Lần đầu tiên GRDP Nam Định đạt mức tăng trưởng hai con số
Tại buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định tổ chức sáng 19/1, ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo khái quát kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nổi bật của tỉnh trong năm 2023.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Nam Định, thực hiện nhiệm vụ năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng gặp nhiều khó khăn… Ban chấp hành, Thường trực Tỉnh ủy đã chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, quyết làm, cá thể hóa trách nhiệm từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Năm 2023 là được xem là năm thành công, tạo dấu ấn đậm nét và ấn tượng, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tại hội nghị, đánh giá về những kết quả đạt được, đồng chí Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định nhấn mạnh: Năm 2023, Ban Chấp hành tỉnh Nam Định xác định là năm bản lề để phát triển kinh tế. Trong đó, Nam Định đã tập trung thu hút đầu tư, nhất là về cơ sở hạ tầng nhằm rút ngắn khoảng cách từ Nam Định đến với các trung tâm kinh tế. Chính từ đẩy mạnh phát triển hạ tầng nên các nhà đầu tư nước ngoài đã về với Nam Định ngày càng nhiều…
Trong thu hút đầu tư, Nam Định cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính với phương châm không dàn trải, thu hút theo thị trường với các loại hình doanh nghiệp công nghệ cao. Nam Định cũng tìm ra cách đi riêng, đi sau nhưng phải đi nhanh bằng việc phát triển chuyển đổi số. Điều này được thể hiện bằng việc Nam Định đứng thứ 10 cả nước về chuyển đổi số.
Về phát triển kinh tế, trong năm 2023, Nam Định đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, các chỉ tiêu cơ bản phát triển kinh tế, xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó: Tổng sản phẩm GRDP tăng 10,19% (cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 6 cả nước). Chỉ số sản xuất công nghiệp tang 14,58%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 17%; tổng thu ngân sách đạt 10.400 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XX đề ra.
Trong năm 2023, Nam Định đã khởi công và triển khai xây dựng Khu công nghiệp Mỹ Thuận, nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nghĩa Hưng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, cụm công nghiệp Yên Bằng…
Cùng với đó, các ngành sản xuất thương mại, dịch vụ phát triển toàn diện, đáp ứng tốt các nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Trong 3 năm 2021 – 2023, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bản lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 181.828 tỷ đồng, tăng bình quân 13,4%. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng bình quân 12,8%...
Về thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm 2023, Nam Định đã thu hút được nhiều dự án trọng điểm như: 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện với tổng mức đầu tư là 98.000 tỷ đồng, dự án của Tập đoàn Quanta với tổng mức đầu tư 120 triệu USD, ký kết thỏa thuận phát triển dự án đầu tư với Tập đoàn Sunrise Material…
Từ năm 2021 đến nay, Nam Định đã có 24 dự án được cấp mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn khoảng 100.124 tỷ đồng và gần 46,7 triệu USD đầu tư vào 3 huyện. Đến nay, kinh tế biển đang dần trở thành động lực phát triển của tỉnh. Các địa phương vùng biển luôn đi đầu và đóng góp quan trọng vào thành tích xây dựng nông thôn mới của tỉnh…
Ngoài ra, đến nay tỉnh Nam Định đã có 189/204 xã, thị trấn (chiếm 92,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 329 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng 3 sao trở lên.
Năm 2024 tăng tốc và bứt phá
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2024 Nam Định định hướng với chủ đề "tăng tốc và bứt phá" để hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tổ chức quản lý, thực hiện tốt các loại quy hoạch.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, phấn đấu năm 2024 có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu... Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai; bảo vệ cải thiện môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tập trung công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp. Tích cực hỗ trợ các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, các dự án của các nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng...
Trong năm 2024, Nam Định sẽ tập trung thu hút, phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh. Tiếp tục kêu gọi đầu tư và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư thứ cấp. Theo đó, Nam Định đặt mục tiêu tổng sản phẩm GRDP tăng từ 9,5 đến 10,5%, trong đó cơ cấu lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt 84,5%, chỉ số công nghiệp tăng từ 14,5% trở lên, giá trị xuất khẩu đạt từ 3.300 triệu USD trở lên, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 18% trở lên, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 12.030 tỷ đồng.
Đặc biệt, Nam Định cũng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới, đa dạng hóa các loại hình xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động mời gọi, làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư (nhất là các nhà đầu tư lớn), các cơ quan, hiệp hội trong và ngoài nước để kêu gọi, xúc tiến đầu tư, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, các dự án, lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, khẳng định thành công của nhà đầu tư góp phần vào thành công của tỉnh.
Cùng với đó, Nam Định phấn đấu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đảm bảo an ninh, quốc phòng. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương, an ninh được giữ vững, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hợp tác, phát triển.
Lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh, phát triển kinh tế phải luôn đi đôi với bảo vệ môi trường và tuyệt đối không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, xã hội, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa. Chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người dân.