Doanh số TMĐT bùng nổ nhưng phần lớn về túi các nền tảng nước ngoài, sàn nội địa còn bao nhiêu thị phần?
Thương mại điện tử bùng nổ nhưng phần lớn thị phần nằm trong tay doanh nghiệp ngoại
Theo báo cáo tại "Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025" của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong năm 2024, TMĐT đạt tốc độ tăng trưởng gần gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của thương mại truyền thống trên toàn cầu, đóng góp khoảng 20% vào tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán lẻ. Đông Nam Á tiếp tục là khu vực có tốc độ tăng trưởng TMĐT và kinh tế số cao nhất thế giới.
Ở trong nước, TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tỷ trọng về TMĐT chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.
Trong "Báo cáo toàn cảnh Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 & Dự báo 2025" do Metric mới phát hành, tổng doanh số của 5 sàn TMĐT phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo) trong năm 2024 đạt 318,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với năm 2023. Đồng thời, tổng sản lượng tiêu thụ cũng đạt 3,4 triệu sản phẩm, tăng mạnh 50,76%. Những con số cho thấy sức mua của thị trường vẫn duy trì ở mức cao.

Ảnh: Metric.
Về thị phần, Shopee duy trì vị thế ổn định với 64% trong năm 2024, trong khi TikTok Shop mở rộng ảnh hưởng mạnh mẽ, chiếm thị phần mà Lazada đang dần đánh mất. Shopee giữ vị thế cạnh tranh với sự ổn định và duy trì thị phần trên toàn thị trường. Trong khi đó Lazada đang dần mất khả năng cạnh tranh, khi thị phần mất đi bằng thị phần sàn Tiktok Shop tăng thêm. Điều này cho thấy TikTok Shop đang ngày càng củng cố vị thế của mình, mở rộng ảnh hưởng trên thị trường sàn TMĐT.

Ảnh: Metric.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết: “Nhìn vào toàn cảnh, TMĐT nước ngoài đã chiếm trên 95% tổng TMĐT của Việt Nam. Thị trường phần lớn thuộc về các công ty nước ngoài và một số ít còn lại cho các công ty Việt. Điều này dẫn đến việc sản phẩm công nghiệp Việt Nam, từ hàng thủ công mỹ nghệ đến công nghiệp nhẹ, không thể phát triển mạnh. Một số mặt hàng nông sản đặc biệt có thể được giao dịch, nhưng phần còn lại khó có thể cạnh tranh.
Vấn đề không chỉ dừng lại ở TMĐT mà còn ảnh hưởng đến thị trường thực. Thực tế, 60-70% thị phần đã “rơi” vào tay công ty nước ngoài. Các thương hiệu lớn chiếm ưu thế, trong khi các sản phẩm Việt Nam hầu như chỉ có mặt ở những vị trí ít chú ý. Tình hình này đang dần khiến Việt Nam mất đi phần lớn thị trường bán lẻ trong tương lai.
Ngay cả những chợ cóc cũng khó để đứng vững, bởi hàng Trung Quốc đang chiếm ưu thế. Thực tế, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu là hàng Trung Quốc, chỉ có một số nông sản đặc sản còn giữ được vị trí. Điều này là một thách thức rất lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam”.
Tiki và nỗ lực giành thị phần 'miếng bánh chục tỷ USD'
Tiki là sàn TMĐT hiếm hoi của Việt Nam vẫn nằm trong cuộc “đua top” thị phần. Tuy nhiên tình hình kinh doanh của đơn vị này trong một vài năm gần đây đối diện với khá nhiều thách thức. Nhìn lại quá khứ, trước khi Shopee xuất hiện năm 2016, thị trường sàn TMĐT ở Việt Nam chủ yếu là cuộc đối đầu giữa Lazada và Tiki. Bằng cách đổ nhiều tiền vào khuyến mại và miễn phí vận chuyển cho cả bên mua và bên bán, chỉ trong hơn 2 năm, Shopee đã vượt qua Lazada và Tiki để dẫn đầu thị trường.
Theo báo cáo thị trường mua sắm trực tuyến năm 2018 do Công ty Q&Me thực hiện, Shopee đã vươn lên chiếm thị phần 35% Việt Nam, soán ngôi đầu thị trường của Lazada trong năm 2017. Điều này khiến thị phần của Lazada cũng từ mức trên 30% trước đó xuống còn 20% và tiếp theo là Tiki chiếm 17%.
Từ giữa năm 2022, TikTok Shop chính thức vận hành tại Việt Nam và bằng thế mạnh livestream và quảng cáo bằng các video ngắn, họ cũng đã nhanh chóng bứt tốc cạnh tranh với Shopee. Kéo theo đó, Lazada và Tiki ngày càng thụt lùi về thị phần.
Trong năm 2022, Tiki chỉ đạt doanh thu gần 200 triệu USD, nhưng vẫn lỗ hơn 90 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2023, doanh thu của Tiki chỉ đạt 1.600 tỷ đồng, trong khi Shopee đạt 59.000 tỷ đồng, TikTok Shop 16.300 tỷ đồng, và Lazada 15.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm sáng đã xuất hiện khi trong quý III/2024, Tiki có mức tăng trưởng doanh thu tới 38% so với quý liền kề, cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của đơn vị này trong bối cảnh người Việt chi tới chục tỷ USD mua sắm online (theo số liệu của Metric). Dấu ấn này đã tạo ra một bước ngoặt khả quan cho nền tảng nội địa này.
Trong một diễn biến khác, mới đây, VNG đã ghi nhận Tiki Global không còn là công ty liên kết. VNG bắt đầu đặt cược vào Tiki từ rất sớm, khi rót 17 triệu USD (khoảng 380 tỷ đồng) vào sàn TMĐT này năm 2016, sở hữu 38% cổ phần. Sau đó, VNG tiếp tục bơm thêm 120 tỷ đồng vào năm 2018, nhưng vì không tham gia vào các đợt phát hành cổ phần riêng lẻ của Tiki, tỷ lệ sở hữu của VNG liên tục giảm dần.
Đến năm 2021, Tiki thực hiện tái cấu trúc và chuyển phần lớn quyền sở hữu sang Tiki Global, một công ty đăng ký tại Singapore. VNG vẫn nắm cổ phần nhưng không còn quyền chi phối.
Tới 28/10/2024, VNG chính thức miễn nhiệm hai đại diện của mình tại Ban Giám đốc Tiki Global, đánh dấu việc chấm dứt vai trò quản lý của tập đoàn này tại công ty TMĐT mà họ từng đặt nhiều kỳ vọng. Khoản đầu tư của VNG vào Tiki Global cũng được ghi nhận dưới dạng đầu tư tài chính dài hạn, thay vì công ty liên kết.
Về mặt tài chính, VNG đã rót tổng cộng 510 tỷ đồng vào Tiki Global nhưng cuối năm 2024, tập đoàn này đã trích lập dự phòng toàn bộ khoản tiền đó.

