Lợi nhuận ngân hàng có thể giảm do các khoản nợ tái cơ cấu?

15:02 | 01/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giới chuyên gia phân tích, nếu không thu hồi nợ từ những khoản nợ vay tái cơ cấu, thì lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021 và 2022 khả năng sẽ giảm.

Các khoản nợ tái cơ cấu có thể làm giảm lợi nhuận ngân hàng?

Mới đây, chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) đã có báo cáo phân tích về ngành ngân hàng. Theo đó, lợi nhuận quý 2/2021 của toàn ngành được thúc đẩy bởi thu nhập lãi ròng, thu nhập phí tăng và khoản thu hồi nợ xấu cao. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đã tăng cường trích lập dự phòng nhằm hạn chế sự suy giảm của chất lượng tài sản – điều này là rất quan trọng. Tổng dự phòng đạt 33 nghìn tỷ đồng (tăng 55% so với quý trước và tăng 83% so với cùng kỳ).

Dù vậy, con số lợi nhuận kể trên chưa phản ánh thực chất hoạt động của ngân hàng, bởi khi một phần nợ xấu đã được tạm “che” đi khi được phép hoãn chuyển nhóm và tái cơ cấu theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, nhằm hỗ trợ những khách hàng bị thiệt hại và ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc, các ngân hàng không phải thoái thu lãi cũng như trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản vay có chất lượng bị suy giảm này.

Lợi nhuận ngân hàng có thể giảm do các khoản nợ tái cơ cấu? - ảnh 1

Ảnh minh họa.

"Chúng tôi xem đây là một tín hiệu tích cực do sự suy giảm chất lượng của tài sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ xảy ra và việc trích lập dự phòng một cách thận trọng sẽ giúp các ngân hàng có sự chuẩn bị tốt hơn và giảm áp lực dư luận về việc công bố tăng trưởng lợi nhuận quá cao trong bối cảnh khách hàng/doanh nghiệp đang gặp khó khăn", YSVN cho biết.

Hầu hết các ngân hàng đều tăng trích lập dự phòng trong quý 2/2021, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, Mặc dù các ngân hàng cho rằng tỷ lệ bao phủ nợ xấu nên phụ thuộc vào giá trị của tài sản thế chấp, nhưng nhóm phân tích cho rằng một vài loại tài sản thế chấp nhất định có sự biến động về giá trị thị trường và cũng có thể mất nhiều thời gian để thanh lý trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp.

YSVN cho rằng, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021 và 2022 sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng thu hồi nợ từ những khoản nợ vay tái cơ cấu. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng sẽ phải tăng thêm dự phòng, từ đó làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng.

YSVN lưu ý có sự chênh lệch đáng kể giữa những con số trên báo cáo dòng tiền và báo cáo thu nhập của một số ngân hàng. Khoản chênh lệch âm khi thu nhập lãi gộp ( bỏ qua chi phí lãi vay đối với trường hợp này) đã được ghi nhận trên báo cáo thu nhập nhưng chưa thực sự được thu về.

Theo giới chuyên gia, nếu như năm 2020 chứng kiến nhiều ngân hàng khá thành công trong việc xử lý xong nợ trước hạn, thì một rủi ro về nợ xấu khác lại xuất hiện chính là những khoản vay tái cơ cấu do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Nếu như không có những giải pháp hỗ trợ kịp thời như Thông tư 01, khả năng lợi nhuận của không ít ngân hàng đã bị suy giảm nặng nề do phải chuyển nhóm nợ đúng quy định, kéo theo thoái thu lãi và trích lập dự phòng đầy đủ cho những khoản vay này.

Đề xuất gỡ khó cho ngân hàng khi nợ xấu tăng đột biến

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ((VNBA) đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên kiến nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng dịch Covid-19 chiếm tới khoảng 70%-80% dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, khiến cho số nợ quá hạn và nợ xấu phát sinh chỉ riêng trong khoảng thời gian từ ngày 18/5/2021 đến thời điểm dự thảo thông tư có hiệu lực là rất lớn.

VNBA cho rằng chắc chắn trong tương lai, nợ xấu sẽ tăng rất cao và tổ chức tín dụng ngày càng khó khăn về thanh khoản, để lại hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế và ngành ngân hàng.

Về thời điểm được cơ cấu lại khoản nợ, VNBA góp ý nên áp dụng cho số dư của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 và quá hạn trước ngày thông tư sửa đổi có hiệu lực. Bởi việc đưa ra nhiều mốc thời gian làm khó cho tổ chức tín dụng theo dõi thực hiện, thanh tra, kiểm tra, chưa kể dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong cả một giai đoạn trước ngày 17/7/2021 (như dự thảo thông tư dự kiến áp dụng). Một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP HCM… đã phải áp dụng Chỉ thị 15 trước khi áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 và phát sinh trước thời điểm 17/7/2021.

Đáng lưu ý, trong góp ý cho dự thảo thông tư sửa đổi, VNBA cũng đề xuất cho phép cơ cấu nợ đối với cả dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Với xu hướng không dùng tiền mặt như hiện nay, thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến.

Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tăng cường sử dụng biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết. Thực tế số lượng các khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Riêng đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16, VNBA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho tổ chức tín dụng được phép: Hoãn trả nợ cho khách hàng cho đến hết 15 ngày, sau ngày công bố chấm dứt thực hiện Chỉ thị 16, trừ trường hợp khách hàng tự nguyện thực hiện trả nợ thông qua các hình thức như chuyển khoản, nộp tiền vào tài khoản, tài khoản khách hàng có đủ số dư để thu nợ.

Nghĩa Nhân