Làng nghề “khát” nước bên dòng sông Gianh
Xã Quảng Thanh (Quảng Trạch – Quảng Bình) nằm bên dòng sông Gianh, nhưng hàng chục năm qua, cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều trở ngại do không có nước sạch để sinh hoạt. Khi nguồn nước sạch trở nên khan hiếm với người dân địa phương, thì điều họ mong chờ nhất lúc này chính là những trận mưa kéo dài. Khi trữ lượng nước mưa dùng hết, người dân nơi đây chỉ còn cách đi mua nước sạch để dùng với chi phí không hề nhỏ.
Xã Quảng Thanh hiện có 1.224 hộ, với 4.806 nhân khẩu đang sống trong tình trạng khô khát vì thiếu nước sạch, đặc biệt là thôn Tân An hầu hết người dân thôn này phải mua nước sạch từ nơi khác tới bán. Nguồn nước giếng của các hộ gia đình trong xã đều bị nhiễm mặn và nhiễm phèn, không thể sử dụng được. Chứng kiến cảnh bà con nơi đây chắt chiu từng giọt nước, không dám bỏ phí, hàng tháng phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua nước, trong khi kinh tế gia đình vẫn còn nhiều khó khăn mới thấu hiểu được những vất vả của họ khi luôn phải đối mặt với cơn khát nước sạch triền miên. Điều đặc biệt hơn, Tân An là một làng nghề làm bánh, bún truyền thống có tuổi đời cả trăm năm nay, nên nhu cầu sử dụng nước sạch là rất lớn và rất cần thiết.
Làng nghề truyền thống Tân An (Quảng Thanh) khát nước sinh hoạt hàng chục năm nay
Anh Lê Quang Hòa, ở xóm 4, Tân An than thở, vào mùa khô, nhu cầu sử dụng nước sạch là rất lớn. Cả gia đình tôi gồm 4 người phải tiết kiệm từng giọt nước mưa để sử dụng trong những ngày nắng nóng. “Năm nay nắng mãi, ít mưa nên bể đã khô cạn. Gia đình tôi có làm bánh đa nem nên nhu cầu nước sạch rất lớn, khoảng 5 ngày tôi mua 1 xe nước họ chở từ thôn Pháp Kệ xã Quảng Phương (Quảng Trạch) sang bán với giá 200 ngàn đồng. Như vậy 1 tháng trung bình tôi phải mua hơn 1,2 triệu tiền nước.” – anh Hòa cho biết thêm.
Theo chân anh Hòa, chúng tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Văn sương, xóm 2, thôn Tân An, gia đình ông Sương là hộ làm bánh truyền thống lớn nhất nhì làng này. Nguồn nước phục vụ công việc làm bánh đều phải mua, ông Sương ước tính mỗi tháng gia đình ông phải mua hơn 6 triệu tiền nước để vừa sử dụng vừa sản xuất.
Những hộ làm bánh, bún tại thôn Tân An mỗi ngày tốn gần 200 nghìn đồng mua nước cho sản xuất và sinh hoạt
Trưởng thôn Tân An – Ngô Trọng Bình cho biết: “ Toàn thôn có 374 hộ với 1400 nhân khẩu luôn sống trong tình trạng thiếu nước. Chúng tôi xây bể trữ nước mưa để dùng, nhưng nắng nóng nước dự trữ hết chúng tôi phải mua nước từ nơi khác đến bán. Tôi đã thử nhẩm tính, bình thường 1 tháng người dân thôn tôi phải bỏ ra khoảng hơn 66 triệu đồng để mua nước sinh hoạt, đó là chưa kể những hộ làm bún, bánh vì những hộ này dùng nước sạch nhiều hơn”.
Ông Bình cũng cho biết thêm, mặc dù mua nước 1m3 với giá 40 ngàn đồng nhưng người dân chúng tôi cũng rất băn khoăn vì chất lượng nước chúng tôi mua không biết như thế nào, nhiều khi nước không đạt chuẩn vệ sinh sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đã nhiều lần chúng tôi phản ánh lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa có công trình nước sạch nào về với người dân chúng tôi cả.
Sống chung với tình trạng khát nước sạch triền miên nên người dân Quảng Thanh lúc nào cũng mong cho trời mưa để hứng nước dùng. Ở đây, hầu như nhà nào cũng sắm rất nhiều xô, chậu, xây bể chứa nhỏ đựng nước mưa. Với họ, cơn mưa dường như đã trở thành niềm mong đợi thường trực.
Người dân đang bơm nước từ xe vận chuyển nước sinh hoạt chở đến bán
Hàng chục năm nay, câu chuyện thiếu nước sinh hoạt vẫn cứ âm ỉ, kéo dài tại Quảng Thanh. Chưa hề có giải pháp giúp người dân giải cơn “khát” nước sạch nên nghịch lý vẫn xảy ra, dân “khát” dù ở bên sông. “Mặc dù cách Thị xã Ba Đồn khoảng 4km, đường ống nước sạch từ Rào Nan đưa về phục vụ người dân Thị Xã đi sát qua xã Quảng Thanh nhưng người dân chúng tôi vẫn phải đi mua nước từ nơi khác mang tới bán”. – Ông Bình – trưởng thôn Tân An băn khoăn.
Thiếu nước sạch nên người dân ở đây khổ đủ bề, từ ăn uống, sinh hoạt đến sản xất. Khi có điều kiện để xây dựng ngôi nhà mới, người dân phải mua nước sạch để xây dựng nên rất tốn kém nhiều tiền vì ở thôn nước đã nhiễm mặn, nhiễm phèn khi dùng trong xây dựng nhà sẽ không đảm bảo chất lượng.
Ông Ngô Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh cho biết: "Thực trạng thiếu nước sạch diễn ra từ nhiều năm nay gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền cấp trên, tuy nhiên đến hiện tại vẫn chưa có công trình nước sạch nào. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền tạo điệu kiện xây dựng công trình nước sạch trên địa bàn để cung cấp nước sạch sinh hoạt, ổn định đời sống cho người dân".
Vũ Hoàng - Hoàng Thông
Xem thêm: Quảng Bình: Dân “khát” bên dự án nước sạch 35 tỉ đồng bỏ hoang