Lợi nhuận ngân hàng và những động lực tăng trưởng năm 2022
Dự báo bức tranh kinh doanh ngành ngân hàng, giới phân tích cho rằng bức tranh tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 sẽ thấp hơn 2021 khi phải cân bằng kiểm soát rủi ro, dự báo lợi nhuận chỉ tăng 19%, thấp hơn năm 2021, theo VNDirect.
Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng hoạt động kinh doanh các ngân hàng năm 2022 nhìn chung sẽ tiếp tục duy trì tích cực.
Cụ thể, công ty chứng khoán cho rằng nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ được hỗ trợ bởi các câu chuyện chia cổ tức và kỳ vọng phát hành riêng lẻ đối tác nước ngoài trong quý I/2022, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân sẽ có điểm rơi về tin tức và tăng trưởng kể từ quý II và quý III năm 2022.
Tổng thu nhập hoạt động được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng và triển vọng từ các dịch vụ thu phí
Nhận định về ngành ngân hàng năm 2022, Giám đốc Khối Phân tích Chứng khoán VNDirect, bà Trần Thị Khánh Hiền dự báo sẽ có ngân hàng sẽ tăng vượt bậc. Các ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh tín dụng và thu nhập ngoài lãi như bancassurance sẽ có lợi thế.
Ngoài ra, ngân hàng nào có cho vay cá nhân nhiều thì có biên lãi suất cao hơn, trong bối cảnh lãi suất đầu ra giảm, lãi suất đầu vào thì đang có xu hướng nhích lên. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt cũng sẽ có cơ hội trong năm 2022.
Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Chứng khoán SSI cho biết tăng trưởng tín dụng năm 2022 dự kiến sẽ mạnh hơn năm 2021 xuất phát từ cả phía cung và cầu.
Nhóm chuyên gia ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 dao động trong khoảng 14% -15%, cao hơn năm 2021. Tuy nhiên, cơ cấu tín dụng có thể được điều chỉnh do việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể giảm với sự quản lý chặt chẽ hơn. Khoảng cách tăng trưởng tín dụng được thu hẹp giữa các NHTM cổ phần và các NHTM nhà nước.
Theo đó, nhu cầu vay sẽ lan toả đến mảng bán lẻ cùng với đà hồi phục của nền kinh tế. Về phía cung, các chỉ tiêu an toàn vốn tại TPBank và VPBank tăng lên sau đợt phát hành riêng lẻ và thoái vốn công ty con trong năm 2021.
SSI cũng lưu ý rằng BIDV, Vietcombank, MB, VPBank, OCB, LienVietPostBank, SHB, MSB và HDBank cũng có thể cải thiện vị thế vốn nếu kế hoạch phát hành riêng lẻ hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi thành công trong năm 2022.
Trong quý IV/2021, nhu cầu tín dụng (đặc biệt là từ các khách hàng doanh nghiệp) khá mạnh, khi các hoạt động kinh doanh bắt đầu gia tăng trở lại sau thời gian giãn cách xã hội. Tổng tín dụng ước tính tăng ròng khoảng 450.000 tỷ đồng riêng trong quý IV/2021, so với 724.000 tỷ đồng trong ba quý đầu năm 2021.
9 tháng 2021, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đạt 7,9%. Động lực tăng trưởng chính là cho vay bán lẻ tại ACB, Techcombank, TPBank, VIB và VietinBank. Trong khi đó, BIDV, Vietcombank, VPBank, SHB và Sacombank có mức tăng trưởng cân bằng hơn ở cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Khoảng cách tăng trưởng tín dụng cũng được thu hẹp giữa NHTM cổ phần (10,5% so với đầu năm) và NHTM Nhà nước (8,9% so với đầu năm). Trong 9 tháng đầu năm 2020, hai tỷ lệ này lần lượt là 12,9% và 3,4%.
Năm 2021, MSB đã ký kết thành công hợp đồng độc quyền với Prudential và STB đã đàm phán lại hợp đồng độc quyền với Daiichi Life. Sang năm 2022, bộ phận phân tích của SSI ước tính VietinBank sẽ hoàn tất hợp đồng với Manulife.
Trong khi đó,Techcombank và VPBank tiếp tục đàm phán lại hợp đồng với Manulife và AIA. HDBank và LienVietPostBank sẽ có thể ký một hợp đồng bancassurance độc quyền mới.
