Lái xe hàng hóa phải đáp ứng điều kiện gì mới được vào Hà Nội?

19:43 | 28/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sở Công Thương Hà Nội cho biết đối với người điều khiển phương tiện, người xếp dỡ hàng hóa theo xe phải khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời phải được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng COVID-19, xét nghiệm COVID-19 âm tính.

Sở Công Thương Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn các đơn vị vận tải, người trên phương tiện, thực hiện quy trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội.

Phải tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine

Theo đó, các đơn vị vận tải phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đầy đủ các giấy phép an toàn kỹ thuật và Giấy xét nghiệm COVID-19 bản chính còn hiệu lực, kê khai y tế trước chuyến đi. Đồng thời, trang bị quần áo bảo hộ, khẩu trang, kính, mũ, găng tay, bao giầy cho người trên phương tiện…

Lái xe vào Hà Nội phải tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine và xét nghiệm âm tính với Covid-19. Ảnh Vnexpress.net. 

Các đơn vị này xây dựng phương án tổ chức vận tải của đơn vị và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện đúng phương án đề ra. Phương tiện vận chuyển phải được phun khử khuẩn, bảo đảm an toàn trước, trong và sau khi hoạt động vận chuyển theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Đối với người điều khiển phương tiện, người xếp dỡ hàng hóa theo xe phải khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời phải được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng COVID-19, xét nghiệm COVID-19 âm tính.

Đối với xe có Giấy nhận diện, sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị chuyên dụng để quét mã QR trên phương tiện, cập nhật thông tin của Giấy xét nghiệm còn hiệu lực theo hướng dẫn trên phần mềm.

Sở Công Thương cũng yêu cầu hàng hóa ở các địa phương vùng dịch, các khu vực vùng dịch của Hà Nội trước khi được xuất đi phải bảo đảm an toàn phòng dịch. Đối với các khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, chỉ thực hiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu.

Về quy trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa, tại địa điểm sản xuất hàng hóa phải tuân thủ nghiêm phương án phòng, chống dịch COVID-19 do đơn vị đã xây dựng. Người trên phương tiện tuân thủ đúng hành trình đã kê khai, giao nhận hàng hoá, nghỉ ngơi, tập kết phương tiện tại các điểm đã được xác định trong phương án tổ chức vận tải của đơn vị.

Tại khâu giao nhận, xếp dỡ hàng hóa, người điều khiển phương tiện hạn chế tiếp xúc với bên nhận hàng, hạn chế rời khỏi cabin của xe. Hai bên tuân thủ nghiêm “nguyên tắc 5K”, giữ khoảng cách an toàn, thường xuyên sát khuẩn tay… Khi kết thúc nhiệm vụ vận chuyển hoặc kết thúc ca làm việc, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch.

Số ca mắc mới giảm mạnh

Tính từ 17 giờ ngày 27/9 đến 17 giờ ngày 28/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.589 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 4.583 ca ghi nhận trong nước (giảm 4.759 ca so với ngày trước đó) tại 34 tỉnh/TP (có 717 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh/TP ghi nhận ca bệnh như sau: Bình Dương (2.575), Đồng Nai (787), TP Hồ Chí Minh (377), An Giang (232), Long An (159), Kiên Giang (70), Tây Ninh (55), Cần Thơ (52), Bình Thuận (48), Tiền Giang (38), Khánh Hòa (35), Ninh Thuận (16), Bình Phước (15), Quảng Bình (15), Đắk Lắk (14), Hậu Giang (11), Hà Nam (11), Cà Mau (10), Vĩnh Long (8 ), Trà Vinh (7), Đồng Tháp (7), Hà Nội (6), Đắk Nông (5), Bình Định (5), Quảng Ngãi (5), Quảng Trị (4), Phú Yên (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Quảng Ninh (2), Bến Tre (2), Quảng Nam (2), Đà Nẵng (2), Bắc Giang (1), Bạc Liêu (1).

Ngoài ra, trong 24 giờ qua, TP Hồ Chí Minh thực hiện xét nghiệm tầm soát cộng đồng bằng kỹ thuật test nhanh kháng nguyên tại vùng nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, kết quả ghi nhận 3.417 trường hợp dương tính với test kháng nguyên nhanh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-1.218), Long An (-31), Tây Ninh (-25). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (171), An Giang (101), Bình Thuận (16). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 9.020 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 770.640 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.830 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 766.110 ca, trong đó có 554.762 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 21.487. Tổng số ca được điều trị khỏi là 559.941. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.358 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 5.001 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 1.252 ca; thở máy không xâm lấn là 202 ca; thở máy xâm lấn là 875 ca…

 

Nga sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V cho Việt Nam

Tại buổi làm việc với Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga mới đây, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao việc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga đã phê duyệt và chuyển sinh phẩm để sản xuất vaccine  Sputnik V tại Việt Nam; đề nghị tiếp tục ưu tiên cung cấp vaccine cho Việt Nam sớm nhất có thể theo tiến độ đã được thống nhất.

Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev cam kết đẩy nhanh bàn giao vaccine Sputnik V và sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V cho Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của Việt Nam, tiến tới cung cấp cho các nước khác trong khu vực. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về việc hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga, bao gồm việc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga tham gia xúc tiến, hỗ trợ đầu tư trực tiếp giữa hai nước, cũng như với các nước thứ ba.