Lợi nhuận quý I dương trở lại, triển vọng nào cho hoạt động kinh doanh của Hòa Phát trong 2023?
Theo phân tích mới nhất ngày 8/5 từ Công ty Chứng khoán Vietcap (VCSC), các chuyên gia chỉ ra rằng lãi ròng quý I của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tăng nhờ 948 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho trong quý. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế HPG đạt 383 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ nhưng tăng mạnh so với 2 tỷ đồng lỗ ròng trong quý IV/2022. Biên lợi nhuận gộp của HPG theo đó phục hồi lên 6,3% từ mức lỗ trên.
Khoản dự phòng cho hàng tồn kho của HPG đã giảm xuống còn 288 tỷ đồng vào cuối quý I từ 1.200 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Cả năm 2022, HPG đã ghi nhận tổng chi phí dự phòng hàng tồn kho là 1.000 tỷ đồng. Theo VCSC, tổng lượng hàng tồn kho của HPG vẫn ở mức thấp 34.000 tỷ đồng (không đổi so với cuối năm 2022), thể hiện quá trình giảm hàng tồn kho giá cao của tập đoàn đã hoàn tất vào cuối năm 2022.
Mặt khác, nhóm phân tích chỉ ra những khó khăn đang diễn ra trên thị trường bất động sản trong nước và giải ngân cơ sở hạ tầng chậm tiếp tục ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của HPG trong quý đầu tiên của năm, ghi nhận giảm 27% - 35% trên tất cả các danh mục sản phẩm và phù hợp với kỳ vọng các chuyên gia.
Mặc dù lợi nhuận đảo chiều trong quý I là một tín hiệu tích cực, nhưng con số này chỉ hoàn thành 3% dự báo lợi nhuận cả năm tương ứng của VCSC. Do đó, nhóm phân tích cảnh báo có nhiều khả năng xảy ra rủi ro giảm đối với dự báo HPG năm 2023, như đã nêu trong báo cáo gần nhất hồi giữa tháng 2.
Cụ thể, trong báo cáo của VCSC ngày 14/2, các chuyên gia VCSC dự báo sản lượng bán của Hòa Phát năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù sản lượng bán thép xây dựng năm 2022 của HPG vượt trội so với ngành ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu, tốt hơn kỳ vọng của VCSC, nhóm phân tích vẫn giữ nguyên dự báo sản lượng bán thép xây dựng năm 2023 ở mức 3,8 triệu tấn, giảm 11% so với cùng kỳ.
VCSC cho rằng hoạt động xây dựng trong nước của khu vực tư nhân tiếp tục yếu sẽ có tác động kéo dài đến nhu cầu vật liệu xây dựng vào năm 2023 mặc dù được bù đắp một phần bởi chi tiêu dự kiến của khu vực công cho cơ sở hạ tầng. Đối với thép cuộn cán nóng (HRC), VCSC nâng dự báo sản lượng bán năm 2023 từ 2,5 triệu tấn lên 2,6 triệu tấn, đi ngang so với cùng kỳ do kỳ vọng nhu cầu xuất khẩu sẽ giúp sản lượng bán HRC tăng mạnh hơn so với các sản phẩm sản xuất trong nước như thép xây dựng.
Một yếu tố khác có thể tác động đến tình hình kinh doanh của Hòa Phát trong những quý tiếp theo là nguy cơ đà tăng giá thép không bền vững.
Cụ thể, theo VCSC, giá thép xây dựng trong nước tăng nhẹ 7% trong quý I so với cuối năm 2022 do có 6 đợt tăng giá phản ánh chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao hơn. Tuy nhiên, giá thép xây dựng trong nước đã ghi nhận 3 đợt giảm giá trong tháng 4, giảm 5% so với cuối quý I/2022 trong bối cảnh nhu cầu yếu.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên hồi cuối tháng 3, khi nói về hoạt động kinh doanh của Hòa Phát, Chủ tịch Trần Đình Long cũng bày tỏ quan điểm cá nhân rằng giai đoạn khó khăn, khốc liệt nhất của ngành thép đã qua. Nội lực của Hòa Phát và doanh nghiệp ngành thép là tốt, nhưng tương lai triển vọng vẫn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường.
Sản lượng thép sản xuất tháng 4 cao nhất từ đầu năm, sản lượng thép bán ra chỉ bằng 3/4 cùng kỳ
Hôm 8/5, Hòa Phát công bố sản lượng thép sản xuất trong tháng 4 với thép cuộn cán nóng đạt 239.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm. Theo đó, tập đoàn đã sản xuất 525.000 tấn thép thô, giảm 29% so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng hơn 19% so với tháng 3/2023. Bán hàng các sản phẩm thép đạt 457.000 tấn, giảm 23% so với tháng 4 năm ngoái.
Tập đoàn cho biết tháng vừa qua, nhu cầu thép xây dựng tại Việt Nam và trên thế giới vẫn ở mức thấp. Đây là nguyên nhân khiến sản phẩm này của Hòa Phát chỉ đạt hơn 214.000 tấn, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đóng góp 10%.
Các sản phẩm ống thép và tôn mạ của HPG ghi nhận mức tăng nhẹ so với tháng 4/2022 khi đạt lần lượt 49.000 tấn và 32.800 tấn.
Lũy kế 4 tháng, Hòa Phát sản xuất gần 1,8 triệu tấn thép thô, giảm 39% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao, HRC đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 34% so với 4 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, thép xây dựng đạt hơn 1 triệu tấn, giảm 34%. HRC ghi nhận 721.000 tấn, giảm 29%.
Sản phẩm hạ nguồn HRC là ống thép và tôn mạ lần lượt đạt 209.000 tấn và 102.000 tấn, giảm tương ứng 20% và 25% so với 4 tháng đầu năm ngoái. Đây là những dòng hàng chế biến sâu từ thép cuộn cán nóng của tập đoàn tự sản xuất nên Hòa Phát không tính vào tổng sản lượng chung.