Làm gì khi chuyển giao công nghệ tới DN mới chỉ dưới 1%?
Phát biểu tại Diễn đàn “Mô hình liên kết nhằm thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học và công nghệ”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn bị đánh giá là lạc hậu.
Kết quả khảo sát của VCCI năm 2016 tại 10 ngành, trong đó có 7 ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy, có đến gần 60% doanh nghiệp đang sử dụng các công nghệ có tuổi đời trên 6 năm.
Các công nghệ của các doanh nghiệp đến chủ yếu từ các nước đang phát triển (chiếm khoảng 65%), trong đó có tới 26,6% công nghệ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Tỉ lệ các công nghệ có xuất xứ từ các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay EU chỉ chiếm khoảng 32%, trong đó có trên 18% là công nghệ trước năm 2005.
Hiện nay thị trường khoa học công nghệ ở Việt Nam chưa thực sự phát triển để giúp các doanh nghiệp có thể tìm kiếm và mua các công nghệ hay bí quyết mà họ cần.
“Để đổi mới quy trình, chủ yếu các doanh nghiệp thực hiện thông qua phương thức đầu tư vào công nghệ mới hay nâng cấp, chỉnh sửa công nghệ hiện tại, trong khi các hoạt động chuyển giao từ các tổ chức KH&CN đến doanh nghiệp lại rất thấp, dưới 1%”, ông Lộc nhấn mạnh.
Khoa học công nghệ rất cần đối tác công-tư để doanh nghiệp phát triển
Theo Chủ tịch VCCI, đối tác công-tư trong phát triển công nghệ tại các ngành kinh tế của Việt Nam là hướng đi quan trọng. Ông mong muốn VCCI cùng phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng công thức đối tác công-tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
“VCCI nhận thấy trong thời gian tới, để đưa sản phẩm khoa học công nghệ gắn trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ cần có một mô hình chuỗi liên kết cụ thể, đi vào chiều sâu, phát huy tối đa vai trò của các nhân tố trong thị trường khoa học công nghệ như các tổ chức viện, trường, tổ chức trung gian, doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp. VCCI mong muốn sẽ thành lập được một hiệp hội tập hợp các doanh nghiệp KHCN, các tổ chức trung gian giúp phát triển thị trường khoa học công nghệ”, ông Lộc nói.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước về vấn đề liên kết nhằm thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Theo đó, vấn đề liên kết chuyển giao giữa viện, trường, các nhà khoa học với các doanh nghiệp đã được các nước phát triển rất quan tâm và có nhiều mô hình mà Việt Nam có thể học hỏi. Ngay tại khu vực ASEAN, Maylaisia là một nước có nhiều chính sách và mô hình liên kết để phát triển KHCN cho các doanh nghiệp.
Để thúc đẩy thị trường KHCN, Malaysia đã có hẳn một chương trình chuyển giao tri thức (Knowledge Transfer Program – KTP), với mô hình có sự tham gia của 3 tác nhân chính là: doanh nghiệp, các viện trường và các tổ chức trung gian, trong đó coi doanh nghiệp là trọng tâm.
Malaysia cũng thành lập nhiều trường đại học như đại học DRB-HICOM University of Automotives Malaysia, có sự tham gia của doanh nghiệp để phục vụ các ngành công nghiệp lớn.
Malaysia không chỉ quan tâm đến chuyển giao kết quả nghiên cứu từ các viện/trường trong nước cho doanh nghiệp mà còn đang phát triển dự án nghiên cứu để chuyển giao kết quả nghiên cứu từ viện, trường thuộc khu vực ASEAN tới các doanh nghiệp trong ASEAN.
Tại Việt Nam, thông qua chương trình hợp tác với Bộ KH&CN, từ năm 2007 tới nay, VCCI đã tổ chức hơn 60 chương trình hội thảo/diễn đàn nhằm phổ biến thông tin công nghệ, kết nối nhu cầu công nghệ cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực.
VCCI đã giới thiệu, kết nối và chuyển giao công nghệ từ các Viện nghiên cứu/trường Đại học trong nước như Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội... đến công nghệ của các tập đoàn đa quốc gia cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Các mô hình điển hình của liên kết trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ tại Việt Nam được chia sẻ tại Diễn đàn cũng đã tạo được ấn tượng không nhỏ cho khách mời tham dự.
Đó là: Mô hình ươm tạo công nghệ và chuyển giao công nghệ của BK-Holdings; Mô hình gắn kết giữa các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn ngành dệt may và Đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội; Mô hình công ty công nghệ Cổ phần Hanel tiên phong trong ngành điện tử - tin học và Mô hình Viện Nghiên cứu Tập đoàn Kangaroo.
Với sự thúc đẩy từ nhiều phía, hy vọng các sàn giao dịch công nghệ sẽ hoạt động hiệu quả hơn, khẳng định đúng vai trò đầu mối trong việc thu hút, tập hợp công nghệ trong nước và quốc tế thời gian tới.