Lo ngại chính sách thuế quan, một công ty xăng dầu lên kế hoạch giảm 41% lợi nhuận
Lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận thận trọng
Theo tài liệu ĐHĐCĐ 2025, Comeco cho biết, tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục phức tạp do sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là chính sách xuất nhập khẩu của chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump làm tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, làm biến động giá cả và làm gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Trong khi đó, nền kinh tế trong nước mặc dù đã có những phục hồi tích cực nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những thay đổi của chính sách vĩ mô về kinh doanh xăng dầu có thể sẽ làm giảm đi sự linh hoạt, khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu như Comeco. Mặt khác, xe điện phát triển nhanh dẫn đến nhu cầu về nhiên liệu sẽ giảm.
Thêm vào đó, công ty cho rằng việc chậm giải ngân đầu tư công và chậm triển khai các công trình hạ tầng của Thành phố; tình trạng kẹt xe, ngập nước, việc phân luồng giao thông, thi công các công trình hạ tầng (cầu, đường,...); quy định giới hạn thời gian lái xe trong ngày, tuần; các dự án cải tạo nâng đường chống ngập, thoát nước, việc phát triển nhanh xe điện,... sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh.
Mặt khác, Comeco cho rằng việc đầu tư phát triển mạng lưới kinh doanh bán lẻ xăng dầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn do công tác quản lý sử dụng đất đai của Nhà nước ngày càng chặt chẽ, các doanh nghiệp không được phép cho thuê lại đất, cho thuê tài sản trên đất thuê trả tiền hàng năm, hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh thì không đáp ứng được quy định của pháp luật về cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh bán lẻ xăng dầu; chi phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất hiện rất cao, chiết khấu xăng dầu thấp không đủ bù đắp chi phí nên phương án mua, chuyển nhượng quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, việc cho thuê mặt bằng của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn của Nhà nước phải tuân thủ các quy định về đầu giá nên việc thuê mặt bằng gặp khó khăn.
Thêm vào đó, nhiều khoản chi phí tiếp tục tăng cao (tiền thuê đất, tiền điện nước, chi phí bảo hiểm…) tiếp tục tăng. Doanh nghiệp cũng dự kiến đầu tư xe bồn mới thay thế 5 xe hết hạn lưu hành cuối năm 2024. Ngoài ra, các chi phí đầu tư thiết bị, phần mềm xuất hóa đơn, chi phí cải tạo, nâng cấp cơ sở kinh doanh… có thể đẩy chi phí lên cao.
Từ những dự báo trên, doanh nghiệp đã lên kế hoạch kinh doanh đầy thận trọng với doanh thu 3.850 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng, giảm lần lượt 7% và 41% so với cùng kỳ.
Về vấn đề phân phối lợi nhuận, cổ tức 2025 sẽ không thấp hơn 10%. Kế hoạch thù lao, đại hội sẽ bầu thông qua mức bình quân 8 triệu đồng/người/tháng cho các Thành viên HĐQT, và bình quân 5 triệu đồng/người/tháng cho các thành viên BKS.

Chi hơn 21 tỷ tạm ứng cổ tức trước thềm ĐHĐCĐ 2025
Trong một thông báo mới đây, Comeco cho biết đã chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt, ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025.
Theo thông báo, ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức là 17/3. Với hơn 14 triệu cổ phiếu đang lưu hành và tỷ lệ thực hiện 15% (tương đương 1.500 đồng/cổ phiếu), Comeco dự kiến chi hơn 21 tỷ đồng cho đợt tạm ứng cổ tức này. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là ngày 4/4.
Về tình hình kinh doanh, năm 2024, Comeco ghi nhận doanh thu 4.107 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2023. Do giá vốn hàng bán giảm 5,9%, nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp tăng hơn 5,7%, đạt 198,3 tỷ đồng.
Khoản thu từ thu nhập khác trong năm 2024 của Comeco giảm mạnh xuống còn 5,5 triệu đồng (trong khi năm 2023 ghi nhận 14,8 tỷ đồng) khiến lợi nhuận sau thuế năm 2024 của doanh nghiệp chỉ đạt 26,8 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2023.
Năm 2024, Comeco đặt kế hoạch doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 16 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty đã vượt gần 68% mục tiêu lợi nhuận năm.