Lọc hóa dầu Bình Sơn muốn nâng công suất phân xưởng Polypropylene lên 140%

Anh Nguyễn/TTXVN 17:14 | 25/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đặt mục tiêu nâng công suất phân xưởng Polypropylene (PP) của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên 140% công suất thiết kế.

Tuy nhiên, để hiện thực hoá được mục tiêu này, nguồn nguyên liệu Propylene phải đáp ứng nhiều hơn thế. Tại buổi làm việc với tư vấn Wood Group UK Limited (WOOD) mới đây, BSR và WOOD đã thống nhất có những bước tiếp theo của quá trình hợp tác để thực hiện thành công việc tối ưu vận hành, tăng nguồn nguyên liệu Propylene cho sản xuất hạt nhựa.

Dự kiến, BSR sẽ triển khai cải hoán tích hợp với Dự án nâng cấp mơ rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhằm nâng cao khả năng sản xuất và thu hồi Propylene.

Đầu năm 2021, BSR đã thử nghiệm thành công và nâng công suất phân xưởng PP lên 115% công suất thiết kế. Việc thử nghiệm thành công này không những giúp BSR đáp ứng nhu cầu thị trường về sản lượng các sản phẩm hạt nhựa PP khi nhu cầu tăng cao trong ngắn và trung hạn mà còn giúp doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong việc tối ưu công suất vận hành các phân xưởng khác của Nhà máy.

Bên cạnh các giải pháp áp dụng ở phân xưởng PP, BSR cũng thực hiện các sáng kiến cải tiến thành công để tăng sản lượng sản xuất nguyên liệu Propylene từ cụm phân xưởng thượng nguồn RFCC/PRU của Nhà máy.

Kết quả của các sáng kiến cải tiến liên tục áp dụng ở cụm phân xưởng RFCC/PRU/PP từ 2017 đến nay đã giúp phân xưởng PP từng bước tăng công suất thành công từ 105% lên 115% công suất thiết kế, góp phần mang lại hiệu quả cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất hơn 70 tỷ đồng/năm, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng về các sản phẩm PP trong nước.

 Toàn cảnh nhà máy Lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: TTXVN) 

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã trình các cấp thẩm quyền phê duyệt hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất điều chỉnh sẽ có tổng mức đầu tư mới là khoảng 1,2 tỷ USD. Công suất Nhà máy được nâng lên 171 nghìn thùng dầu thô/ngày (tương đương 7,6 triệu tấn/năm) với hỗn hợp dầu thô thiết kế là Azeri BTC 53% + ESPO 47%.

Sau khi hoàn thành Dự án, Nhà máy có thể vận hành dầu thô hỗn hợp có hàm lượng lưu huỳnh đến 0,34% khối lượng. Các sản phẩn xăng RON 92, RON 95 và dầu Diesel đạt tiêu chuẩn Euro V. Kế hoạch vốn dự kiến cho Dự án là 40% vốn chủ sở hữu, 60% vốn vay (tỷ lệ này có thể thay đổi theo từng phương án thu xếp vốn cho dự án).

Được biết, WOOD là công ty có nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp các dịch tư vấn, thiết kế trong ngành công nghiệp lọc hóa dầu và đã thực hiện công tác lập hồ sơ thiết kế tổng thể (FEED) cho một số dự án tại Việt Nam như dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.