Loạn website thương mại điện tử: HP phát hiện xóa sổ 95 trang bán hàng·ở Việt Nam
95 trang thương mại điện tử tại Việt Nam vừa bị đóng cửa do buôn bán hàng giả, chỉ tính riêng trong ngành hàng vật tư in ấn của một hãng nước ngoài. Đây là con số đáng báo động cho tình trạng hàng giả ở nước ta.
Công ty HP Inc. của Mỹ vừa công bố kết quả rà soát, thu giữ và tiêu huỷ các sản phẩm làm giả của hãng tại khắp khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc. Trong đó, ở riêng thị trường Việt Nam, trong 8 tháng hãng này phát hiện có 95 trang mua sắm trực tuyến ( thương mại điện tử) buôn bán hàng giả, hàng nhái sản phẩm HP. Toàn bộ những trang web này đều đã bị xóa sổ.
Buôn bán hàng giả qua mạng nói riêng và kinh doanh hàng giả, hàng nhái nói chung vốn là chuyện không mới. Thậm chí nó còn chiếm đến ít nhất 3,3% thương mại thế giới. Năm 2019, ở nước ta cơ quan chức năng đã xử lý hơn 90.000 trường hợp gian lận thương mại, thu được cho ngân sách gần 670 tỷ đồng, tăng khoảng 7.700 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng được làm giả, làm nhái thì đa dạng trải rộng khắp mọi lĩnh vực.
Còn trong 9 tháng đầu năm 2020, trên toàn quốc phát hiện gần 100.000 vụ vi phạm về gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả với tổng số tiền phạt cùng giá trị hàng hóa tịch thu đã lên đến đơn vị nghìn tỷ đồng.
Đây chỉ là thông số các vụ bị phát hiện và xử lý bởi cơ quan chức năng. Thực tế lưu hành hàng giả hàng nhái phải cao hơn nhiều. Chỉ riêng một chương trình Chống hàng giả và Gian lận của một hãng thôi cũng đã phát hiện đến 95 trang khác nhau bán hàng giả là một minh chứng cho điều đó. Lưu ý là chương trình rà soát này chỉ có phạm vi trong mảng sản phẩm in ấn của hãng, chưa hề xử lý đến các mảng nổi tiếng hơn nhiều như laptop.
Hãng HP vừa có hành động quyết liệt hiếm thấy khi thẳng tay xóa sổ mọi trang bán hàng giả thương hiệu của mình
Ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết trong tháng 7, Tổng cục vừa chủ trì bắt kho hàng rộng hơn 10.000m2 tại Lào Cai, thu giữ 160.000 sản phẩm không hóa đơn, chứng từ của một tổ chức chuyên bán hàng qua mạng. Đây là một vụ phát hiện kinh doanh hàng gian lận lớn nhưng cũng không phải là quá hiếm.
Hàng giả xuất hiện ở khắp mọi nơi từ cửa hàng buôn bán truyền thống cho đến chợ online một cách rất ngang nhiên, ai cũng thấy. Thậm chí, tâm lý người tiêu dùng Việt cũng đã có suy nghĩ mặc định đây là chuyện… bình thường. Ban chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia kết luận vấn nạn hàng gian, hàng giả bùng phát khó kiểm soát gần đây có một phần nguyên nhân đến từ sự phát triển của kênh TMĐT. Hàng giả bán online chưa được kiểm soát và là không gian thuận tiện để hàng hóa dễ phát tán, tiêu thụ. Việc ngăn chặn gian lận trên kênh TMĐT hiện nay là rất khó và cơ quan quản lý chưa thể nào giải quyết.
Kho hàng giả khổng lồ 10.000m2 vừa bị phát hiện ở Lào Cai gần đây (Ảnh: Báo Công an)
Không chỉ trên kênh TMĐT, không khó để bắt gặp trên các mạng xã hội như Facebook những bài đăng hay livestream bán sản phẩm toàn thương hiệu nổi tiếng Nike, CK, Puma, Tommy, Adidas... đảm bảo "chính hãng 100%" nhưng giá lại chỉ vài trăm ngàn đồng. Mua sỉ thì còn rẻ hơn với số lượng bao nhiêu cũng có. Khi được hỏi về chứng từ hàng hóa, người bán sẽ có hàng ngàn lý do như: sản phẩm là "hàng tuồn" từ công nhân tại nhà máy sản xuất hàng chính hãng, là hàng chính hãng có lỗi nhỏ,...
Trả lời báo Công an, Luật sư Hoàng Cao Sang - Đoàn Luật sư TPHCM nhận định chế tài xử phạt vi phạm với hành vi kinh doanh hàng giả vẫn còn rất nhẹ, không đủ sức răn đe. Đặc biệt là những hành vi vi phạm có thể gây hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người thì hình phạt hoàn toàn chưa tương xứng. Vì vậy các bộ, ngành chức năng cần kiện toàn văn bản pháp lý, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Với trường hợp nghiêm trọng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Kim Chi