Làng cổ Đường Lâm hút khách vì áp dụng hướng đi mới trong quảng bá du lịch

Nhật Di 07:36 | 27/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ Festival Phở 2024 được tổ chức tại Nam Định vừa qua cho thấy được nhiều địa phương đang kết hợp tốt giữa giá trị truyền thống với xu thế hiện đại. Làng cổ Đường Lâm cũng đang chuyển mình mạnh mẽ và ngày càng thu hút được khách du lịch.

 Mới đây, Festival Phở 2024 với chủ đề “Con đường phở Việt” diễn ra tại Nam Định đã gây được sự chú ý khi khơi lại thành  giá trị truyền thống vốn tưởng chừng như đã mai một. Từ hiệu ứng Festival Phở, giá trị truyền thống lại được khơi dậy và thu hút được du khách thập phương đến tham gia. Đó cũng chính là giá trị cốt lõi mà các địa phương hướng đến trong phát triển du lịch.

Thời gian qua, rất nhiều địa phương đang làm tốt việc phát triển ngành nghề truyền thống gắn liền với phát triển du lịch, điển hình như Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây – Hà Nội). Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 2006. Từ đó, địa điểm đã trở thành điểm đến thăm quan và khám phá của khách du lịch. 

 Làng cổ Đường Lâm - đổi mới từ giá trị truyền thống 

 Cổng vào Làng cổ Đường Lâm. Ảnh Nhật Di.

 Làng cổ Đường Lâm là một làng cổ lâu đời mang rất nhiều nét văn hóa đặc sắc. Cho tới ngày nay, ngôi làng vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản của một ngôi làng xưa với đình làng, cây đa, bến nước, chùa miếu... Có thể nói, giá trị nghệ thuật ở nơi đây đã khiến cho Đường Lâm đã trở thành một điểm nhấn khi du lịch Hà Nội.

Trong những năm gần đây, số lượng du khách đến thăm Làng cổ Đường Lâm đã tăng đáng kể, đồng nghĩa với sự tăng cường nhu cầu trải nghiệm và khám phá ẩm thực làng cổ. Những ngôi nhà cổ, sân vườn rộng lớn và không gian đẹp đã được rất nhiều hộ gia đình tận dụng để tổ chức các dịch vụ thưởng thức ẩm thực tại chính nhà mình, thu hút lượng khách du lịch đông đảo như gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, ông Hà Hữu Thể, bà Hà Thị Điền, ông Hà Nguyên Huyến...

 Các bạn trẻ thích nghe cụ bà kể về những di tích, địa điểm cổ tại Đường Lâm. Ảnh Nhật Di.

Điển hình như gia đình ông Hà Hữu Thể ở xóm Sui, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, có nghề làm tương nổi tiếng nhiều đời nay. Từ đường làng rẽ vào con ngõ nhỏ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước không gian thuần Việt dường như chỉ còn thấy trên phim ảnh.

  Căn nhà gỗ 7 gian hai dĩ lợp mái ngói rêu phong có niên đại gần 3 thế kỷ này là nơi sinh sống của 13 thế hệ kế tiếp nhau. Không chỉ giữ gìn nguyên vẹn ngôi nhà cổ, ông Thể còn nỗ lực giữ nghề làm tương truyền thống của gia đình.  

 Căn nhà cổ của ông Thể. Ảnh Nhật Di.

 Ông tự hào chia sẻ: “Gia đình tôi mỗi năm sản xuất từ 5.000-7.000 lít tương cung cấp cho các đại lý và du khách. Để có những mẻ tương thơm ngon, trước tiên phải có nguyên liệu chất lượng, sau đó là điều kiện thời tiết thuận lợi và bí quyết được tích lũy qua nhiều đời. Chính kinh nghiệm “cha truyền con nối” này đã giúp chúng tôi giữ gìn và tạo nên thương hiệu tương Mông Phụ nhiều năm qua.” 

 Gia đình ông Thể nổi tiếng không chỉ giữ được nhà cổ mà còn có nghề làm tương truyền thống. Ảnh Nhật Di.

Đến Đường Lâm, du khách không chỉ được khám phá cảnh quan với những mái đình, nhà cổ, di tích. gốc đa, sân đình... mà còn được thưởng thức những đặc sản dân giã, đậm đà hương vị quê hương như: gà Mía, thịt quay đòn, chè lam, kẹo dồi, kẹo lạc, bánh gai…. Đây đều là những món ăn địa phương và trở thành đặc sản mà nơi khác khó sánh được.

