Loạt 'đại gia' bán lẻ tính toán gì cho 2023 sau quý đầu năm thách thức?

Trang Mai 14:21 | 10/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khép năm 2022 với những kết quả kinh doanh ấn tượng, bước sang 2023, ngành bán lẻ điện máy và thiết bị công nghệ đang đứng trước những áp lực đáng kể từ môi trường khó khăn chung của nền kinh tế. Nhiều “ông lớn” trong ngành đã báo cáo lợi nhuận giảm tốc trong quý đầu năm.

Loạt 'đại gia' bán lẻ báo lãi giảm sâu

Nhìn qua kết quả kinh doanh trong quý I của các chuỗi bán lẻ công nghệ lớn nhất trên thị trường như CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG), CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT) và CTCP Thế Giới Số (Digiworld, mã: DGW) có thể thấy một xu hướng chung là lãi giảm so với cùng kỳ. 

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của MWG cho thấy, trong kỳ, doanh thu công ty đạt 27.106 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ. Doanh thu rơi về mức thấp nhất 6 quý và ghi nhận quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm trong bối cảnh các ngành hàng từ điện máy, điện thoại đều ghi nhận sức cầu yếu.

Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 22,3% về còn 19,2%. Lợi nhuận gộp giảm 36% còn 5.214 tỷ đồng. Dù các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã được tiết giảm nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ còn hơn 21 tỷ đồng, giảm 98,5% so với quý I/2022, đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất từ trước tới nay. 

 

Xét về hoạt động kinh doanh theo chuỗi, trong quý I/2023, chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận lỗ thêm 353,7 tỷ đồng, lũy kế lỗ 7.748,7 tỷ đồng; chuỗi cửa hàng ở Campuchia lỗ 89,1 tỷ đồng, lỗ lũy kế 693,8 tỷ đồng; chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ 74,3 tỷ đồng, lũy kế lỗ 392,9 tỷ đồng.

Trong năm 2023, MWG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 135.000 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.200 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện trong năm 2022 (giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý III/2023).

Như vậy, kết thúc quý đầu năm, MWG chỉ mới hoàn thành 20% mục tiêu doanh thu và 0,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong khi đó, FPT Retail báo doanh thu đi ngang so với cùng kỳ, đạt 7.753 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ 2 tỷ đồng, giảm 99% so với quý I/2022. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 165 tỷ đồng. Chuỗi FPT Shop đóng góp 58% doanh thu, Long Châu chiếm phần còn lại. 

 

 

Theo giải trình từ FPT Retail, chuỗi FPT Shop liên tục chịu ảnh hưởng xấu từ áp lực giảm cầu, sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ dẫn đến FRT đã đưa ra nhiều chính sách giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu cho các sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản phẩm Apple. Điều này khiến doanh thu của chuỗi giảm 20%, chỉ đóng góp 58% doanh thu cho công ty mẹ. 

Ngược lại, Long Châu thành “điểm sáng” của FPT Retail. Cụ thể, mảng kinh doanh thuốc ghi nhận doanh thu tăng trưởng 52% so với cùng kỳ quý I/2022, lên 3.284 tỷ đồng, tương đương mức thu hơn 36 tỷ đồng/ngày.

Năm 2023, HĐQT FPT Retail lên kế hoạch doanh thu thuần 34.000 tỷ đồng, tăng gần 13% so với năm ngoái và cao nhất từ khi niêm yết trên sàn, nhưng về lợi nhuận trước thuế giảm 51%, xuống 240 tỷ đồng. Như vậy, sau ba tháng, công ty đã đạt gần 23% chỉ tiêu doanh thu và chưa được 1% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tình hình của Digiworld cũng tương tự với mức suy giảm các chỉ số kinh doanh. Báo cáo tài chính quý I/2023 mà doanh nghiệp mới công bố cho thấy doanh thu thuần của nhà bán lẻ này trong quý vừa qua đã giảm 43,5% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 3.960 tỷ đồng. Riêng doanh thu máy tính xách tay và điện thoại di động giảm 51% do những yếu tố vĩ mô xấu (như lạm phát leo thang, xuất khẩu yếu và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng) và các công ty tài chính tiêu dùng thắt chặt tín dụng.

Chiều ngược lại, doanh thu thiết bị gia dụng tăng 158% so với cùng kỳ, song mức tăng này có được từ mức nền thấp trong quý I/2022. Thực tế, doanh thu thiết bị gia dụng của doanh nghiệp trong quý I/2022 chưa đáng kể, và bắt đầu ghi nhận doanh thu mảng này từ cuối quý II/2022. 

Trừ chi phí, Digiworld ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm gần 63% so với cùng kỳ năm 2022, xuống 82 tỷ đồng.

