Lợi nhuận DN thép quý II được dự báo khá hơn quý I, nhưng vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ 2022
Dự báo biên lãi các doanh nghiệp thép hồi phục trong quý II, nhưng vẫn chịu sức ép từ giá bán giảm
Theo báo cáo Triển vọng nửa cuối 2023 ngày 6/7, CTCK Bảo Việt (BVSC) dự báo biên lợi nhuận của các hãng tôn mạ sẽ hồi phục trong quý II nhờ các đơn hàng với giá thép cuộn cán nóng (HRC) cao đã chốt trong quý trước đó.
Cụ thể, về thị trường thép nội địa, BVSC đánh giá tiêu thụ vẫn đang ở mức thấp do ngành bất động sản còn khó khăn khiến nhu cầu xây dựng, tiêu thụ thép bị suy giảm. Ngoài ra, nhu cầu xuất khẩu giảm mạnh cũng kéo theo sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC). Thép xây dựng và HRC chiếm gần 80% thép tiêu thụ nội địa, còn lại là tôn mạ và ống thép.
Từ đó, nhóm phân tích dự báo tổng tiêu thụ thép xây dựng nội địa tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 7,7 triệu tấn, giảm 8% so với 2022. Theo đó, nhóm kỳ vọng mặc dù thị trường bất động sản trong nước khó khăn, nhưng nhu cầu tiêu thụ thép dân dụng của các hộ gia đình và nhu cầu thép đầu tư công tăng trưởng trong 2023 sẽ giúp mức giảm không quá lớn.
Trong khi đó, HRC và tôn mạ chiếm khoảng 80% sản lượng thép xuất khẩu, còn lại là thép xây dựng và ống thép.
Thị trường xuất khẩu tôn mạ và HRC chính của Việt Nam là Mỹ, EU và khu vực ASEAN. Tiêu thụ thép tại các khu vực quốc gia phát triển giảm mạnh khiến sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam bị suy giảm trong năm 2022.
BVSC dự báo giá thép HRC hồi phục nhẹ về mức trung bình 600 USD/tấn trong nửa cuối năm 2023 do nhu cầu thép phục hồi chậm hơn so với dự kiến ban đầu của nhóm phân tích khiến giá bán khó hồi phục.
Nhận định về tình hình kinh doanh, BVSC chỉ ra rằng trong quý I, biên lợi nhuận các doanh nghiệp thép có dấu hiệu hồi phục nhờ giá thép tăng và các doanh nghiệp giảm trích lập hàng tồn kho khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, đến quý II, giá thép lại quay đầu giảm mạnh dự kiến sẽ tác động tới triển vọng hồi phục các doanh nghiệp ngành thép.
Đối với Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), giá thép xây dựng trong nước bị giảm khá mạnh, giá nguyên vật liệu chính là than cốc và quặng sắt cũng giảm.
Theo nhóm phân tích, do độ trễ hàng tồn kho nên HPG vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực, nhưng nhờ chính sách giảm số lượng ngày tồn kho xuống chỉ còn khoảng 1,5-2 tháng nên mức tác động tiêu cực của hàng tồn kho giá cao không quá lớn như giai đoạn trước đó nữa. BVSC ước tính biên lợi nhuận của HPG trong quý II sẽ xấp xỉ quý I.
Với các hãng tôn mạ Tập đoàn Nam Kim (Mã: NKG) và Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), dự báo biên lợi nhuận sẽ hồi phục trong quý II nhờ các đơn hàng với giá HRC cao đã chốt trong quý trước. Tuy nhiên, giá HRC lại giảm khá mạnh trong thời gian gần đây gây áp lực lên các đơn hàng vào cuối quý II và đầu quý III. BVSC nhận định điều này có thể khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp này chưa hồi phục mạnh.
Nhìn chung, nhóm phân tích dự báo giá thép sẽ hồi phục trong năm 2023 - 2024 và giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép cải thiện. Tuy nhiên, do triển vọng tiêu thụ khá ảm đạm nên mức hồi phục này sẽ không quá lớn và chưa quay lại mức biên lợi nhuận trung bình.
Trong báo cáo cùng ngày, phía CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng quý II này, hầu hết các doanh nghiệp thép sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận so với quý I, tuy nhiên tăng trưởng sẽ âm khá lớn khi so với cùng kỳ năm ngoái do quý II/2022 là quý cao điểm ghi nhận lợi nhuận của ngành thép.
Theo đó, nhóm phân tích đánh giá triển vọng thận trọng cho quý II khi tình hình sản xuất và tiêu thụ toàn ngành không thực sự tích cực, biên lợi nhuận vẫn còn chịu sức ép từ giá bán giảm.
Cụ thể, VDSC ước tính tiêu thụ thép thô lũy kế 6 tháng đầu năm đạt dưới 10 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm 2021. Những con số này vẫn không thể thuyết phục rằng nhu cầu thép đang tốt lên.
