Lĩnh vực công nghệ cao - điểm tăng trưởng mới của quan hệ Việt-Nga
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Nga-Việt chiều 22/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Diễn đàn nhằm mục đích thảo luận “tốt hơn, đầy đặn hơn, hiệu quả hơn, kịp thời hơn” vấn đề hợp tác song phương cho xứng với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Thủ tướng thông báo đến toàn thể diễn đàn những thay đổi tích cực về kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua: trong 30 năm Đổi mới từ năm 1986, Việt Nam luôn giữ vững ổn định chính trị xã hội, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm vào khoảng 6,7%, riêng năm 2018 đạt 7,1%.
Kim ngạch thương mại đạt gần 500 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gần 250 tỷ USD, tăng 13,2%, xuất siêu gần 7 tỷ USD, lạm phát dưới 4%, kinh tế vĩ mô ổn định.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại thứ 23 của Liên bang Nga, tuy nhiên đứng đầu trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thứ 56 trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Hiện, Nga có 123 dự án ngoài dầu khí đầu tư vào Việt Nam tổng vốn 1 tỷ USD, trong khi Việt Nam có 20 dự án song tổng vốn đầu tư đạt 3 tỷ USD.
Tuy nhiên kết quả đó theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thủ tướng hy vọng rằng sau khi đã nhất trí gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan đối với nhiều mặt hàng mạnh, triển khai kênh thanh toán song phương bằng đồng nội tệ, hai bên sẽ có thể đạt kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn hoan nghênh và sẵn sàng tạo thuận lợi cho các bạn Nga đến kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu hợp tác hai bên phải đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Liên bang Nga Maxim Akimov khẳng định quan hệ kinh tế-thương mại giữa Liên bang Nga và Việt Nam được xây dựng trên nền tảng vững chắc của truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu đời giữa hai nước.
Hiện, nay Việt Nam đã khẳng định mình là đối tác then chốt của Liên bang Nga tại khu vực Đông Nam Á, chiếm 1/3 nhập khẩu vào Nga từ các nước ASEAN. Hai nước duy trì được một cơ cấu bền vững và lành mạnh của kim ngạch hàng hóa, trong đó chiếm thị phần lớn không chỉ là hàng nông nghiệp truyền thống và khai thác, mà còn cả các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới ký FTA với EAEU với nền kinh tế Nga là đầu tàu và tạo ra xung lực mới mạnh mẽ cho hợp tác giữa hai bên.Mối quan hệ ấy hiện đang có đà tăng trưởng rất tốt đẹp, tăng 16% năm 2018.
Đặc biệt, kênh hợp tác Ủy ban liên chính phủ hợp tác Nga-Việt đã có những thành tích phấn khởi, nơi phía Việt Nam luôn thể hiện cách tiếp cận xây dựng, quan điểm cởi mở và cụ thể ngay cả về những vấn đề gai góc nhất, nhờ đó mà hai bên luôn có thể thảo luận những định hướng triển vọng nhất, tháo gỡ những khó khăn nảy sinh.
Điểm tăng trưởng mới
Phó Thủ tướng M.Akimov cũng nhấn mạnh xu hướng tích cực trong những năm gần đây trong lĩnh vực đầu tư giữa hai nước khi dòng vốn đầu tư được tiến hành ở cả hai chiều thay vì một chiều từ Nga như trước kia.Việt Nam đã trở thành nhà đầu tư đáng nể trên thị trường đầu tư của Liên bang Nga.
Các dự án đầu tư hai bên đã vượt ra ngoài những lĩnh vực truyền thống như dầu, khí, và phát triển sang lĩnh vực kinh tế số, năng lượng tái tạo, giao thông, xây dựng hạ tầng, nông nghiệp.
Trong điều kiện mới hiện nay, Phó Thủ tướng Nga cho rằng điểm tăng trưởng mới cho quan hệ kinh tế thương mại Nga-Việt phải là hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao.
Nga hoan nghênh việc Việt Nam đã khởi động cuộc cách mạng công nghệ mới, và sẵn sàng hỗ trợ, đặc biệt ở ba định hướng: chính phủ số, an ninh mạng và thành phố thông minh.