Ưu đãi thuế quan từ EVFTA mở cánh cửa mới cho ngành chế biến cá ngừ

09:38 | 19/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ưu đãi thuế quan từ EVFTA đang mở cánh cửa mới cho ngành chế biến cá ngừ, trị giá xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 11 đạt hơn 72 triệu USD, tổng xuất khẩu cá ngừ 11 tháng năm 2020 là gần 600 triệu USD.
Dịch bệnh COVID-19 đã gây ra không ít khó khăn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Các thị trường quốc tế đều rơi vào tình trạng ngừng giao thương để ứng phó dịch bệnh, thậm chí có nơi hạn chế tụ tập đông người, làm cho các hoạt động ẩm thực, thương mại nhà hàng đình trệ, sức tiêu thụ thực phẩm thủy sản cũng chững lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn trên để đưa mặt hàng cá ngừ ra thị trường thế giới.
 
Sản phẩm cá ngừ chế biến của Việt Nam như: phi lê cá ngừ, loin cá ngừ (phần thịt ngon nhất ngay sống lưng), cá ngừ hấp đông lạnh, cá ngừ đóng hộp,... hiện đã có mặt ở hơn 200 thị trường trên thế giới.
 
 
Ưu đãi thuế quan từ EVFTA mở cánh cửa mới cho ngành chế biến cá ngừ - ảnh 1
Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam nỗ lực đưa mặt hàng cá ngừ ra thị trường thế giới
 
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 11 đạt hơn 72 triệu USD, tổng xuất khẩu cá ngừ trong 11 tháng năm 2020 là gần 600 triệu USD. Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam với hơn 260 triệu USD. Tiếp đó là thị trường châu Âu với hơn 126 triệu USD. Thị trường Nhật Bản và Đông Nam Á đạt hơn 68 triệu USD.
 
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đang tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp. Đối mặt với các biện pháp ứng phó dịch bệnh COVID-19, nhiều quốc gia hầu như đóng cửa giao thương thương mại, bao gồm cả nông sản và thực phẩm. Thế nhưng, ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã cố gắng để việc xuất khẩu sản phẩm cá ngừ không bị ách tắc.
 
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, EVFTA tiếp tục tác động tích cực tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Các ưu đãi thuế quan mà hiệp định này mang lại đã tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam, nhờ đó xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục tăng trưởng tốt.
 
Tính tổng 11 tháng của năm 2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt hơn 126 triệu USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chính trong khối EU là Italy, Đức và Tây Ban Nha đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2019 lần lượt là 60%, 20% và 41%.
 
Dự báo, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU trong tháng còn lại năm 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt vì các nhà nhập khẩu đang muốn đi trước đón đầu chuẩn bị cho các lô hàng nhập khẩu vào đầu năm 2021 để được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan theo Hiệp định định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Sự tăng trưởng này được xem như thay thế cho một số thị trường bị ách tắc do dịch COVID-19.
 
Có thể thấy EVFTA có hiệu lực đã mang đến triển vọng cho xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường châu Âu những tháng cuối năm. Đồng thời, đây là bước tạo đà vững chắc cho xuất khẩu thủy sản trong tương lai, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét tại “Hội nghị thúc đẩy sản xuất cá ngừ theo chuỗi, chống khai thác IUU” tổ chức tại tỉnh Khánh Hoà hồi tháng 10/2020.
 
Theo ông Nguyễn Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa), là doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm từ thủy sản, đặc biệt là cá ngừ đại dương, Hải Vương tận dụng cơ hội mở ra từ EVFTA, công ty đã tiên phong đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, xuất khẩu cá ngừ đạt chuẩn sang thị trường châu Âu.
 
EVFTA là lợi thế cực lớn và cũng là thách thức cho ngành thủy sản của Việt Nam. Lợi thế thì ai cũng thấy, nhưng thách thức chính là chúng ta phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của thị trường châu Âu.
 
 
Ưu đãi thuế quan từ EVFTA mở cánh cửa mới cho ngành chế biến cá ngừ - ảnh 2
 EVFTA được thông qua, thuế suất dần trở về 0% là một lợi thế để các doanh nghiệp và ngư dân 
 
Phát biểu tại Hội nghị "Thúc đẩy sản xuất cá ngừ theo chuỗi, chống khai thác IUU và xuất khẩu cá ngừ vào thị trường châu Âu theo EVFTA”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để đảm bảo tính bền vững, các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn ngư dân, doanh nghiệp khai thác theo các cam kết quốc tế và chống khai thác IUU. Đồng thời phải đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với khẩu vị, nhu cầu của thị trường châu Âu, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng xuất khẩu sang EU.
 
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho rằng, khi Hiệp định EVFTA được thông qua, thuế suất dần trở về 0% là một lợi thế để các doanh nghiệp và ngư dân tự hoàn thiện mình thông qua việc đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất và phương pháp đánh bắt đúng quy định. Qua đó nhằm đáp ứng các yêu cầu, từng bước tháo gỡ thẻ vàng IUU, giúp ngành thủy sản trong nước phát triển hơn nữa.
 
Minh Hoa