Lan tỏa công nghệ từ FDI chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước

23:12 | 26/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Thế Phương tại “Hội thảo chuyên đề về thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực đầu tư nước ngoài” diễn ra chiều 25/6, tại Hà Nội.

Lan tỏa công nghệ từ FDI chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa) 
Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thế Phương khẳng định, sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD, trong đó 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Vốn thực hiện luỹ kế ước đạt 180,7 tỷ USD bằng 56% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Đầu tư nước ngoài là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP.  Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách.

Đây cũng là lĩnh vực tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động; nâng cao trình độ công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh. Tính đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Phương cũng thừa nhận chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI còn chậm. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao.

“FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng. Đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng, một số doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và vi phạm các quy định về xử lý môi trường”, ông Phương chia sẻ.

Đồng thời, ông cho rằng, mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Cùng chung nhận định về những hạn chế trên, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bổ sung thêm khía cạnh sự lan tỏa năng suất lao động của FDI đến doanh nghiệp trong nước -  yếu tố bị tác động trực tiếp từ những hạn chế lan tỏa về công nghệ.

Lan tỏa công nghệ từ FDI chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước - ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa)  
Theo đó, nghiên cứu sử dụng số liệu chéo của Tổng cục Thống kê với 9.590 doanh nghiệp trong nước hoạt động trên lĩnh vực dệt may, chế biến thực phẩm, cơ khí, điện tử cho thấy, có tác động lan tỏa năng suất của  FDI đến doanh nghiệp trong nước nhưng chỉ đến khu vực doanh nghiệp tư nhân, trong khi doanh nghiệp nhà nước không nhận được tác động này.

Bà Tuệ Anh cho rằng sự lan tỏa  năng suất cũng rất khác biệt giữa hình thức liên doanh và 100% vốn nước ngoài.

Ở điều kiện bình thường, chỉ tìm được bằng chứng về tác động lan tỏa năng suất của FDI đối với hình thức liên doanh thông qua việc chuyển giao kỹ năng, học hỏi. Còn lại, đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chỉ có doanh nghiệp bán đầu vào cho doanh nghiệp trong nước mới có tác động lan tỏa năng suất. Những doanh nghiệp trong nước bán đầu vào trung gian cho doanh nghiệp FDI cũng không nhận được tác động lan tỏa này.