 

Mở rộng có chọn lọc, 'chỉ làm những thứ hiệu quả' và nhiều giải pháp thích ứng từ phía doanh nghiệp

Lường trước tình hình khó khăn còn kéo dài, tại ĐHĐCĐ gần đây, Digiworld đã được cổ đông thông qua mục tiêu lợi nhuận ròng giảm mạnh 43% so với năm 2022, xuống mức 400 tỷ đồng. Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT của Digiworld cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, thị trường tiêu thụ nói chung sẽ phục hồi nhưng không đáng kể, khoảng 10%. Năm 2024 sẽ là năm ghi nhận tăng trưởng của công ty ở những ngành hàng hiện hữu và tất nhiên sẽ có sự đóng góp của những ngành hàng mới.

Chung góc nhìn thận trọng, bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, lợi nhuận ròng của Digiworld trong 2023 có thể giảm 34,7% so với năm 2022 với giả định doanh thu giảm, đặc biệt là doanh thu điện thoại di động và laptop, vốn là hàng không thiết yếu và có thể mất nhiều thời gian để phục hồi rõ rệt. Biên lợi nhuận giảm do chia sẻ khó khăn với người dùng và kích cầu. Trong giai đoạn 2023-2025, BVSC dự phóng lợi nhuận ròng mỗi năm của Digiworld có thể giảm trung bình 29,6%.

Đơn vị phân tích cũng cho rằng việc điều chỉnh giảm dự báo là do giả định doanh thu giảm, đặc biệt là doanh thu điện thoại di động và laptop, vốn là hàng không thiết yếu và có thể mất nhiều thời gian để phục hồi rõ rệt, và giả định biên lợi nhuận giảm do chia sẻ khó khăn với người dùng cuối và kích cầu.

Đây cũng là nhận định chung của hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp bán lẻ điện máy trong đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa qua khi suy thoái kinh tế đã bắt đầu gây sức ép lên hoạt động kinh doanh và những mặt hàng trong ngành.

Chia sẻ với cổ đông, ông Hoàng Trung Kiên, Tổng giám đốc FPT Retail, nhận định năm 2023 dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi các yếu tố bất lợi trong quý IV/2022 như sức mua mặt hàng công nghệ giảm mạnh; chi phi tài chính liên tục tăng cao, lạm phát cao, thị trường mua trả góp liên tục suy giảm… Do đó, FPT Retail dự kiến gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt đến từ chuỗi FPT Shop khi nhu cầu mua sắm các sản phẩm ICT (Công nghệ thông tin và Truyền thông) tiếp tục giảm mạnh và khó dự báo về thời gian hồi phục và dự kiến tới quý III/2023, tình hình mới khả quan hơn.

Để cải thiện phần nào tình hình, FPT thậm chí lựa chọn thêm mặt hàng kinh doanh ngoài các thiết bị công nghệ. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ 2023 của Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (mã: FRT - công ty mẹ của FPT Retail), lãnh đạo doanh nghiệp cho hay, để tận dụng lợi thế về mặt bằng và cải thiện doanh thu, doanh nghiệp đang tính đến việc đăng ký bổ sung loạt ngành nghề kinh doanh mới, bao gồm: bán môtô, xe máy; bảo dưỡng và sửa chữa môtô, xe máy; bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của môtô, xe máy; bán lẻ xe đạp và phụ tùng trong các cửa hàng chuyên doanh; sửa chữa xe đạp, đồng hồ, đồ dùng cá nhân và gia đình khác.

Ngoài ra, FRT cũng sẽ tập trung cải thiện lãi gộp bằng cách triển khai bán hàng gia dụng trong các cửa hàng FPT Shop hiện hữu. Theo ông Kiên, cho đến nay số lượng cửa hàng FPT Shop bán hàng gia dụng đã đạt hơn 300 cửa hàng và dự kiến đến cuối năm nay FRT sẽ đưa con số này lên 600 cửa hàng.

Với MWG, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT, cũng dự báo tình hình kinh doanh trong vài quý tới tiếp tục khó khăn. Sức mua giảm nằm nhiều ở phân khúc tầm trung trở xuống (mid-end và low-end) cho cả phân khúc điện thoại và điện máy, trong đó điện thoại bị tác động mạnh hơn. 

Chia sẻ thêm về chiến lược phát triển của công ty, Chủ tịch MWG cho biết, năm 2023, doanh nghiệp hướng đến sự tập trung và hiệu quả, chỉ làm những thứ hiệu quả "ngay và luôn", ngược lại sẽ tạm dừng, thu nhỏ. Trong các chuỗi, có BHX cánh cửa mở rộng vẫn mở, tuy nhiên công ty sẽ mở rộng theo hướng chọn lọc chứ không ồ ạt, mở ra là tăng thêm doanh thu chứ không phải tăng quy mô.