Thêm vào đó, lượng xuất khẩu thép thô trong nửa đầu năm ước tính 875.000 tấn, gấp đôi so với cùng kỳ, chiếm tỷ trong khoảng 1/10 tổng tiêu thụ, đồng nghĩa nhu cầu thép thô trong nước 6 tháng qua ước tính giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này phần nào cho thấy tín hiệu về tốc độ hồi phục của hoạt động xây dựng và sản xuất công nghiệp trong nước.
Nhóm phân tích cũng cho rằng điểm sáng hiếm hoi của ngành thép trong nước thuộc về nhóm xuất khẩu HRC (Formosa và HPG) khi sản lượng xuất khẩu trong tháng 5/2023 đạt kỷ lục hơn 390.000 tấn, cho thấy khả năng cạnh tranh của nhóm các nhà máy thép thượng nguồn trên thị trường quốc tế.
Ước tính sản lượng xuất khẩu nửa đầu năm 2023 đạt gần 1,7 triệu tấn, đóng góp một nửa tổng tiêu thụ HRC. Một mặt, đây là tin tích cực khi ngành sản xuất trong nước có thể cạnh tranh ở tầm quốc tế, giúp các nhà máy tiêu thụ hàng khi nhu cầu trong nước yếu và có nguồn thu ngoại tệ để cân bằng ảnh hưởng của tỷ giá.
Mặt khác, số xuất khẩu HRC thể hiện tình trạng khá tiêu cực trong nước khi nhu cầu HRC của các nhà máy tôn mạ, ống thép đang rất yếu. Ước tính nửa đầu năm 2023, nhóm các nhà máy thép hạ nguồn chỉ tiêu thụ chưa tới 1,7 triệu tấn HRC, giảm 45% so với cùng kỳ.
Thực tế, ước tính sản lượng tiêu thụ tôn mạ và ống thép trong 6 tháng đầu năm lần lượt đạt 2,0 và 1,2 triệu tấn, giảm lần lượt 16% và 11% so với cùng kỳ, trong đó tiêu thụ nội địa tôn mạ và ống thép giảm lần lượt 14% và 25% so với cùng kỳ.
Thêm vào đó, việc giá HRC đang trên đà giảm (đã giảm 16%) kể từ đầu quý II không phải là môi trường thuận lợi để cải thiện biên lợi nhuận doanh nghiệp thép.
Tâm lý kỳ vọng có thể hỗ trợ cổ phiếu ngành thép
Ngày 11/7, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Khối môi giới, CTCK JBSV chia sẻ trên chương trình "Khớp lệnh" ở góc nhìn của nhà đầu tư, rằng đôi khi những kỳ vọng có tác động rất tích cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bởi, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, khi Chính phủ đã liên tục thông qua nhiều chính sách để kích thích tăng trưởng kinh tế. "Những nhóm ngành tăng đầu thị trường là nhóm ngành tài chính (chứng khoán, ngân hàng), đấy là quy luật của các chu kỳ. Tiếp theo là những ngành nhạy hơn, có tính chu kỳ như nhóm ngành sản xuất (Thép Hòa Phát) và những nhóm ngành khác hiện nay đã hồi phục rất tốt", vị này nói thêm.
Phân tích thêm về cổ phiếu, ông Phương Nam, BTV chương trình "Khớp lệnh" lấy ví dụ như Hòa Phát giai đoạn cuối năm 2022 - đầu năm nay, tập đoàn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thị giá cổ phiếu giảm xuống còn khoảng 12.000 đồng/cp. Tuy nhiên, nhờ các kỳ vọng và dự báo hồi phục, giá cổ phiếu đã bật tăng mạnh mẽ mặc dù báo cáo tài chính cũng như tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa ghi nhận khởi sắc, các lò cao tại thời điểm đó chưa có dấu hiệu mở cửa.
Tại phiên 11/7, giá cổ phiếu HPG đạt 27.300 đồng/cp, tăng mạnh 127,5% so với vùng đáy cuối năm ngoái. Đến nay, tập đoàn đã có thông tin mở lại lò cao cuối cùng. "Có thể thấy, những thông tin đi sau rất nhiều, các nhà đầu tư đã có lựa chọn và những kỳ vọng vào cổ phiếu ở những doanh nghiệp đã tạo đáy lợi nhuận và có thể đi lên trong tương lai." - ông Nam đánh giá.
Xét theo ngành sản xuất hàng hóa nói chung cũng như ngành thép nói riêng, dự báo kết quả kinh doanh quý II, chuyên gia Nguyễn Trung Du cho rằng, "so với năm trước thì chúng ta thua, nhưng so với đầu năm, tình hình đang dần tích cực lên."
Đồng quan điểm, trả lời phỏng vấn trong chương trình "Bí mật đồng tiền" ngày 8/7 vừa qua, Mr. X30 Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, CTCP Chứng khoán SSI nhận định, khá nhiều ngành vẫn có mức tăng trưởng âm so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa quý II với quý I trước đó, nhìn theo góc độ tích cực có thể thấy 1 số doanh nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng ổn.