Lần đầu tiên triển khai mô hình không giấy Hội chợ Du lịch ITE HCMC 2019
Dự lễ khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng các tổ chức xúc tiến du lịch, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội chợ, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ITE HCMC không chỉ là hoạt động quảng bá du lịch mà còn mang lại cơ hội giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Qua 15 năm tổ chức, ITE HCMC đã khẳng định được thương hiệu và là sự kiện du lịch thường niên có uy tín trong khu vực tiểu vùng sông Mekong ở cả thị trường trong và ngoài nước, thu hút hàng trăm đơn vị trưng bày cũng như khách quốc tế.
Bên cạnh đó, ITE HCMC được chứng nhận là sự kiện du lịch quốc gia được tổ chức bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và được sự hỗ trợ của Liên minh Du lịch 5 quốc gia trong khu vực Hạ nguồn sông Mekong là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Hiện nay, ITE HCMC đã trở thành sự kiện chuyên ngành duy nhất tại Việt Nam tập trung cả thị trường trong và ngoài nước, thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị truyền thông quốc tế, hàng trăm đơn vị triển lãm và người mua quốc tế đến từ trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đồng thời, ITE HCMC là sự kiện duy nhất được bảo trợ bởi Bộ Du lịch của 5 quốc gia. ITE HCMC năm 2019 diễn ra từ nay đến hết ngày 7/9 với chủ đề “Cửa ngõ du lịch đến với châu Á,” thu hút cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trưng bày 315 gian hàng (tăng 366% so với năm 2005).
Các đơn vị tham gia Hội chợ năm nay giới thiệu những điểm đến và sản phẩm du lịch của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đặc biệt, tại ITE HCMC 2019 có 45 đơn vị tỉnh, thành phố trong cả nước mang đến nhiều sản phẩm du lịch như sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị/hội thảo, du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa… hướng đến mục tiêu kết nối di sản.
Ở khu vực triển lãm sản phẩm du lịch mới và công nghệ du lịch, Ban tổ chức sẽ hỗ trợ công ty du lịch khởi nghiệp quảng bá, tìm kiếm nhà đầu tư và đối tác mới.
Trong khuôn khổ ITE HCMC 2019, lần đầu tiên Ban tổ chức triển khai mô hình không giấy đối với tất cả hoạt động. Theo đó, việc đăng ký và xác nhận tham dự chuỗi hội thảo của đại biểu và khách mời sẽ được nhận và xem toàn bộ tài liệu liên quan cũng như có thể đặt câu hỏi trực tiếp trên website https://tourismevents.vn/home.
Hội chợ cũng giới thiệu ứng dụng di động chính thức của ITE HCMC 2019, một nền tảng giúp cho khách tham quan truy cập nhanh chóng và dễ dàng để cập nhật thông tin mới nhất về những sự kiện nổi bật.
Có thể khẳng định việc triển khai mô hình không giấy đối với tất cả hoạt động tại ITE HCMC 2019 nằm trong xu hướng tất yếu trong giai đoạn mới gọi là du lịch kết nối, du lịch trực tuyến. Du lịch trực tuyến đang nhanh chóng thay thế nhiều khâu trong du lịch truyền thống hiện nay.
Báo cáo Google và Temasek cũng cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD. Đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du lịch khác trên môi trường trực tuyến ngày càng tăng trưởng nhanh và thuận lợi cho người tiêu dùng.
Hầu hết các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đều phát triển du lịch trực tuyến ở nhiều mức độ khác nhau. Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM), các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agency - OTA) thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com (bao gồm Trivago.com, Hotel.com) đang chiếm tới 80% thị phần ở Việt Nam.
Hầu hết các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã chủ động tham gia vào các đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài như Agoda.com, Booking.com, Expedia.com. Nhiều công ty lữ hành lớn giới thiệu sản phẩm, thông tin cụ thể, giá cả, dịch vụ trên trang web của các thương hiệu quốc tế.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, chủ yếu là vừa và nhỏ có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp nước ngoài.