LPBank: Tăng trưởng lợi nhuận tích cực, áp lực trích lập dự phòng về cuối năm

Diên Vỹ 15:20 | 29/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Là ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý II/2024 sớm nhất, LPBank ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng với lãi trước thuế quý II tăng 242% so với cùng kỳ 2023.

 

Tăng trưởng lợi nhuận nửa đầu năm ấn tượng

Theo báo cáo tài chính quý II đã công bố, trong quý vừa qua, LPBank  ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 4.834 tỷ (tăng 49% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế 3.032 tỷ (tăng 244% so với cùng kỳ). 

Mức tăng trưởng thu nhập hoạt động và lợi nhuận ấn tượng đạt được trong bối cảnh cả thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi của LPBank đều tăng vọt lần lượt 49% và 172% so với cùng kỳ.

Cụ thể, tại thời điểm kết thúc quý II, tăng trưởng tín dụng của LPBank đạt 15,3% so với đầu năm, tương đương tăng 3,3% so với quý I. Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng của quý II đã có dấu hiệu chậm lại sau quý I bùng nổ, nhưng vẫn là mức tích cực so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này góp phần khiến cho thu nhập lãi thuần của LPBank ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội 49% so với cùng kỳ, đạt 3.645 tỷ đồng.

Thu nhập từ hoạt động ngoài lãi của LPBank cũng duy trì tốc độ tăng trưởng cao 172% so với cùng kỳ, đạt 1.189 tỷ đồng nhờ hiệu ứng mức nền thấp của quý II/2023. Trong đó, đóng góp chủ yếu đến từ thu từ hoạt động dịch vụ (866 tỷ đồng) và hoạt động khác (245 tỷ đồng). 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, LPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 7.109 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ và thu nhập ngoài lãi đạt 2.202 tỷ đồng, tăng 177% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.919 tỷ đồng, tăng 142%.

Mặc dù tăng trưởng lợi nhuận quý II và nửa đầu năm hết sức tích cực, một số nhận định cho rằng dư địa tăng trưởng về cuối năm của LPBank có thể hạn chế. Một nguyên nhân chủ yếu là do dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều. Tại ĐHĐCĐ năm nay, LPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 16%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đến hết quý II đã đạt 15,3% so với đầu năm. Bên cạnh đó, dự kiến NIM vẫn sẽ chịu áp lực trong bối cảnh các ngân hàng cạnh tranh lãi suất gay gắt. 

Với nguồn thu từ hoạt động ngoài lãi, áp lực cũng dự kiến sẽ gia tăng về cuối năm do hiệu ứng mức nền cao, khi quý IV năm ngoái, LPBank ghi nhận một phần phí trả trước từ hợp đồng kết hợp độc quyền kinh doanh bảo hiểm với Dai-Ichi Life Việt Nam.

Áp lực trích lập có thể tăng trong những quý tiếp theo

Trong khi lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng, LPBank cũng chứng kiến dư nợ xấu tăng trở lại trong nửa đầu năm, một xu hướng chung của nhiều ngân hàng trong hệ thống.

 Tỷ lệ nợ xấu LPBank liên tục tăng trong 2 quý đầu năm 2024 sau khi tạo đáy vào quý IV/2023. Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp

Cụ thể, sau khi tạo đáy vào quý IV/2023, dư nợ xấu tại LPBank đã tăng trở lại trong quý I và quý II/2024. Tính đến 30/6/2024, tổng dư nợ xấu tại ngân hàng này đạt 5.482 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với thời điểm cuối quý I. Trong đó, dư nợ nhóm 3 tăng 24% so với quý trước, đạt 1.373 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 tăng 14%, đạt 1.794 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 tăng 46%, đạt 2.315 tỷ đồng. 

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu (NPL) tại LPBank đã tăng từ 1,39% hồi cuối quý I lên 1,73% tại thời điểm cuối quý II. Trong khi đó tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Tổng giám đốc LPBank Hồ Nam Tiến cho hay năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 0,9%.

Trong bối cảnh dư nợ xấu tăng, LPBank đã tăng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lên 4.228 tỷ đồng, tức tăng 22% so với đầu năm. Tuy vậy, do dư nợ xấu tăng nhanh hơn tốc độ tăng của chi phí trích lập, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tại LPBank tiếp tục giảm xuống 77% tại thời điểm kết thúc quý II, từ mức 94% hồi đầu năm. Điều này hàm ý áp lực trích lập có thể tăng lên về cuối năm, theo nhận định của một số CTCK.

Câu chuyện suy giảm chất lượng tài sản và áp lực trích lập tăng cao được nhận định là một trong những tâm điểm của ngành ngân hàng trong năm nay.

Theo Chứng khoán MB (MBS),  NPL tăng và LLR giảm là xu hướng chung toàn ngành. Nhóm phân tích dự báo chi phí trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu toàn ngành có dấu hiệu tăng lại trong quý II. 

Chứng khoán Rồng Việt trong báo cáo ngành ngân hàng mới nhất cũng dự báo xu hướng nợ xấu dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong vài quý tới do thị trường BĐS còn nhiều khó khăn do các nút thắt chưa hoàn toàn được tháo gỡ. VDSC kỳ vọng bức tranh nợ xấu sẽ có tín hiệu khả quan từ quý cuối năm nhờ (1) Hoạt động kinh tế khởi sắc và thị trường BĐS phục hồi dần tùy thuộc từng phân khúc và (2) Chính sách tín dụng thận trọng hơn của các NHTM. 

Chung quan điểm này, tại báo cáo triển vọng ngành ngân hàng nửa cuối năm 2024, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định áp lực nợ xấu vẫn ở mức cao trong nửa đầu năm, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt dần cùng với đà phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng: (1) Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải; (2) Nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao (bao gồm TPDN) và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024 – 2025.