Lần đầu hé lộ cấu trúc sở hữu MoMo: Hơn 70% cổ phần thuộc nhà đầu tư nước ngoài?

Đức Huy 15:55 | 14/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thông tin từ hồ sơ pháp lý cho thấy phần lớn cổ phần của kỳ lân fintech MoMo hiện do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, trong bối cảnh công ty vừa bước sang năm đầu tiên có lãi và đang được đồn đoán có thể tiến tới IPO.

MoMo lần đầu báo lãi cả năm, vượt nhiều đối thủ công nghệ khu vực, tờ DealStreetAsia đưa tin.

Kỳ lân công nghệ tài chính MoMo đã ghi nhận lợi nhuận ròng trong cả năm 2024. Đây là lần đầu tiên công ty báo lãi sau nhiều năm hoạt động. Thành tích này được đạt được trong bối cảnh nhiều công ty công nghệ lớn ở Đông Nam Á vẫn đang nỗ lực thoát lỗ.

Theo hồ sơ gửi cơ quan quản lý, MoMo đạt lợi nhuận ròng 347,5 tỷ đồng (tương đương 13,4 triệu USD) trong năm 2024. Năm trước, công ty lỗ khoảng 9,9 triệu USD.

Doanh thu của MoMo trong năm qua tăng 27%, đạt hơn 3.300 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán giảm 8%, còn 386,1 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 34,2%, còn 8,1 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và quản lý lần lượt tăng lên 1.990 tỷ đồng và 834 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của MoMo đạt 238,6 triệu USD.

MoMo từ chối bình luận khi được DealStreetAsia liên hệ.

 

Việc đạt lãi đúng lúc cho thấy sự chuyển hướng rõ rệt của công ty, trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến hiệu quả vận hành và dòng tiền thay vì tốc độ tăng trưởng nhanh. Với lợi nhuận ròng đạt 13,4 triệu USD, MoMo trở thành một trong số ít kỳ lân công nghệ ở Đông Nam Á báo lãi cả năm.

Khởi đầu là một ví điện tử, MoMo hiện định vị mình như một “trợ lý tài chính ứng dụng AI”. Công ty cung cấp các dịch vụ đầu tư, bảo hiểm và quản lý tài chính cho hơn 30 triệu người dùng.

Từ năm 2023, MoMo bắt đầu phát triển các công cụ tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu là mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sự chuyển đổi này diễn ra trong bối cảnh thị trường thanh toán Việt Nam có nhiều thay đổi. Nền tảng mã QR do Napas phát triển đang làm thay đổi cách người dùng thanh toán. Grab đã rút khỏi lĩnh vực ví điện tử. ZaloPay chuyển sang mô hình thanh toán mở. Các công ty trong nước đang phải thích nghi với môi trường cạnh tranh mới và những thay đổi trong chính sách quản lý.

Việt Nam đang hướng đến nhiều mục tiêu lớn trong quá trình chuyển đổi số. Chính phủ đặt tham vọng đưa đất nước trở thành một trong ba trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu Đông Nam Á vào năm 2030. Dự kiến, lĩnh vực này có thể đóng góp hơn 120 tỷ USD vào nền kinh tế vào năm 2040.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hướng đến mục tiêu đạt 80% giao dịch không dùng tiền mặt vào cuối thập kỷ.

Warburg Pincus là cổ đông lớn tại MoMo. (Ảnh: MoMo cung cấp).

MoMo trở thành kỳ lân vào cuối năm 2021 sau khi gọi vốn thành công 200 triệu USD ở vòng Series E do ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) dẫn dắt. Công ty được định giá hơn 2 tỷ USD tại thời điểm đó. Sau ba năm, MoMo đã bắt đầu có lãi.

Tập đoàn đầu tư toàn cầu Warburg Pincus là cổ đông lớn tại cả MoMo và Mynt - đơn vị vận hành GCash. Theo nguồn tin, tập đoàn này đã thuê ngân hàng để chuẩn bị cho đợt IPO trị giá 1,5 tỷ USD của Mynt. Một kế hoạch tương tự có thể đang được tính đến với MoMo.

Tuy nhiên, khả năng đưa MoMo lên sàn vẫn còn nhiều trở ngại. Tại Việt Nam, lĩnh vực dịch vụ tài chính được xem là nhạy cảm, khiến việc niêm yết tại nước ngoài gặp khó. Trong khi đó, để được niêm yết trong nước, doanh nghiệp cần có ba năm liên tiếp có lãi. Hiện tại, MoMo mới chỉ hoàn thành được một năm.

Theo một báo cáo được DealStreetAsia dẫn chứng cho thấy các cổ đông nước ngoài đang nắm giữ 71,2% cổ phần của MoMo. Tuy nhiên, các cập nhật gần đây cho thấy tỷ lệ này có thể đã giảm nhẹ so với thời điểm công bố gần nhất. Warburg Pincus từ chối đưa ra bình luận.

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư tại Đông Nam Á tiếp tục suy giảm, việc MoMo đạt lợi nhuận không chỉ là bước tiến riêng của công ty, mà còn là tín hiệu tích cực hiếm hoi cho thị trường khởi nghiệp khu vực.

Việc được gọi là kỳ lân không còn là bảo chứng cho thành công. Giới đầu tư hiện quan tâm đến một nhóm mới: “earnicorns” – thuật ngữ do tác giả Nath Dhruv đưa ra trong cuốn The Earnicorns. Đây là những startup hiếm hoi vừa đạt mức định giá tỷ đô, vừa có khả năng tạo ra lợi nhuận ổn định.

Trường hợp của MoMo nổi bật giữa nhiều doanh nghiệp công nghệ vẫn đang thua lỗ. Tiki, một trong những ứng viên kỳ lân hàng đầu tại Việt Nam, báo lỗ 82,85 triệu USD trong năm 2023, dù đã cắt giảm chi phí gần 30% so với năm trước. Trong quý I/2025, thị phần của Tiki nhỏ đến mức không còn xuất hiện trong các bảng xếp hạng thương mại điện tử lớn.

MoMo cho thấy sự khác biệt rõ rệt của các kỳ lân có lãi: sở hữu tệp người dùng lớn và trung thành, kiểm soát chi phí tốt, và liên tục điều chỉnh mô hình kinh doanh theo nhu cầu thị trường và quy định pháp lý.

Cột mốc tài chính này xuất hiện đúng lúc hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang cần một cú hích. Báo cáo DATA VANTAGE của DealStreetAsia cho thấy hoạt động gọi vốn tại Việt Nam trong quý I/2025 có dấu hiệu phục hồi, chủ yếu đến từ các vòng gọi vốn giai đoạn muộn.

Dù vậy, thị trường vẫn thiếu các thương vụ thoái vốn. Lợi nhuận là điều kiện tiên quyết để thu hút thêm vốn cho chu kỳ tăng trưởng tiếp theo. Nếu MoMo duy trì được đà này, công ty sẽ không chỉ là điểm sáng trong nước, mà còn trở thành ví dụ đáng chú ý cho thế hệ startup công nghệ tiếp theo của Đông Nam Á.