Ảnh: Báo cáo tài chính của VNG.
Việc VNG rút khỏi Tiki Global và chấp nhận trích lập dự phòng toàn bộ khoản đầu tư có thể phản ánh sự đánh giá lại chiến lược đầu tư của công ty. Khi thị trường TMĐT ngày càng cạnh tranh khốc liệt, việc tập trung nguồn lực vào các mảng kinh doanh cốt lõi như trò chơi, công nghệ và dịch vụ đám mây có thể là bước đi hợp lý hơn đối với VNG trong tương lai. Tuy nhiên, lời giải cho khó khăn của Tiki vẫn là một ẩn số, khi phải tồn tại và cạnh tranh trong một giai đoạn bùng nổ khuyến mãi, giảm giá.
Sản phẩm xanh sẽ là xu thế trên TMĐT
Theo báo cáo về xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam 2025 của AppotaPay, mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam hiện nay có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử từ 35-45% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.
Đặc biệt, các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop, với TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng 15% thị phần thương mại điện tử trong năm 2024. Khả năng cá nhân hóa trải nghiệm và kết hợp mua sắm với giải trí khiến các nền tảng mua sắm trực tuyến này đang nhanh chóng thu hút đông đảo giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z.
Trong đó, 25% người tiêu dùng mua sắm online để dự trữ hàng hóa, và 21% mua ngay lập tức. Điều này minh chứng TMĐT đang dần thúc đẩy sự phát triển của mô hình mua sắm đa kênh.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm xanh tại Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023 (báo cáo của Bộ Công Thương). Đặc biệt, 72% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng cao của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Báo cáo từ AppotaPay cũng nhấn mạnh rằng, tiêu dùng bền vững không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố bắt buộc để hàng hóa Việt Nam có thể vươn xa trên thị trường quốc tế. Dự báo trong năm 2025, thương mại điện tử sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ và đóng góp vào mục tiêu 20% GDP của kinh tế số.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, cho biết: “Thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số. Mục tiêu doanh thu của thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi, khi mà tốc độ tăng trưởng hiện nay đang rất tích cực”.
Bên cạnh đó, sự chuyển đổi trong hành vi tiêu dùng và tốc độ phát triển của công nghệ vừa là những dấu hiệu tích cực, vừa là thách thức cho ngành TMĐT năm 2025. Để không bị tụt lại phía sau, các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu các xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.