn trên cánh đồng rươi. Tuy nhiên, khi anh về quê và trình bày việc đưa giống lúa mới vào sản xuất để tăng năng suất và thu nhập cho bà con, việc canh tác đảm bảo sẽ không làm ảnh hưởng tới sản lượng rươi trong vùng thì lại không nhận được sự ủng hộ từ bà con nông dân. Nguyên nhân là do họ chưa thực sự tin tưởng việc một kỹ sư công nghệ thông tin lại có thể thành công ngay trên cánh đồng lúa.

Chính vì vậy, anh Tuân mất khá nhiều thời gian để tư vấn, thuyết phục bà con tại xã An Thanh (huyện Tứ Kỳ) tham gia vào mô hình. Khi nhận được sự tin tưởng của người dân anh bắt đầu mô hình với diện tích 30 ha. Con đường khởi nghiệp của anh Tuân bước đầu đã cho ra “trái ngọt”. Vụ lúa trồng trên đất rươi đầu tiên bắt đầu từ tháng 12/2016 đến tháng 4/2017 đạt sản lượng vượt kỳ vọng anh, 1 sào lúa đạt năng suất từ 110-120 kg, có hộ đạt 150 kg, gấp từ 2-4 lần so với trước đây.

Kỹ sư CNTT về quê trồng gạo hữu cơ bãi rươi - ảnh 4
Anh Tuân thường xuyên tham gia các Hội thảo về Nông nghiệp hữu cơ để học hỏi

Sau thành công bước đầu, anh đã mạnh dạn mở rộng mô hình sang một số xã trong khu vực và nhận được sự hợp tác từ bà con. Ngoài phát triển sản phẩm, anh Tuân đã tích cực truyền thông và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nhằm tạo chỗ đứng cho sản phẩm và khẳng định uy tín với khách hàng. “Khi đưa ra thị trường, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng chắc chắn người tiêu dùng sẽ yên tâm tin dùng. Sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp mã vạch, nhãn hiệu hàng hóa với tên gọi "Gạo hữu cơ bãi rươi Japonica J02". Công ty còn xây dựng tem xác thực cho từng sản phẩm. Khách hàng chỉ cần sử dụng phần mềm quét mã QR trên điện thoại là tra cứu được nguồn gốc sản phẩm của chúng tôi”, anh Tuân khẳng định.

Hiện nay, khi sản phẩm đã được nhiều người biết đến, anh Tuân quyết định mang sản phẩm của mình ra với thế giới. Gạo hữu cơ bãi rươi sẽ có mặt tại hội chợ Biofach Đông Nam Á được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Biofach Đông Nam Á nằm trong chuỗi 7 Hội chợ Biofach trên toàn thế giới chuyên về sản phẩm hữu cơ. “Đây là một cơ hội lớn để gạo hữu cơ bãi rươi vươn ra thị trường thế giới đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết mới đây. Hy vọng, trong thời gian tới gạo hữu cơ bãi rươi sẽ được lên kệ của các siêu thị châu Âu cũng như toàn thế giới”, anh Tuân kỳ vọng.

ĐỌC NHIỀU