Loạt đề xuất nhằm trợ giúp ngành hàng không vượt qua khó khăn trong đại dịch

20:15 | 28/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 với ngành hàng không, các cơ quan quản lý cấp trung ương và cả Hiệp hội hàng không Việt Nam (VABA) đã đưa ra những kiến nghị nhằm giúp ngành này vượt khó.

Giảm giá dịch vụ máy bay cất hạ cánh đến hết năm

Tại dự thảo Thông tư quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 thì Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra các đề xuất Đề xuất giảm một nửa giá dịch vụ máy bay cất, hạ cánh đến hết năm nay. 

Cụ thể, nội dung dự thảo nêu rõ mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh máy bay đối với các chuyến bay nội địa được thực hiện từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 áp dụng bằng 50% mức giá cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

Loạt đề xuất nhằm trợ giúp ngành hàng không vượt qua khó khăn trong đại dịch - ảnh 1

Liên tiếp những đợt dịch khiến nhiều hãng hàng không gặp khó. Ảnh minh họa: Báo điện tử Đảng CSVN

Sau thời hạn trên, các mức giá dịch vụ cất, hạ cánh máy bay được tiếp tục thực hiện theo mức giá quy định hiện hành. 

Đánh giá về giải pháp này, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội hàng không Việt Nam (VABA) nhận định rằng: "Việc giảm giá dịch vụ cất hạ cánh máy bay cho các hãng hàng không là việc làm rất cần thiết vào lúc này. Bộ GTVT nên kéo giãn thời gian giảm giá dịch vụ, bởi dịch covid-19 còn diễn biến phức tạp, hoạt động bay của các hãng chưa biết đến khi nào mới phục hội". 

Được biết, liên quan đến vấn đề này thì Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng từng đưa ra kiến nghị với nội dung tương tự cho Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi thông tư 19/2020 và thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Đề nghị cơ cấu, gia hạn nhóm nợ trợ giúp ngành hàng không

Tuy nhiên, hiện tại thì việc giảm giá một số dịch vụ máy bay cất, hạ cánh đến hết năm nay là chưa đủ để giúp hàng không sống sót trước cơn khủng hoảng mang tên COVID-19. 

Nên, trước đó chính Hiệp hội hàng không Việt Nam cũng đã phải gửi thư ngỏ đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với đề xuất kèm theo là cho các hãng hàng không cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ các hãng hàng không.

Dưới đây là nội dung cụ thể mà VABA đề nghị ngân hàng cần vào cuộc giải quyết ngay để giúp đỡ cho các hãng bay. 

Thứ nhất là đề nghị mở rộng đối tượng/các khoản nợ được cơ cấu lại, cụ thể là áp dụng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ phải trả và phát sinh mới trong thời gian dịch bệnh bùng phát (cho cả các khoản giải ngân cả trước và sau ngày 10/6/2020).

 

Tiếp theo, là kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi; giữ nguyên nhóm nợ; việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 tháng – 6 tháng kể từ khi Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 (hoặc công bố trạng thái bình thường mới) theo quy định của Thông 01/2020/TT-NHNN thay vì giới hạn thời hạn tại 31/12/2021. Các hãng vẫn cần một khoảng thời gian phục hồi sau dịch bởi đã chịu thiệt hại nặng nề suốt từ giữa năm 2020 đến nay. 

Thứ ba, đối với các khoản vay trung và dài hạn, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp cũng cần có thời gian ổn định, phục hồi sản xuất, cải thiện dần dòng tiền; tới khi có doanh thu trở lại thì mới có tiền để trả nợ ngân hàng. 

VABA nêu thực tế rằng các hãng hàng không đang rơi vào thế khó trong vấn đề đảm bảo duy trì dòng tiền để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất vừa trả nợ trong ít nhất 1 năm kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả thời gian gia hạn nợ) căn cứ theo quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Do đó, cần kéo dài thời gian cơ cấu lên 18 - 24 tháng hoặc thực hiện theo Thông tư 01 là "12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay".

Cuối cùng, Thông tư 01 và Thông tư 03 chỉ quy định cơ cấu lại nợ đối với các khoản vay, cho thuê tài chính, trong khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh, do đó kiến nghị bổ sung áp dụng việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giãm lãi đối với dư nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như bảo lãnh, LC, bao thanh toán…

Trên thực tế, các vấn đề liên quan đến cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay dành cho ngành không không hề mới. Vào hồi tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng đưa ra dự thảo với loạt đề xuất  miễn, giảm thuế phí, tiền sử dụng đất, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi vay…, giúp các doanh nghiệp trong đó có hàng không vượt khó. 

Cụ thể, Bộ đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung nghị quyết 84 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh theo hướng mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp. Cơ chế này sẽ được nhân rộng với các doanh nghiệp doanh nghiệp trong các ngành chịu tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải chứ không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. 

Bộ Kế hoạch và đầu tư tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong giai đoạn 2021-2023 để giúp các hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, Bamboo Airways giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển. Vietnam Airlines đã được hưởng cơ chế này từ Chính phủ với gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng đã được thông qua. 

Duy Anh (t/h)

Xem thêm: Bài 8: Chuyện từ vùng sình lầy tới Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn