Làm chủ công nghệ doanh nghiệp sẽ thắng trong “cuộc chơi” IoT
13:45 | 12/04/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Internet vạn vật (IoT) chính là nền tảng của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và IoT khiến các doanh nghiệp có cơ hội tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng suất làm việc và từ đó tăng doanh thu, lợi nhuận.
Tuy nhiên, để có thể ứng dụng IoT vào thực tiễn hoạt động của DN vẫn là câu hỏi đặt ra đối với các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau và chính mỗi DN hiện nay.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Thưa ông, IoT đang hiện diện khắp nơi trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Ông có thể phân tích những thuận lợi của IoT dành cho phát triển kinh tế nói chung và doanh nghiêp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng không?
Ông Đào Ngọc Chiến: Công nghệ IoT là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), hứa hẹn đem lại rất nhiều ứng dụng trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội. Bản chất của IoT là kết nối vạn vật vào hệ thống Internet, vì vậy hạ tầng Internet là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với công nghệ này. Tùy vào những ứng dụng khác nhau đòi hỏi hạ tầng có dung lượng, tốc độ truyền dẫn khác nhau.
Đối với các DNNVV có nhiều cơ hội phát triển bởi hiện nay hệ thống mạng thông tin di dộng 4G có tốc độ tương đối cao. Trong thời gian tới, theo định hướng phát triển của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam sẽ nhanh chóng tiến đến công nghệ 5G. Với nền tảng công nghệ 5G việc phát triển IoT sẽ có nhiều thuận lợi hơn nữa nhờ tính năng tốc độ cao cũng như đa dạng các dịch vụ liên quan.
Mới đây, tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ KH&CN cùng với Đại sứ quán Thụy Điển đã khai trương Trung tâm đổi mới sáng tạo (R&D) về IoT, từ đó cung cấp hạ tầng, môi trường cho tất cả DNNVV có thể đến triển khai và được hỗ trợ trên nền tảng của công ty Ericsson (Thụy Điển). Từ đó, có thể thấy hiện nay đối với DNNVV thuận lợi nhiều hơn khó khăn.
Chia sẻ với một số DN làm về lĩnh vực công nghệ, có nhiều ý kiến cho rằng một trong những khó khăn khiến họ khó tiếp cận được IoT là vấn đề về đầu tư và tính bảo mật. Vậy ông có quan điểm như thế nào về những điều này?
Thời gian gần đây, dữ liệu thu thập được gặp rất nhiều thách thức về bảo mật. Do đó, về phía cơ quan quản lý đã ban hành rất nhiều cơ chế chính sách, quy định. Đồng thời phía DN cũng phát triển nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an ninh thông tin.
Tuy nhiên, DN hiện nay chưa thực sự làm chủ phần cứng của hệ thống thiết bị, mà chủ yếu phát triển phần mềm ứng dụng. Vì vậy, những yếu tố như vấn đề cửa hậu, rò rỉ dữ liệu hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, tôi khuyến cáo các DN khi phát triển các ứng dụng IoT cần lưu tâm đến việc xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn luồng dữ liệu, đảm bảo an ninh an toàn cho cơ sở dữ liệu thu thập được, từ đó tạo niềm tin cho người sử dụng và phát triển rộng rãi hơn.
Khó khăn là như vậy thì về phía Bộ KH&CN đã và đang có kế hoạch, lộ trình như thế nào trong việc hỗ trợ DNNVV tiếp cận hiệu quả trong ứng dụng IoT?
Bộ KH&CN là đơn vị được Thủ tướng giao chủ trì dự thảo phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16. Ngay sau đó, có rất nhiều bộ, ngành có các chương trình, kế hoạch khác nhau nhằm phát triển, một mặt nâng cao năng lực tiếp cận, hai là phát triển công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN lần thứ 4. Trong đó, Bộ KH&CN có rất nhiều hoạt động. Hiện Bộ đang triển khai Đề án 844, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ phát triển DN đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, theo Nghị quyết 01, 02 đầu năm 2019 của Chính phủ, Bộ đã triển khai Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước về ứng dụng, phát triển công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0.
Chương trình này tập trung hỗ trợ các DN thực hiện chuyển đổi số, hỗ trợ DN ứng dụng các công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0, đưa ứng dụng vào mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Đây chính là cơ hội cho DN, đặc biệt DNNVV có thể đăng kí tham gia chương trình.
Sau đợt kêu gọi đề xuất mới đây, tính đến 03/2019, đã có khoảng 200 đề xuất từ các DN, bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ KH&CN. Hiện nay, Bộ đang tiếp tục rà soát, xem xét hỗ trợ DN thực hiện các đề tài, dự án cho chương trình.
Theo như ông chia sẻ thì Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều hỗ trợ cho DN trong phát triển công nghệ. Vậy ông có nhận xét như thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp cho các DN đổi mới sáng tạo hiện nay?
Thời điểm hiện nay, hệ sinh thái cho khởi nghiệp, phát triển DN đổi mới sáng tạo rất thuận lợi. Có thể thấy rằng tại các thành phố lớn đều có nhiều cơ sở như Co-Working Space, tạo ra không gian làm việc sáng tạo. Qua đó các bạn sinh viên thậm chí là học sinh và các chuyên gia có môi trường để chia sẻ, cùng làm việc, trao đổi để sáng tạo ra những ứng dụng mới, sản phẩm mới.
Trong xu thế đó, Bộ KH&CN tiếp tục nỗ lực thực hiện Đề án 844, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp DN đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Bộ cũng hỗ trợ xây dựng các trung tâm mới và những trung tâm đã hình thành để làm giàu hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Thưa ông, hiện vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV trong việc tiếp cận IoT hết sức quan trọng. Vậy ông sẽ dành lời khuyên như thế nào cho các DN?
Trong bối cảnh cạnh tranh của kinh tế toàn cầu hiện nay, yếu tố khác biệt của DN phải được thể hiện, muốn khác biệt thì DN phải làm chủ công nghệ, phải có những sáng tạo trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ, tạo ra sự “đặc biệt” trong ứng dụng của mình. Vì vậy, để đạt được những sự “đặc biệt” đó thì việc phát triển ứng dụng KHCN là yếu tố then chốt.
Do vậy, các DN phải đầu tư mạnh hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu phát triển để có được những sản phẩm đặc sắc, mang bản chất khác biệt, tạo ra tính cạnh tranh tốt hơn.