Lấy doanh nghiệp làm đầu tàu cho công nghệ cao
Lấy doanh nghiệp làm đầu tàu
An Giang là tỉnh có chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá sớm so với các tỉnh trong vùng. Ngày 27/6/2012, Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Sau hơn 5 năm triển khai, tỉnh đã có nhiều đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao về lúa gạo, thủy sản, cây trồng, cây dược liệu…
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, cho biết hiện nay nông dân vẫn làm nông trên diện tích đất nhỏ lẻ nên khó tiếp cận được với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do vậy, cần có chính sách gom đất lại để thành cánh đồng lớn với sự điều hành sản xuất của doanh nghiệp. UBND tỉnh chọn phương án lấy doanh nghiệp làm đầu tàu để triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vì doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, thị trường, có đội ngũ khoa học. Từ đó sẽ xây dựng nền tảng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thu hút nông dân tham gia như là sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đã định hình rồi, họ tạo ra được thương hiệu và sản phẩm thì lúc đó nông dân trở thành các đầu mối liên kết với doanh nghiệp.
Ông Thư phân tích, muốn triển khai thành công ứng dụng công nghệ cao phải tạo ra được các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh bằng sự khác biệt, khai thác được yếu tố cạnh tranh sẽ tạo ra được sự thành công. Điển hình như sản xuất chuối cấy mô đã triển khai thí điểm thành công ở một số huyện, thị trong tỉnh; sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, áp dụng nông nghiệp ƯDCNC đã tạo ra được giống xoài 3 màu ở huyện Chợ Mới có giá trị cao và lần đầu tiên xuất khẩu hơn 5 tấn xoài này sang Úc.
Mới đây, UBND tỉnh đã làm việc với Tập đoàn TH True Milk giới thiệu một số thông tin cơ bản về cơ hội đầu tư nông nghiệp của tỉnh. Tập đoàn đã quan tâm tới phát triển dự án trồng lúa gạo và chăn nuôi bò sữa tại tỉnh và đề nghị phía An Giang chuẩn bị chọn 60-100 ha đất sạch để làm trang trại bò sữa với quy mô 20.000 con; liên kết với nông dân trồng thức ăn cho gia súc với diện tích khoảng 10.000 ha…
Cánh đồng lớn là một kế hoạch song song với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thời gian qua, sau khi thí điểm thành công mô hình của Tập đoàn Lộc Trời về sản xuất lúa gạo ở xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành), ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai chương trình cánh đồng lớn gắn với hợp tác xã (HTX) kiểu mới. Theo ông Thư, cánh đồng lớn sẽ giúp nhà nông và doanh nghiệp có nhiều cái lợi như không thu hồi đất của dân mà người dân sẽ tham gia cùng sản xuất một ngành hàng và cùng một phương thức sản xuất gắn với doanh nghiệp. Ở đây, doanh nghiệp không thuê, không mua đất của dân mà những hộ dân có đất liền vùng liền thửa sẽ tham gia sản xuất cùng ngành hàng. Khi có cánh đồng lớn và có sự tham gia của doanh nghiệp thì tỉnh sẽ hỗ trợ về vấn đề hạ tầng để đảm bảo điều kiện sản xuất. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ các chi phí ban đầu để tiếp cận thị trường, tiếp cận sản phẩm và trong mùa vụ đầu tiên sẽ hỗ trợ 50% vấn đề về chi phí thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.
Tuy nhiên, cốt lõi của vấn đề là cánh đồng lớn phải có doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian qua, Sở NN&PTNT đã triển khai mô hình cánh đồng lớn kiểu mới gắn với HTX kiểu mới có sự tham gia của doanh nghiệp. Cụ thể như: Tập đoàn Lộc Trời triển khai 5 HTX CĐL kiểu mới, Công CP Vinacam triển khai HTX nông nghiệp Vinacam Tri Tôn (H.Tri Tôn) mở ra hướng đi mới cho xây dựng CĐL bền vững được nhà nông quan tâm. Trong quá trình hoạt động, HTX được Công ty CP Vinacam cung ứng phân bón nhập khẩu chất lượng cao với giá đại lý cho thành viên, đồng thời còn bao tiêu đầu ra với giá ổn định cho HTX...
Theo Thanh niên