Do vậy, các ngân hàng vẫn có nhiều động lực trong việc đẩy mạnh bán các hợp đồng bancassurance để đáp ứng các KPI mới hoặc sử dụng doanh thu bán hàng như là lợi thế trong việc thương lượng phí trả trước. Theo đó, hoa hồng bancassurance trên tổng NFI ước tính sẽ tăng trong năm tới (từ mức trung bình hiện tại là 15%), theo SSI.
Động lực từ những câu chuyện riêng
Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, trong thời gian tới, câu chuyện riêng sẽ tiếp tục là một trong những nhân tố có tác động tới triển vọng của các ngân hàng. Những câu chuyện của các ngân hàng tuy không quá mới với nhà đầu tư, song dự báo sẽ ảnh hưởng đáng kể tới tốc độ tăng trưởng của các nhà băng.
Chẳng hạn, cơ cấu vốn đã dần được cải thiện tại các ngân hàng hàng đầu. SSI Research cho biết hầu hết các ngân hàng hiện nay đã tuân thủ Basel II, và một số ngân hàng đang theo đuổi Basel III.
Ngoại trừ VietinBank và BIDV, hầu hết ngân hàng trong hệ thống đều có hệ số CAR trên 10%. Trong năm 2022, các chuyên gia kỳ vọng vấn đề vốn hóa của BIDV sẽ được giải quyết một phần thông qua đợt phát hành riêng lẻ sắp tới.
Bên cạnh đó, VietinBank được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện từ số tiền thu được từ thương vụ bancassurance độc quyền, cũng như việc thoái vốn tại một số công ty con. Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản có vấn đề đã cải thiện từ 2,2x trong năm 2016 lên 7,35x trong năm 2021 (so với 4x đối với các ngân hàng niêm yết còn lại).
Với giả định toàn bộ các khoản vay tái cơ cấu là tài sản có vấn đề, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 3,7x, cao hơn so với năm 2018, SSI nhận định.
Về chất lượng tín dụng năm 2022, chuyên gia cho rằng tỷ lệ thu hồi các khoản cho vay tái cơ cấu sẽ đi theo sự phục hồi của nền kinh tế. Đối với cơ cấu ngành, ngành du lịch và hàng không (chiếm 2,1% tổng dư nợ) có thể mất nhiều thời gian hơn để trở lại trạng thái thanh toán bình thường.
Tỷ trọng các khoản cho vay bán lẻ trong tổng dư nợ tái cơ cấu ước tính dao động từ 1% - 96% đối với hầu hết ngân hàng. Điều này có nghĩa là tỷ lệ phần trăm càng cao, tỷ lệ phục hồi càng tốt.
Ngoài ra, rủi ro giảm giá trị tài sản thế chấp dự báo chưa cao trong năm 2022. Giá nhà sụt giảm sẽ là rủi ro chính cần theo dõi trong trung hạn vì khoảng 60% tài sản thế chấp tại các ngân hàng là bất động sản.
Tỷ lệ tài sản đảm bảo là nhà ở trên tổng tín dụng dao động từ 85% đến 188% tại các ngân hàng. Đứng đầu danh sách gồm có ACB (188%), CTG (168%) và STB (166%).
Song, SSI Research kỳ vọng thị trường nhà ở sẽ vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng trong 2022 do lãi suất cho vay mua nhà vẫn ở mức thuận lợi. Theo đó, giá nhà và đất được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Thêm vào đó, bộ đệm rủi ro tại các ngân hàng đã được xây dựng mạnh hơn trong 2 năm qua. Tính đến quý III/2021, tổng trích lập dự phòng của các ngân hàng chiếm khoảng 67,2% tổng số nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu. Con số này cao hơn ở Vietcombank (133%), ACB (101%), MB (91%), VietinBank (75%) và Techcombank (73%).
Đánh giá tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng, các TCTD cho biết có sự phục hồi và "cải thiện" rõ rệt trong quý IV/2021 so với quý trước. Dự báo cho thời gian tới, 72,2 - 84,2% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với năm 2021.
Trong quý I/2022, 49,5% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý IV/2021, trong đó chủ yếu là "tăng nhẹ" (46,5% TCTD lựa chọn), 42,6% TCTD kỳ vọng "không đổi" và 7,9% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.
Dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% TCTD lo ngại lợi nhuận "giảm". Trong đo, nhóm Big4 ngân hàng đều đặt tham vọng tăng trưởng lợi nhuận trên 10%.
Cụ thể, VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế 10% - 20% trong năm 2022 hay Vietcombank đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng tối thiểu 12% so với 2021.