Lọc hoá dầu Bình Sơn: Lãi ròng 12.900 tỷ sau 9 tháng; tiền mặt và gửi ngân hàng hơn 26.500 tỷ

Trang Mai 11:11 | 28/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo tài chính Công ty cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) công bố mới đây, doanh nghiệp có doanh thu tăng gấp đôi nhưng lợi nhuận lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của VNDIRECT, lợi nhuận ròng trong năm của BSR dự báo sẽ giảm 40,1% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của đợt bảo dưỡng định kỳ trong năm 2023.

Cụ thể, trong quý III, BSR báo cáo doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 39.567 tỷ đồng, tăng 123,8% so với quý III/2021. Giá vốn tăng mạnh 128% lên 38.913 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp còn 654 tỷ đồng, tăng nhẹ 10,5 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 1,65%, giảm từ mức 3,6% cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 19% lên 345 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá.

Trừ các chi phí, doanh nghiệp thu về 514 tỷ đồng trước thuế, tăng 2,9% và lãi ròng 455 tỷ đồng, giảm 3,3%. Trong đó lợi nhuận ròng của công ty mẹ đạt 478,6 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng, BSR ghi nhận doanh thu thuần 126.717 tỷ đồng, tăng 90% và lãi ròng 12.899 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ 2021.  

 
NMLD Dung Quất (do BSR quản lý) với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhiên liệu cho cả nước kể từ khi đi vào hoạt động, đáp ứng xấp xỉ 35% tổng nhu cầu nội địa. BSR duy trì công suất vận hành cao, lên tới 105 - 108% trong nhiều năm, cho thấy khả năng sinh lời cao, ngoại trừ năm 2020 do dịch Covid 19 bùng phát và giá dầu giảm mạnh.

Dầu diesel (DO 0,05% S), xăng RON 95 (Mogas 95) và RON 92 (Mogas 92) là 3 sản phẩm chính của BSR, ước tính đáp ứng khoảng 35% tổng nhu cầu trong nước. Trong 9 tháng 2022, 3 sản phẩm này lần lượt chiếm 38,5%, 29,5% và 14,9% tổng doanh thu của BSR. Gia tăng tỷ trọng các sản phẩm này sẽ là định hướng của BSR khi triển khai dự án nâng cấp và mở rộng nhà máy.

 

Tính đến 30/9, Lọc dầu Bình Sơn có tổng tài sản 74.243 tỷ đồng, tăng 11,1% từ đầu năm. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt tới 26.524 tỷ đồng, tương đương 35,7% tổng tài sản; bao gồm: 2.131 tỷ đồng tiền mặt, 17.009 tỷ đồng tương đương tiền (tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại các NHTM) và 7.384 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng).

Các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng 12.769 tỷ đồng; Hàng tồn kho còn 13.821 tỷ đồng, tăng 33,5% từ đầu năm, chủ yếu là hàng mua đang đi trên đường và nguyên liệu, vật liệu, thành phẩm tồn kho. Tài sản cố định chiếm 18.516,6 tỷ đồng. 

 Tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp tính đến cuối kỳ.(Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC của BSR)  

 

Tính đến 30/9/2022, BSR ghi nhận tổng nghĩa vụ nợ 24.821 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 23.534 tỷ đồng. Đáng chú ý là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã giảm từ 9.829 tỷ đồng đầu năm xuống còn 3.854 tỷ đồng cuối kỳ. Nợ dài hạn cũng giảm 43,8% xuống còn 1.287 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến hết quý III là 49.422 tỷ đồng. 

Các khoản nợ ngắn hạn của Lọc hoá dầu Bình Sơn tính đến hết quý III. (Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC của BSR) 

Về lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ kinh doanh tăng mạnh lên 13.073 tỷ đồng nhờ lợi nhuận trước thuế tăng lên hơn 13.678 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư hiện âm 2.803 tỷ đồng do doanh nghiệp chi hơn 5.926 tỷ đồng cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác. Dòng tiền tài chính âm 7.465 tỷ đồng do BSR chi hơn 71.440 tỷ đồng trả nợ gốc vay. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận dương 2.805 tỷ đồng.

Trước đó, VNDIRECT dự báo rằng, dù đạt kết quả tăng trưởng kỷ lục trong 6 tháng đầu năm thế nhưng BSR sẽ khó tăng trưởng trong nửa cuối năm bởi crack spread (sự chênh lệch giữa giá của một thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ nó) có thể đã đạt đỉnh trong quý II, đặc biệt là crack spread xăng đã giảm xuống thấp hơn mức năm 2021, và giá dầu dự kiến sẽ giảm dần trong cuối năm 2022, điều này có thể khiến BSR phải ghi nhận các khoản trích lập giảm giá hàng tồn kho. 

Hoạt động của BSR tiềm ẩn những rủi ro như việc giá dầu giảm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của BSR do công ty không sử dụng bất kỳ biện pháp phòng ngừa rủi ro nào cho biến động giá nguyên liệu đầu vào và crack spread; Sản lượng tiêu thụ thấp hơn dự kiến do giá nhiên liệu cao; Chất lượng sản phẩm thấp sẽ là rủi ro giảm giá đối với BSR nếu cơ quan chức năng áp dụng tiêu chuẩn nhiên liệu cao cho thị trường nội địa để đáp ứng các mục tiêu về môi trường. 

6 tháng cuối năm, VNDIRECT dự báo rằng lợi nhuận sau thuế của Lọc hóa dầu Bình Sơn giảm nhẹ 9%, theo đó lãi ròng năm 2022 sẽ tăng 128,4% so với cùng kỳ. Trong năm 2023-2024, lợi nhuận ròng dự báo sẽ giảm 40,1% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của đợt bảo dưỡng định kỳ trong năm 2023, trước khi quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2024 với tốc độ tăng trưởng 12,2%.

Dự án nâng cấp hứa hẹn sẽ là động lực tăng trưởng mới trong dài hạn

BSR có kế hoạch nâng cấp và mở rộng NMLD Dung Quất (vốn đầu tư 1,26 tỷ USD) từ năm 2023, giúp nâng công suất thêm 17% lên 7,6 triệu tấn/năm. Sau khi hoàn thành, BSR có thể chưng cất các loại dầu thô chua hơn và cung cấp các sản phẩm có chất lượng cao (tiêu chuẩn Euro V). 

Khi nhu cầu trong nước vẫn là một thị trường tiềm năng, BSR sẽ chuyển dần sang lĩnh vực hóa dầu và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như LPG, JetA1.