  Du khách thăm quan đình cổ Mông Phụ. Ảnh Nhật Di. 

Trước đây, những hộ kinh doanh trong Làng cổ Đường Lâm thường tự phát, bán hàng theo lối cũ, chưa bắt kịp được với xu thế làm cho ngành du lịch của địa phương không có bước đột phá. Nhận thức rõ được những tồn tại này, Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm cùng với người dân địa phương quyết định thay đổi để phát triển Đường Lâm thành địa điểm du lịch mà du khách nào cũng muốn đến. 

 Những clip trải nghiệm thu hút hàng nghìn lượt xem được đăng tải trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Vẫn là những món ăn truyền thống, không gian, cảnh quan cổ Đường Lâm nhưng nay đã được quảng bá theo hình thức mới. Các bạn trẻ am hiểu công nghệ tổ chức xây dựng truyền thông bằng việc quay lại và dựng thành những clip từ cách chế biến món ăn truyền thống, khu vui chơi, không gian khám phá... đăng tải lên mạng xã hội giúp quảng bá ẩm thực và văn hóa của làng cổ Đường Lâm.

Để có được những clip hội tụ đầy đủ bản sắc làng quê, Làng cổ Đường Lâm đã thành lập đội ngũ truyền thông riêng và sẵn sàng hỗ trợ những gia đình có nhà cổ, những người lớn tuổi bằng việc chụp ảnh, ghi hình vào tạo thành clip đặc sắc. Sau đó được đăng tải lên những trang mạng xã hội và trang web của Làng (duonglamvillage.com)...

 Trang web của Làng cổ Đường Lâm. Ảnh chụp màn hình. 

 Từ truyền thông số, công nghệ số tốt, hiện nay Làng cổ Đường Lâm đã trở nên nổi tiếng và được nhiều bạn trẻ chú ý hơn.  Những clip được các bạn trẻ đăng tải thu hút được hàng nghìn lượt người xem và muốn đến Đường Lâm để tận mắt khám phá.  

Ngoài ra, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm thường xuyên phối hợp cùng các tổ chức, các phòng ban chuyên môn của thị xã Sơn Tây tích cực quảng bá sản phẩm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Khách không chỉ đến thưởng thức mà còn muốn tìm hiểu quá trình làm ra sản phẩm, từ việc chọn nguyên liệu, dụng cụ chế biến, đồ gói, pha chế...

 

 Những không gian trải nghiệm mới tại Làng cổ Đường Lâm.

Nhiều tour du lịch được hình thành từ nhu cầu này, khách được tham gia làm bánh kẹo, chế biến món ăn dưới sự hướng dẫn của người dân. Đó là tour du lịch bố trí cho các em học sinh tham gia thu hoạch nông sản, mang về các nhà hàng trong làng để chế biến và thưởng thức. Tour du lịch dành cho khách, nhất là khách quốc tế đi chợ Mía sáng sớm, mua thực phẩm về chế biến món ăn.

 Những clip quay cảnh nấu món ăn đặc trưng tại nhà hàng Bếp Làng. Ảnh Chụp màn hình. 

Trưởng ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, Ban Quản lý khuyến khích các gia đình, cơ sở dịch vụ du lịch xây dựng sản phẩm trải nghiệm, ẩm thực khác nhau, mang đặc trưng của làng cổ để tạo dựng thương hiệu du lịch cho Đường Lâm.

Các sản phẩm ẩm thực không chỉ đảm bảo về an toàn thực phẩm mà phải có chất lượng tốt, hình thức đẹp, mang đậm hương vị truyền thống của làng. Có như vậy, ẩm thực Đường Lâm mới ghi được dấu ấn với du khách, để khách không chỉ đến một lần mà có thể trở lại làng cổ nhiều lần.

 

 Du khách khám phá và thưởng thức đặc sản Đường Lâm. Ảnh Nhật Di.

Chị Nguyễn Thu Trang cùng bạn tự đi xe máy từ quận Cầu Giấy lên thăm quan Đường Lâm chia sẻ:  "Tôi là lần thứ hai đến Đường Lâm. Trước đó tôi cùng với nhóm bạn cũng đi xe máy lên cách đây khoảng 5 năm. Cảnh vật hay phong cảnh nơi đây vẫn vậy. Nhưng hiện tại có nhiều không gian mới mẻ hơn, như nhà hàng, quán cafe, hay các nhà cổ cũng có cách tiếp cận hiện đại khi khách nghé thăm. Tôi thấy Làng cổ Đường Lâm vẫn rất mộc mạc, dễ chịu và có được hồn quê".

