Lời khuyên của nhân viên kỳ cựu 35 tuổi: Mọi mối quan hệ nơi công sở đều cần giới hạn
Bởi hầu hết chúng ta luôn dành ra tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày để làm việc, giao tiếp và sinh hoạt chung với những đồng nghiệp của mình. Chính vì vậy mà làm thế nào để tạo ra một môi trường làm việc thoải mái là một điều vô cùng quan trọng đòi hỏi mọi người đều phải có nghệ thuật trong việc thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, sếp và cấp dưới.
Thông thường, chúng ta tiếp xúc với đồng nghiệp trong thời lượng 8 tiếng mỗi ngày (thậm chí còn nhiều hơn), thường xuyên trao đổi công việc, quen với tính cách của nhau thì đương nhiên sẽ dần trở nên thân thiết hơn về mặt tình cảm.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn phải lưu ý rằng mọi mối quan hệ nơi công sở đều nên đặt ra những giới hạn rõ ràng. Mối quan hệ sẽ dễ nhạt nếu cách quá xa, nhưng cũng sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn nếu cách quá gần. Giữ một khoảng cách phù hợp là cách để duy trì mối quan hệ lâu dài, hòa hợp.
Câu chuyện 1: Càng thân thiết, càng dễ bị lợi dụng
Có một nhân viên nam đi công tác tại Nhật Bản, vì thuận đường, anh có đi chung với một người em họ trên đường tìm kiếm nguồn hàng mới. Thời gian đang làm việc, mải mê xử lý với vô số mối quan hệ đối tác tại đây, nam nhân viên lại nhận được những tin nhắn của các đồng nghiệp nữ nhờ mua mỹ phẩm, trái cây, đặc sản… Đặc biệt, do đang bận công chuyện, chưa phản hồi ngay, có người còn nhắn tin thúc giục "Xem tin nhắn xong thì hồi âm nhanh nhé!"
Anh nhân viên vốn là người cả nể, muốn tạo ra nhiều mối quan hệ tốt với đồng nghiệp nên thường hay nhận lời nhờ vả, hay giúp đỡ người khác những việc lặt vặt như là chuyển phát nhanh, đặt cơm, mua đồ hộ…
Do quá bận công việc nên kể chuyện với em họ, định nhờ cậu mua đồ thì người đó thắc mắc: “Đây mà là nhờ vả à anh? Đọc tin nhắn còn tưởng là anh bị người ta đòi nợ.”
Lương thiện quá cũng là một loại bệnh, khi đã quá thân thiết, dù biết người ta lợi dụng thì cũng không ít người chẳng dám từ chối.
Câu chuyện 2: Càng thân thiết, càng dễ phát sinh mâu thuẫn
Một vị giám đốc có nhân viên gia cảnh khó khăn, mỗi ngày đều phải đạp xe hoặc đều đi tàu điện ngầm tới nơi làm việc nên người này đã đề nghị cho cấp dưới quá giang mỗi ngày.
Nhận được lời đề nghị, cấp dưới rất vui mừng. Tháng đầu tiên, người này tỏ ra xấu hổ, thể hiện lòng biết ơn bằng cách đôi khi tặng 1 vài món quà nho nhỏ, mời giám đốc đi ăn hay mua cà phê.
Tới những tháng sau đó, cấp dưới đã quen với việc đi nhờ và coi đó là chuyện đương nhiên. Lúc tan sở, anh ta thậm chí còn yêu cầu giám đốc ghé qua chỗ này chỗ kia để anh ta mua đồ cá nhân. Giám đốc cũng nghĩ “đã giúp thì giúp cho xong” nên không từ chối.
Ngày nọ, khi mà giám đốc nghe tin có người thân vào bệnh viện, phải vội vàng lái xe tới đó để chăm lo và xử lý mọi việc, anh cấp gọi điện tỏ vẻ khó chịu: "Sao anh về trước mà không thèm nói với tôi tiếng nào thế?"
Lúc này, giám đốc thực sự tức giận khi chẳng những không nhận được một lời thăm hỏi nào, mà còn bị chất vấn như thể đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Từ đó về sau, người cấp dưới không bao giờ được đi chung xe với giám đốc nữa.
Bài học rút ra về cách giữ mối quan hệ nơi công sở
ở chốn công sở, rất nhiều người bị mắc kẹt trong những tình huống trên bởi vì cả nể đồng nghiệp, sợ ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh, không muốn bị cô lập và xa lánh, dính vào thị phi nơi công sở cho nên ai đến nhờ vả cũng gật đầu mà chẳng dám từ chối.
Đương nhiên, đồng nghiệp với nhau thì giúp đỡ là chuyện thường tình nhưng người giúp hay người được giúp đều phải hiểu rõ đạo lý là giúp người một, hai lần còn hợp lý, nhờ giúp quá nhiều lần sẽ trở thành ích kỷ, lợi dụng.
Bản thân người nhận lời giúp đỡ cũng sẽ bị ảnh hưởng tới công việc chính của mình và vô hình chung đang nuông chiều "thói quen nhờ vả" của đồng nghiệp. Khi mà người ta nhờ gì bạn cũng làm thì họ sẽ mặc định, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của bạn. Sau này, nếu bạn muốn từ chối thì họ cũng sẽ cho rằng bạn trở nên ích kỷ, khó tính, chỉ biết lấy mình.
Do đó, mối quan hệ nơi công sở với đồng nghiệp cần đặt ra một giới hạn mà ai cũng nên tuân thủ. Không nên quá thân thiết vì khi con người tương tác gần quá lâu, sẽ có sự thay đổi phức tạp trong tâm lý. Giống như việc lúc mới nhìn một người mẫu trên tạp chí sẽ thấy họ đẹp nhưng nhìn lâu sẽ thấy chán.
Bản thân tâm lý con người cũng như vậy, khi mà qua thời gian, mọi thứ sẽ nhạt dần dù trước đó có buồn hay vui ra sao. Vì thế, một nhân tố quan trọng trong giao tiếp là giữ nguyên tắc thích ứng tâm lý, đối xử với người khác cần có giới hạn, có khoảng cách thì họ mới quý, mới trân trọng mình.
Đừng bao giờ ngại từ chối vì sợ mất bạn, mất đồng nghiệp và các mối quan hệ nơi công sở.
Trong những mối quan hệ chốn công sở, chỉ những người nhận thức rõ "ranh giới" mới có cách cư xử tinh tế, vừa không biết mình trở thành "tay sai" của họ lại vừa không làm mất lòng đồng nghiệp.
Bản chất mỗi người có một cuộc sống riêng, bạn không cần thiết phải làm hài lòng tất cả mà thay đổi cuộc sống của bản thân mình.
Chuyên gia tâm lý và nhà nghiên cứu tại nơi làm việc Amy Cooper từng nói rằng: "Bạn không cần phải là người đồng nghiệp tuyệt vời nhất. Tôi hiểu rằng, bạn muốn trở nên tốt bụng, tử tế và chuyên nghiệp nhưng việc thổ lộ với mọi người về những bí mật đen tối sâu thẳm nhất hay những mục tiêu và ước mơ lâu dài của bản thân là không cần thiết trong môi trường làm việc".
Tất nhiên bạn vẫn cần có bạn bè ở nơi làm việc, nhưng bạn không cần thiết, cũng không có nghĩa vụ phải giúp đỡ đồng nghiệp vô điều kiện để lấy lòng họ, tìm cách để trở thành bạn tốt của tất cả mọi người được. Thời gian là hữu hạn, và bạn cần phải thận trọng khi đầu tư khoảng thời gian của mình, đặc biệt là khi xây dựng mối quan hệ nơi công sở.
Xem thêm: Kỹ năng lãnh đạo là một nghệ thuật, tưởng khó mà dễ nếu nắm được chìa khóa then chốt này
Phương Thúy