Lạm phát và chênh lệch tỷ giá sẽ làm chậm tốc độ xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản
Hưởng lợi từ CPTPP và giá trị xuất khẩu cá ngừ tăng mạnh sau từng năm
So với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, các cam kết của Nhật Bản với thủy sản Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có độ mở lớn hơn hẳn, là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Trong số các cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của Nhật Bản, mặt hàng thuỷ sản là một trong số những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam (cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ...) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Toàn bộ các dòng hàng thủy sản không được cam kết xóa bỏ thuế trong Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong Hiệp định CPTPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Ngay sau khi ký kết, lượng thuỷ sản xuất khẩu sang Nhật Bản đã tăng mạnh sau từng năm. Theo báo cáo mới nhất từ Vasep, trong tháng 9, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt trên 3,7 triệu USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2021. Con số tăng trưởng này đã phản ánh xu hướng tích cực xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vì không chỉ cao hơn so với cùng kỳ, con số này còn cao gần gấp đôi so với cùng kỳ 2019.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản đạt 31 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021, cao gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam) cho biết, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm thịt (phần thịt thăn dọc sống lưng của cá ngừ) cá ngừ đông lạnh mã HS 0304 sang Nhật Bản.
Tiếp đến là nhóm các sản phẩm cá ngừ chế biến khác, gồm loin cá ngừ vằn/cá ngừ vây vàng hấp đông lạnh, thịt vụn cá ngừ vằn hấp đông lạnh… So với cùng kỳ, xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản đều tăng trừ cá ngừ đóng hộp.
Theo bà Hà, hiện có 32 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản. Trong đó, Mariso Viet Nam, Evertrust Foods Co., Ltd và FoodTech là 3 công ty xuất khẩu nhiều nhất cá ngừ sang thị trường này trong 9 tháng đầu năm 2022.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản giảm liên tục trong 7 tháng đầu năm 2022. Hiện tỷ lệ lạm phát tại Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong 8 năm qua. Và điều này đang tác động mạnh tới các hộ gia đình ở nước này.
“Những tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản sẽ chỉ tăng nhẹ về lượng. Nhu cầu tiêu dùng những mặt hàng cá ngừ có giá cao vào dịp lễ cuối năm nay có khả năng giảm so với những năm trước do lạm phát cao và đồng Yên mất giá khiến hàng hóa nhập khẩu bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn. Do đó, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong quý cuối năm, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại”, bà Nguyễn Hà dự báo.