Cũng tại Đường Lâm, nhóm học sinh từ Bắc Ninh lên thăm thăm quan. Các bạn trẻ hào hứng chia sẻ đã biết đến Đường Lâm qua các video clip đăng tải trên mạng xã hội rất đẹp nên đã tìm đến để trải nghiệm.

 Không gian mới cho du khách đến Đường Lâm khám phá. Ảnh Nhật Di.

Còn bà Lê Thị Nguyệt (huyện Thanh Trì – TP Hà Nội) chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với không gian này khi dành nhiều giờ trải nghiệm văn hóa cùng người thân. Tôi mong rằng những hoạt động tương tự như thế sẽ tiếp tục được nhân rộng tạo thêm không gian trải nghiệm đa dạng và mới lạ cho du khách, đồng thời mang đến cho người dân địa phương những gợi ý mới về làm du lịch gắn với làng nghề truyền thống".

 Không chỉ thu hút du khách bằng những clip trên mạng xã hội, những người dân Đường Lâm cũng đều chung tay vào làm du lịch. Làng cổ Đường Lâm cũng đã in hình bản đồ số Đường Lâm, với những địa điểm chủ chốt và có cả mã quét QR. Khi cầm trên tay tấm bản đồ, du khách sẽ biết trước được Làng cổ có những gì, cần thăm quan những gì. 

Du khách đến mua vé thăm quan còn được nhân viên thu vé tận tình phát cho mỗi người một tờ bản đồ. Những nhân viên lái xe điện phục vụ du khách cũng là những "hướng dẫn viên bất đắc dĩ" để giúp cho du khách có được cung đường khám phá thú vị. 

 

 Bản đồ số và sự chỉ dẫn nhiệt tình của những người lái xe điện đối với du khách. Ảnh BQL. 

Chị Nguyễn Lan Phương (Nam Từ Liêm) chia sẻ: Tôi cùng cơ quan đến nghỉ ngơi và tổ chức sự kiện ở khách sạn cách Làng cổ Đường Lâm khoảng 2km. Chúng tôi được phía khách sạn tư vấn trọn gói bao gồm cả thăm quan Làng cổ. Cả đoàn khoảng 20 người đi vào Làng cổ khám phá phong cảnh, nhà cổ, đền, đình và dùng bữa tại nhà hàng Bếp Làng. Đến Đường Lâm là một trải nghiệm thú vị, rất gần gũi và nhiều màu sắc. 

 Giếng cổ vẫn được bảo tồn ở Làng cổ Đường Lâm. Ảnh Nhật Di.

 Trưởng ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết thêm: Mỗi năm Làng cổ Đường Lâm đón khoảng 13 - 14 vạn khách (thời điểm trước dịch COVID-19) và có khả năng còn tăng hơn khi du lịch đang phục hồi, người dân làng cổ đang tích cực đa dạng hóa sản phẩm, chất lượng dịch vụ, tăng cường quảng bá hình ảnh. Ẩm thực Đường Lâm cũng đang có nhiều cơ hội để đến gần hơn với du khách, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Ông Thạo nhấn mạnh, lượng khách đến Làng cổ Đường Lâm tăng thì cộng đồng du lịch Làng cổ Đường Lâm sẽ có những phát triển mang tính chất bền vững. Quan điểm của chúng tôi là từ những giá trị bền vững của sản phẩm du lịch đem lại thì người dân sẽ có ý thức và nâng cao hơn nữa cái trách nhiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Làng cổ Đường Lâm. 

 
Theo ông Nguyễn Quang Thạo, Trưởng Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm, nhờ đổi mới theo công nghệ số, truyền thông số, Làng cổ Đường Lâm đã đón khoảng 650.000 lượt khách trong năm 2023. Đây là năm Đường Lâm đón lượng khách du lịch cao nhất từ trước đến nay. Trước thời điểm dịch COVID-19 (2018, 2019) mỗi năm Làng cổ Đường Lâm chỉ có khoảng 50.000 đến 60.000 lượt khách nghé thăm.